Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn “thiếu đủ thứ”

Dù được đánh giá là kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện vẫn đang trong tình trạng “thiếu đủ thứ” như thanh khoản, công cụ quản trị rủi ro, xếp hạng tín nhiệm…

Giai đoạn 2018 – 2021 được đánh giá là thời kỳ bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) khi ghi nhận lượng phát hành lớn, trong đó nhóm bất động sản chiếm khối lượng lớn. Đến năm 2022, hàng loạt vụ việc được “phát lộ” khiến thị trường gặp khủng hoảng niềm tin trầm trọng, kéo dài đến hiện nay.

Thị trường còn nhiều tồn tại

Theo số liệu của Bộ Tài chính, lũy kế 7 tháng đầu năm 2024 đã có 183 đợt phát hành TPDN riêng lẻ thành công với khối lượng 174.760 tỉ đồng, gấp gần 2,8 lần so với cùng kỳ. Dù đã qua thời điểm khó khăn nhất nhưng thị trường TPDN còn nhiều thách thức.

Theo đó, một số tổ chức phát hành đang có tình hình “sức khỏe” tài chính không ổn định, thiếu minh bạch có thể dẫn đến nguy cơ không trả được nợ khi đến hạn. Cùng với đó, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân vẫn còn ở mức cao, nhà đầu tư tổ chức còn chưa đa dạng.

trai-phieu-dn-1723975586.jpeg

Thị trường TPDN Việt Nam vẫn còn thiếu nhiều yếu tố chưa hấp dẫn được các nhà đầu tư

Lý giải nguyên nhân thiếu vắng nhà đầu tư tổ chức, ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch FiinGroup cho biết, thị trường TPDN hiện đang thiếu hai yếu tố. Một là hạ tầng “mềm” gồm dữ liệu, đánh giá tín nhiệm độc lập, đánh giá rủi ro; hai là cơ sở pháp lý, khiến hạn chế đối tượng nhà đầu tư, khối ngoại không thể đầu tư trực tiếp mà phải thông qua các quỹ.

Đồng quan điểm, bà Dương Kim Anh – Giám đốc Công ty TNHH Quản lý đầu tư chứng khoán Vietcombank xác nhận, tình trạng thiếu hạ tầng “mềm” được nhiều nhà tổ chức chia sẻ khi tiếp cận thị trường TPDN Việt Nam. Cùng với đó là vấn đề định giá TPDN, bởi ngay cả các quỹ đầu tư cũng đang phải định giá trái phiếu dựa trên “kinh nghiệm” thay vì có dữ liệu cụ thể.

Bà Kim Anh cho rằng, cần thiết có thêm nhiều đơn vị cung cấp dữ liệu độc lập để tham chiếu, bởi thị trường trái phiếu niêm yết có nhiều thông tin cần theo dõi, chắt lọc và phải phản ánh được yếu tố cung cầu thực sự.

Cùng bàn về yếu tố cung cầu trên thị trường trái phiếu, bà Trịnh Quỳnh Giao - Tổng giám đốc Công ty CP Quản lý quỹ PVI (PVI AM) cho rằng, ngoài vấn đề của tổ chức phát hành, nguồn cung trái phiếu còn đang bị hạn chế do thủ tục cấp phép kéo dài, có thể lên tới sáu tháng, thậm chí là một năm.

Bên cạnh đó, một hoạt động hay dự án cần huy động vốn thường có vòng đời lên đến 5 – 7 năm nhưng “khẩu vị rủi ro” của các nhà đầu tư chỉ dừng lại ở các kỳ hạn 2 – 3 năm. Sự chênh lệch này khiến tổ chức phát hành phải “cắt nhỏ” gói trái phiếu nên thường xuyên phải tái tài trợ, trong khi luật lại hạn chế việc này nên sẽ gây ra các bất cập. Ngoài ra, thị trường TPDN Việt Nam cũng đang thiếu các định chế tài chính trung gian, cụ thể là thiếu các đơn vị tạo thanh khoản.

Tạo đà để phục hồi

Thời gian qua, thị trường TPDN đã có một bước tiến quan trọng khi triển khai sàn giao dịch TPDN riêng lẻ, từ 19 mã TPDN của 3 tổ chức phát hành đăng ký giao dịch với tổng giá trị đăng ký hơn 9.000 tỉ đồng, sau hơn 1 năm vận hành, đến nay hệ thống đã có trên 1.100 mã trái phiếu của hơn 300 doanh nghiệp, tổng giá trị đăng ký đạt hơn 832.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, xét ở khía cạnh khác, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, với quy mô còn nhỏ, khiêm tốn, vận hành ban đầu cơ chế còn “thô sơ” vẫn còn rất nhiều điều kiện cần cải thiện. Thị trường TPDN riêng lẻ mới chỉ vận hành như “chợ” để nhà đầu tư đủ điều kiện được mua bán, giao dịch nhưng không có bảo chứng về chất lượng.

tttpdn-1723975734.jpg

Thị trường TPDN đã có dấu hiệu "ấm" dần lên

Cũng theo TS. Đinh Thế Hiển, khi bước qua giai đoạn cần “chữa lành” hiện nay, cơ quan quản lý sẽ có thểm nhiều quy định, quy chuẩn, chế tài mới…có thể là các quy định bắt buộc về xếp hạng tín nhiệm, phân loại trái phiếu để nhà đầu tư chịu trách nhiệm với quyết định của mình trên cơ sở thông tin chất lượng hàng hóa minh bạch, tương tự như thị trường cổ phiếu.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV cho rằng, đến hết năm 2024 và cả năm 2025 cần tiếp tục củng cố, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và phục hồi thị trường TPDN. Đồng thời hoàn thiện hạ tầng thị trường, nhất là nâng cao chất lượng hệ thống các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở thông tin, dữ liệu về thị trường trái phiếu, về nhà đầu tư, tài sản đảm bảo....

Bên cạnh đó, liên tục mở rộng và nâng cao chất lượng nhà đầu tư gồm cả nhà đầu tư cá nhân, đầu tư tổ chức thông qua nhiều giải pháp khác nhau, hoàn thiện cơ chế và năng lực quản lý, giám sát thị trường; việc quản lý, định hướng phát triển thị trường này cần được gắn chặt với việc quản lý, giám sát rủi ro hệ thống tài chính.

Dự báo về tương lai xa, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinGroup cho rằng, trong khoảng 10 năm tới, thị trường TPDN sẽ tăng trưởng cả về quy mô lẫn thanh khoản, thậm chí lớn hơn nhiều so với thị trường chứng khoán hiện tại.

Tuệ Minh

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-van-con-thieu-du-thu-5810.html