Đã có nhiều nạn nhân
Anh Mai Anh Tuấn (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, gia đình anh vừa qua đã lựa chọn Hạ Long (Quảng Ninh) trong chuyến du lịch 3 ngày 2 đêm. Vợ chồng anh cho 2 con du lịch trước khi bước vào năm học mới. Gia đình có ô tô, tự lái sẽ chủ động thời gian nên vấn đề cần quan tâm là đặt phòng lưu trú.
Anh đã đăng bài tìm thuê căn biệt thự trên các hội nhóm du lịch tại tỉnh Quảng Ninh thì có tài khoản Facebook tên Nguyễn Đạt tương tác rất tích cực, đưa ra các mức giá ưu đãi. Vào trang cá nhân của tài khoản này để xem thông tin, anh thấy tin tưởng nên đã chuyển khoản đặt cọc 5 triệu đồng. Khi gia đình đến thành phố Hạ Long, anh gọi điện thoại, Zalo, Facebook cho người này đều không được, thậm chí còn chặn liên lạc.
Tương tự, chị Nguyễn Thu Phương (quận Hải Châu, Đà Nẵng) chia sẻ, chị có nhu cầu đặt phòng nghỉ cho gia đình đi chơi thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) vào cuối tuần nên đã tìm thông tin đặt phòng qua mạng.
Thấy một trang đăng tải giảm giá phòng, chị click vào xem thì khung chat facebook hiện ra tin nhắn của trang này. Sau đó, có người tư vấn cho chị 1 căn villa giá 17 triệu đồng/ngày đêm. Xem xét căn villa này phù hợp cho 15 người lớn và 6 trẻ em, chị Phương đồng ý đặt cọc 50% tiền phòng (8,5 triệu đồng).
Chị Phương đã chuyển tiền nhưng người bán luôn lấy lý do khất lần, không giao mã code cho chị nhận phòng. Sát đến ngày khởi hành, chị đã bị chặn số, không thể liên lạc được. Lúc này, chị Phương mới biết mình bị lừa.
Anh Tuấn, chị Phương không phải những người hiếm hoi bị lừa đảo bằng hình thức này, đã có rất nhiều nạn nhân giống 2 người. Công an tỉnh Quảng Ninh từng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Phạm Trung Anh (SN 1993, trú huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng Phạm Trung Anh đã sử dụng nhiều tài khoản Facebook, Zalo như "Phạm Quyết", "Tường Ánh", "Bống Bống", "Trần Quang Anh" để chiếm đoạt tiền đặt cọc phòng của nhiều người.
Cảnh báo từ cơ quan chức năng
Ngày 10/8, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phát đi cảnh báo về các hình thức lừa đảo cho thuê nhà nghỉ, khách sạn và lừa đảo đặt vé máy bay giá rẻ.
Cụ thể, các đối tượng lừa đảo sẽ lập ra nhiều tài khoản mạng xã hội ảo hoặc giả mạo, đăng tải nhiều hình ảnh về nhà nghỉ, khách sạn, homestay... đi kèm nội dung như lời giới thiệu, mời chào du khách với mức giá vô cùng ưu đãi và hấp dẫn. Sau đó, các đối tượng sẽ tham gia vào các Fanpage, nhóm chat liên quan tới du lịch, tìm kiếm người có nhu cầu tìm và đặt phòng, từ đó chủ động liên hệ và tiếp cận.
Khi nói chuyện với nạn nhân, các đối tượng nhiệt tình tư vấn về dịch vụ cùng mức giá đưa ra vô cùng hợp lý, đi kèm nhiều hình ảnh nhằm tăng mức độ tin tưởng. Sau khi chiếm được lòng tin của nạn nhân, các đối tượng sẽ yêu cầu nhanh chóng chuyển tiền đặt cọc với lý do khách sạn, nhà nghỉ quá tải, nếu không đặt trước sẽ không còn phòng trống. Sau khi nhận được tiền cọc, các đối tượng sẽ chặn tài khoản và cắt đứt liên lạc với nạn nhân.
Cục An toàn thông tin dẫn chứng, qua fanpage “Review Cô Tô tất tần tật” trên Facebook, đối tượng lừa đảo tìm kiếm nạn nhân có nhu cầu đặt phòng khách sạn thì chủ động liên hệ, giới thiệu các dịch vụ mà mình cung cấp. Chỉ trong thời gian ngắn, đã có nhiều người bị lừa đảo qua trang này với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng.
Trước thực trạng lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cẩn trọng khi đặt phòng nhà nghỉ, khách sạn, homestay thông qua các nền tảng mạng xã hội. Cần kiểm tra và xác minh kỹ thông tin về vị trí, cơ sở vật chất của nơi ở cũng như lai lịch của người cung cấp dịch vụ. Tuyệt đối không chuyển tiền đặt cọc với những khách sạn, nhà nghỉ ít được biết đến. Nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo ngay với các đơn vị chức năng để kịp thời ứng phó và ngăn chặn.
Ngoài ra, Cục An toàn thông tin cũng cảnh báo người dân cẩn trọng khi đặt vé máy bay giá rẻ trên mạng. Đã có nhiều người bị lừa đặt cọc tiền mua vé. Họ sau khi chuyển tiền vẫn được gửi cho mã code vé. Tuy nhiên, các đối tượng lừa đảo không hề thanh toán tiền trên hệ thống mà chỉ lợi dụng tính năng hỗ trợ đặt vé của một số khách sạn hay hãng máy bay, cho phép khách hàng đặt lấy mã trước và thanh toán chậm trong vòng 12 - 24h. Chỉ khi khách hàng đến sân bay thì mới biết mình đã bị lừa.
Sắp tới sẽ là kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 4 ngày, nhu cầu đi chơi, du lịch của người dân sẽ tăng cao. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần cẩn trọng trước những chiêu thức lừa đảo trên.
Vân Thanh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/canh-giac-voi-quang-cao-giam-gia-phong-ve-may-bay-truoc-ky-nghi-le-quoc-khanh-5647.html