Tài khoản bỗng dưng "bốc hơi" và hành trình gian nan đi đòi lại tiền của chính mình

Sau nhiều vụ tiền trong tài khoản ngân hàng bị "bốc hơi" nhưng lại rất gian nan khi đòi lại tiền của chính mình, các chuyên gia cho rằng, các ngân hàng phải có trách nhiệm bảo vệ tài khoản của khách hàng trước sự tấn công của tội phạm công nghệ cao.

Trong thời gian gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, nhiều chiêu lừa đảo, chiếm đoạt tiền tinh vi xuất hiện, khiến tình trạng “bỗng dưng” mất tiền trong tài khoản, sổ tiết kiệm…xảy ra thường xuyên.

Các ngân hàng cần bảo vệ tài khoản khách hàng

Theo thống kê từ Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, riêng năm 2023, cơ quan này đã ghi nhận khoảng 13.900 vụ tấn công mạng, gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến từ các cơ quan tổ chức doanh nghiệp, gây thiệt hại 390.000 tỉ đồng.

Tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỉ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Trong đó, 91% thông tin liên quan lĩnh vực tài chính với 73% người dùng thiết bị di động, mạng xã hội… nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo.

Theo dữ liệu chia sẻ từ tổ chức thẻ quốc tế Visa mới đây, riêng đối với hoạt động sử dụng thẻ, trong quý I/2024, tổng giá trị gian lận tại Việt Nam giảm 16% so với quý trước đó, nhưng tăng tới 139% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, hơn 99% thực hiện thanh toán qua kênh giao dịch online.

mat-tien-trong-tai-khoan-1723422619.jpg

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, nhiều chiêu lừa đảo, chiếm đoạt tiền tinh vi xuất hiện

Lý giải nguyên nhân xảy ra nhiều vụ mất tiền trong tài khoản, luật sư Phạm Thành Tài – Giám đốc Công ty luật Phạm Danh nhận định, có thể đến từ tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi để đánh lừa nạn nhân. Nhiều vụ việc các đối tượng lừa đảo lợi dụng dụng lỗ hổng trong bảo mật thông tin của ngân hàng để chiếm đoạt thông tin khách hàng, chiếm quyền kiểm soát rồi chiếm đoạt tiền.

Do vậy, trước tiên, các ngân hàng phải bảo vệ tài khoản của khách hàng, tránh tình trạng tài khoản bỗng nhiên "bốc hơi". Các ngân hàng cần xem xét lại hệ thống tường lửa đủ mạnh để ngăn chặn tấn công của tin tặc, đồng thời xem xét lại trong nội bộ có những thành phần nào cấu kết với tội phạm để thực hiện hành vi gian lận. Từ đó xem lại chương trình tập huấn đào tạo của mình về bảo mật thông tin.

Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cũng từng là nạn nhân khi cách đây vài tháng, tài khoản ngân hàng của ông bỗng dưng "bốc hơi" 500 triệu đồng, khuyến cáo các ngân hàng cần tăng cường vấn đề bảo mật hơn nữa. Ông dẫn ví dụ, tại Mỹ, các ngân hàng thường xuyên tự kiểm tra hệ thống tường lửa của mình bằng cách thuê một công ty độc lập tấn công tường lửa của ngân hàng, tìm cách xâm nhập hệ thống phòng thủ để tìm ra những lỗ hổng và đưa ra giải pháp xử lý.

Nâng cao trách nhiệm các bên

Trở lại câu chuyện tài khoản "bốc hơi" của chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, được biết đến thời điểm hiện tại ông vẫn chưa nhận lại được số tiền đã mất. Sau khi làm việc với ngân hàng, ông Hiếu đã làm đơn kêu cứu đến cơ quan công an.

Tại thời điểm xảy ra sự việc, ngân hàng đã rà soát lại hệ thống và cho biết, đối tượng lừa đảo sử dụng Internet Banking cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân mạo danh ông Hiếu, 2 lần yêu cầu ngân hàng cấp mật khẩu mới. Ngân hàng khẳng định, các giao dịch đều được thực hiện theo đúng quy định bảo mật và quy trình.

gui-tien-1723422672.jpg

Khách hàng gửi tiền vào ngân hàng là một dạng hợp đồng gửi giữ tài sản

Nói về thực trạng này, luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, cần phải xác minh và làm rõ nguyên nhân của việc mất tiền nhưng cũng không thể bỏ qua trách nhiệm của ngân hàng trong các tình huống “mất tiền” của khách hàng. Bởi lẽ, ngân hàng phải đảm bảo quy trình giao dịch an toàn, được giám sát một cách nghiêm ngặt.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Minh Hải – Công ty Luật Basico nhận định, trách nhiệm bồi thường của ngân hàng sẽ phát sinh ngay khi có căn cứ cho thấy khách hàng bị thiệt hại do lỗi từ phía ngân hàng, nhưng với trường hợp khách hàng là người để lộ những thông tin bảo mật, sử dụng những ứng dụng không chính thống đẫn đến việc bị chiếm quyền trên điện thoại, trách nhiệm bồi thường sẽ thuộc về người có hành vi phạm tội.

Tuy nhiên, cần phải nhắc lại, khách hàng thường sử dụng dịch vụ ngân hàng hoặc gửi tiền vào ngân hàng không chỉ bởi niềm tin mà còn dựa trên các hợp đồng dịch vụ, quy định nghiệp vụ huy động vốn của ngân hàng và của pháp luật. Vì vậy, bất cứ yếu tố nào cho thấy ngân hàng chưa hoàn thành đúng nghĩa vụ, phát sinh thiệt hại cho khách hàng thì ngân hàng cũng phải có trách nhiệm.

Ông Phạm Thái Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện có nhiều ngân hàng không vượt qua được bài kiểm tra (test) về cơ chế bảo vệ an toàn cho người dùng. Hiện, Việt Nam có hơn 100 triệu dân, khoảng 70 triệu người sử dụng Internet.

Các đối tượng xấu lợi dụng sự bùng nổ của công nghệ thông tin, những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản giá trị cao. Có nhiều cách thức lừa đảo khác nhau, nhưng mục tiêu cuối cùng hướng đến là về tài chính.

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tai-khoan-bong-dung-boc-hoi-gian-nan-di-doi-lai-tien-cua-chinh-minh-5646.html