Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, khu vực phía Đông Hà Nội năm 2022 ghi nhận khoảng 11.500 sản phẩm mở bán mới. Nếu tính tổng nguồn cung BĐS ở khu vực này thì gấp đôi khu vực phía Tây thành phố và gấp 5 lần những khu vực còn lại. Đến hết quý I/2023, khu vực này tiếp tục cung cấp hơn 77.000 sản phẩm bất động sản ra thị trường.
Dự kiến khu vực phía Đông Hà Nội trong 3 năm tới sẽ trở thành nơi dẫn đầu thị trường về nguồn cung căn hộ chung tư khi đạt khoảng 92.000 căn hộ.
Năm ngoái, khu vực phía Đông cũng đạt hơn 8.000 giao dịch thành công, dẫn đầu thị trường. Tiếp đó, tỉ lệ hấp thụ chung trên toàn khu vực trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 30%, tương đương khoảng 700 giao dịch. Khách hàng khu vực phía Đông Hà Nội hầu hết đều tới từ các quận trung tâm thành phố, các tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương… phần lớn là chủ doanh nghiệp, người kinh doanh tự do, người trẻ có thu nhập cao, gia đình trung lưu có tài sản tích lũy tới mua với mục đích thay đổi không gian sống hoặc để dưỡng già. Bên cạnh đó, khu Đông là nơi mà tầng lớp tri thức lẫn chuyên gia nước ngoài hướng tới.
“Các dự án đã bàn giao, đã và đang có tỷ lệ dân cư vào ở đông, một phần do lượng dân cư mua để ở và một phần do các hộ kinh doanh thuê với giá rẻ nhờ chính sách thu hút dân cư hấp dẫn”, VARS thông tin.
Không những vậy, tốc độ tăng giá của khu vực phía Đông cũng được nhận xét là tốt nhất thị trường, đặc biệt là sản phẩm thấp tầng - giá sơ cấp trung bình đạt 155 triệu đồng/m2, các dự án này đều thuộc đại đô thị chất lượng cao. Đáng chú ý, trong giai đoạn 2012 - 2022, giá bán trên thị trường sơ cấp ghi nhận tăng đều, trung bình là 20%/năm. Một số dự án có giá chào bán giai đoạn tiếp theo ở mức cao hơn 30% so với giai đoạn trước (mỗi giai đoạn cách nhau 1 năm). Từ năm 2020 - 2022, giá bán sản phẩm thấp tầng đạt mức tăng trưởng nóng, lên tới 100 - 150%, thậm chí tăng gấp 3 - 4 lần so với ngày đầu mở bán.
“Trong nửa đầu năm 2023, giá bán nhà ở thấp tầng sơ cấp tại Hà Nội giảm nhẹ. Đi theo xu hướng chung của thị trường, khu vực phía Đông đã chứng kiến mức giảm trung bình từ 6 - 7%. Giá bán trên thị trường thứ cấp giảm từ 20 - 30% so với đợt đỉnh sốt nóng, nhưng thanh khoản chậm bởi những biến động của thị trường. Nếu mua trực tiếp từ chủ đầu tư thì mức giá “cắt lỗ” này thực tế chỉ là cắt một phần lãi”, VARS cho biết.
Tại thị trường sơ cấp phía Đông Hà Nội, giá bán căn hộ đạt 44 triệu đồng/m2, thấp hơn 15,4% so với trung tâm thành phố. Đáng chú ý, khu vực này ghi nhận mức tăng giá cao nhất, trung bình khoảng 18%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của Hà Nội là 115/năm, tăng gấp đôi mức giá trung bình của những khu vực khác.
“Giá tăng là do nội tại các dự án trong khu Đông đều được phát triển bởi những chủ đầu tư uy tín, triển khai bài bản. Các chủ đầu tư liên tục nâng tầm giá trị sống cho cư dân với những dịch vụ, tiện ích hàng đầu, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nhất là mức giá được hưởng lợi từ các dự án hạ tầng giao thông xung quanh” - Hội môi giới bất động sản Việt Nam nhìn nhận.
Nhận xét về tiềm năng của khu Đông thành phố. TS. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng Chính Phủ nhận định rằng, khu Đông tuy là thị trường đi sau, nhưng lại có lợi thế rất lớn về hạ tầng giao thông, quỹ đất, cơ chế để thị trường địa ốc có thể phát triển mạnh mẽ.
PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng, ở thời điểm mà Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội chính là lúc khu Tây trở mình phát triển cực mạnh. Khi đó, khu Đông vẫn chỉ được xem là “vùng ngăn sông cách trở”, đối diện là đồng bằng, chưa phát lộ. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khu Đông đang trên hành trình vươn lên để thành thị trường tiềm năng, kỳ vọng sẽ là vùng trũng thu hút đông đảo các nhà đầu tư đổ về.
Về nguyên nhân, theo ông Thiên, khu Đông Thủ đô có tầm nhìn phát triển khác biệt, hướng tới sự phát triển bền vững, đồng bộ, loạt bỏ kiểu “thời vụ, chộp giật”. Đặc biệt hơn, khu vực này đang được ưu ái đẩy mạnh phát triển hạ tầng, huyện Gia Lâm sẽ quy hoạch lên quận vào cuối năm 2023.
“Nhận diện thẳng thắn thì khu Đông sẽ nhanh chóng tăng tốc để trở thành điểm đến lý tưởng trên bản đồ đầu tư của thị trường bất động sản Hà Nội. Tọa độ phía Đông được định hình chuẩn đô thị hiện đại của Thủ đô, rộng ra là các vùng trọng điểm Bắc Bộ và toàn quốc”, PGS. TS Trần Đình Thiên khẳng định.
“Không phải Đông hay Tây, mà nơi đâu được đầu tư bài bản về hạ tầng giao thông, có tư duy phát triển hiện đại, quỹ đất dồi dào thì nơi đó tất yếu sẽ thu hút phát triển từ nhà đầu tư. Như vậy, phía Đông chính là khu vực có lợi thế đó”, Phó Chủ tịch Vars Nguyễn Chí Thanh nhận định về vấn đề này.
Dưới góc độ doanh nghiệp phát triển dịch vụ BĐS, Phó Tổng giám đốc Newstarland - bà Vũ Thu Hà đánh giá, người dân hiện nay không còn quá quan tâm tới khoảng cách bao xa, mà quan trọng hơn là di chuyển bao lâu. Do đó, dù là khu vực ven Thủ đô nhưng khu Đông vẫn được quy hoạch đồng bộ hạ tầng thì người dân chắc chắn sẽ về sinh sống.
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/chi-sau-2-nam-gia-bat-dong-san-khu-dong-ha-noi-tang-nong-gap-3-4-lan-575.html