Tháng 12/2019, HĐND tỉnh Thái Bình đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường từ TP. Thái Bình đi cầu Nghìn. Tới tháng 5/2020, dự án được điều chỉnh với chiều dài 21,2km, quy mô đường cấp 2 đồng bằng, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2020 – 2030 và thời gian thu phí kéo dài 22 năm 11 tháng.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.586 tỷ đồng. Trong đó, gần 786 tỷ đồng là vốn Nhà nước, hơn 1.800 tỷ đồng là vốn nhà đầu tư.
Đơn vị trúng thầu dự án là Liên danh Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP, Công ty CP DAMSAN, Công ty CP Lam Sơn Thái Bình, Công ty CP Tập đoàn Phú Thành.
Dự án đi qua 17 xã, thị trấn thuộc TP. Thái Bình và 2 huyện Đông Hưng, Quỳnh Phụ. Đây được đánh giá là tuyến đường đóng vai trò quan trọng và thiết thực khi cùng với Quốc lộ 10 hình thành nên tuyến giao thông thuận lợi, kết nối từ trung tâm TP. Thái Bình đến TP. Hải Phòng.
Sau khi hợp đồng BOT được ký kết, UBND tỉnh Thái Bình và liên danh nhà đầu tư đã tích cực triển khai các công việc nhằm đảm bảo tiến độ. Dự án được chính thức khởi công vào ngày 27/2/2021.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, dự án bị chậm tiến độ. Nguyên nhân là gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 khiến cho việc thi công gặp khó khăn, vật liệu xây dựng khan hiếm.
Tới nay dự án này mới thi công đào hữu cơ được 17,6km, đắp cát nền đường 16,54km, thi công 1 cầu tạm, triển khai đệm thoát nước khoảng 3,5km, hoàn thành sửa chữa và đảm bảo giao thông phạm vi nút giao với đường tỉnh ĐT.455…
Trong lúc dự án xây dựng tuyến đường từ TP. Thái Bình đi cầu Nghìn đang chậm tiến độ thì tháng 7/2022, Thủ tướng đã giao cho UBND tỉnh Thái Bình nghiên cứu dự án tuyến đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng (trước đó theo quy hoạch dự án này sẽ được Thủ tướng phê duyệt đầu tư giai đoạn sau năm 2030).
Tới tháng 12/2023, dự án cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng được phê duyệt chủ trương đầu tư, dự kiến thời gian hoạt động và khai thác là năm 2027. Điều này đã khiến cho lưu lượng xe bị sụt giảm, ảnh hưởng tới phương án tài chính của dự án tuyến đường từ TP. Thái Bình đi Cầu Nghìn.
Để giảm gây thiệt hại cho Nhà nước và nhà đầu tư, tỉnh Thái Bình đã nghiên cứu dừng xây dự án này theo loại hợp đồng BOT.
Tại cuộc họp đàm phán chấm dứt thực hiện hợp đồng BOT dự án diễn ra vào chiều 16/8, các đại biểu đã tập trung thảo luận những nội dung trong thỏa thuận cũng như nghĩa vụ còn lại của các bên và các công việc cần thực hiện đến khi thanh lý hợp đồng.
Tại đây, ông Nguyễn Quang Hưng - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình cho biết, việc chấm dứt thực hiện hợp đồng BOT dự án này đã được các bên thống nhất. Hiện BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Bình đang phối hợp với các sở, ngành chức năng và liên danh các nhà đầu tư xác định rõ điểm dừng kỹ thuật của dự án để chốt khối lượng thực hiện, thuê đơn vị tư vấn kiểm định chất lượng công trình. Trên cơ sở đó tiến hành kiểm toán, quyết toán giá trị khối lượng công trình.
BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Bình chủ trì phối hợp với các sở, ngành chức năng thống nhất với liên danh nhà đầu tư xây dựng kế hoạch chi tiết từ sau khi có thỏa thuận chấm dứt hợp đồng đến khi thanh lý hợp đồng.
Bên cạnh đó tỉnh Thái Bình cũng đang nghiên cứu, xây dựng phương án tiếp tục thực hiện dự án theo hình thức phù hợp, đúng quy định của pháp luật.
Thái Uyên
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/thai-binh-cham-dut-thi-cong-du-an-duong-bo-gan-2600-ty-theo-hop-dong-bot-5786.html