Lập kỷ lục về lượt khách đi tàu trong ngày
Vào đúng 8 giờ sáng ngày 8/8, tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội đã chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu sự kiện đáng chú ý với lộ trình dài 8,5km từ Nhổn đến ga S8 (Cầu Giấy). 4 ngày vận hành đầu tiên, tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội đã ghi nhận lượng khách cao hơn nhiều lần so với tuyến Cát Linh - Hà Đông dù mới chỉ vận hành 2/3 lộ trình tuyến.
Theo đó, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, lượng hành khách ngày 8/8 đã vượt qua 34.000 người, ngày 9/8 đạt trên 52.000 người, ngày 10/8 lên tới hơn 66.000 người. Đặc biệt, ngày 11/8, tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội đã phá vỡ mọi dự đoán với hơn 100.000 lượt khách. Tổng số hành khách trong 4 ngày đầu là trên 250.000 lượt.
Đại diện của Hanoi Metro cho hay, những con số này đã vượt xa mọi kỳ vọng. Lượt khách trong ngày cao điểm cũng cao hơn so với tuyến metro đầu tiên của cả nước là Cát Linh - Hà Đông, ngày cao điểm nhất (1/5/2023) cũng chỉ đạt hơn 58.000 lượt khách. Tại mỗi ga, trung bình vào giờ cao điểm, tuyến Nhổn - ga Hà Nội tiếp đón khoảng 12.500 khách, với mỗi chuyến tàu đạt bình quân 320,5 khách.
Mặc dù chỉ dài 8,5km và đi qua 8 ga (Nhổn, Minh Khai, Phú Diễn, Cầu Diễn, Lê Đức Thọ, Đại học Quốc gia, Chùa Hà, Cầu Giấy), tuyến metro trên cao Nhổn - Cầu Giấy đã chứng minh sức hút mạnh mẽ của mình với lượng khách đông đảo. Điều này không chỉ khẳng định hiệu quả hoạt động của tuyến mà còn thể hiện những tín hiệu tích cực cho sự triển khai tiếp theo của toàn bộ tuyến Nhổn - Ga Hà Nội trong tương lai.
Trong ba tháng đầu vận hành, tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội sẽ hoạt động từ 5h30 đến 22h mỗi ngày, giãn cách giữa các chuyến tàu là 10 phút. Tuy nhiên, tùy theo nhu cầu của hành khách, lịch trình có thể được điều chỉnh linh hoạt để bảo đảm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu đi lại của người dân.
Nhiều người dân chia sẻ, họ rất mong cơ hội được trải nghiệm toàn bộ tuyến Nhổn - ga Hà Nội khi đoạn đi ngầm từ Cầu Giấy đến ga Hà Nội dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.
Quy trình hoạt động của các tuyến ga
Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao có 8 ga kết nối phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách. Hầu hết các ga này đều bố trí điểm gửi xe cho hành khách như: Cầu Giấy, La Thành, nút giao Mai Dịch, cầu Mai Dịch, phố Khúc Thừa Dụ, đường Nguyễn Phong Sắc, phố Trần Quý Kiên...
Ở ga Nhổn, 2 bên chân ga đều có điểm gửi xe máy rộng dãi, sức chứa lớn. Các điểm gửi xe đã được cấp phép, với mức phí 5.000đ/ lượt với xe máy. Hành khách có thể thanh toán phí gửi xe qua app ngân hàng thay vì trả tiền mặt. Tuy nhiên, ga chưa có điểm đỗ ô tô khiến một số hành khách phải gửi xe ở các bãi xe lân cận.
Tại Cầu Giấy, bên trong chân ga có thiết kế sẵn điểm đỗ xe cho hành khách đi lại bằng tàu điện. Ga Chùa Hà ngoài chỗ gửi xe máy thì cũng có điểm đỗ xe phục vụ cả ô tô.
Ga Đại học Quốc gia thu hút học sinh, sinh viên đi lại khi có tới các trường là Đại học Ngoại ngữ, Đại học Kinh tế, Đại học Y dược, Đại học Giáo dục, Đại học Luật. Đây là ga được đánh giá là hiện đại bậc nhất toàn tuyến. Nhà ga được thiết kế theo không gian mở, hai bên nhà ga có cửa đón gió tự nhiên. Do đó, ga không lắp đặt, sử dụng điều hòa.
Tuy nhiên, điểm ga này đang được cơ quan chức năng rà soát bố trí điểm gửi xe cho hành khách. Hiện tại, người dân muốn gửi xe để đi tàu thì có thể gửi vào Trường Đại học Quốc gia, chợ Nhà xanh gần đó.
Theo kế hoạch, để phục vụ người dân có nơi đỗ xe đi tàu khi đoạn trên tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đi vào hoạt động, từ năm 2022 UBND thành phố Hà Nội đã giao cho Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chủ trì, phối hợp với Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội khảo sát, tổ chức các điểm đỗ xe tại khu vực ga. Tuy nhiên, hiện tuyến metro đã vận hành được nhiều ngày nhưng các điểm đỗ xe vẫn chỉ nằm trên văn bản, giấy tờ chỉ đạo.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/dau-an-metro-nhon-ga-ha-noi-trong-nhung-ngay-dau-van-hanh-5682.html