Hà Nội: Xẻ vỉa hè, chỉnh dải phân cách có phải giải pháp hiệu quả giúp giảm ùn tắc?

Tắc đường đã thành chuyện quen thuộc ở Hà Nội. Nỗi khổ khi di chuyển qua các đoạn đường tắc của người dân không phải cơ quan chức năng không biết, song không thể giải quyết một sớm một chiều. Mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã đề xuất xẻ vỉa hè, chỉnh dải phân cách tại một số tuyến đường nhằm cải thiện tình trạng này.

Vật vã qua đoạn đường tắc

Còn chưa tới nửa tháng nữa, các trường từ cấp tiểu học đến đại học mới chính thức trở lại guồng quay dạy và học. Thế nhưng thời điểm này, học sinh nhiều trường đã đi học. Sinh viên đã cũng trở lại Hà Nội. Điều này khiến đường phố Hà Nội vốn đã khó di chuyển lại càng thêm tắc. Người dân lưu thông không ít phen khổ sở.

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hạ tầng giao thông của Thủ đô đang phải gánh khoảng 8 triệu phương tiện (trong đó gần 1 triệu xe ôtô, gần 7 triệu xe máy, 0,2 triệu xe điện). Đó là chưa tính đến hàng triệu phương tiện từ các tỉnh, thành khác trên cả nước về hoạt động tại Hà Nội.

tac-duong-1724137795.jpg
Hà Nội hiện còn 26 điểm đen ùn tắc giao thông nghiêm trọng

Đầu năm 2024, trên địa bàn Hà Nội còn tồn tại 33 điểm ùn tắc giao thông. Qua 6 tháng đầu năm nay, thành phố đã xử lý được 7 điểm đen gồm: Khu vực đường Nguyễn Trãi cạnh hầm chui Thanh Xuân, hướng đi Nguyễn Xiển; đường Nguyễn Xiển, đoạn từ Nguyễn Trãi - Phạm Tu (đường bao quanh Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An); nút giao Sa Đôi - đường 70; nút giao Lê Đức Thọ - Hàm Nghi - Nguyễn Hoàng; nút giao Lê Đức Thọ - Hồ Tùng Mậu - Trần Vỹ; nút giao Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy (cầu vượt Mai Dịch); đầu cầu Mai Dịch, hướng từ đường Phạm Văn Đồng đi Phạm Hùng.

Chị Phan Thị Thanh Hương (nhà ở đường Tố Hữu, quận Hà Đông) chia sẻ, chị thường xuyên phải lưu thông trên trục đường ùn tắc. Buổi sáng, đưa các con đi học qua cung đường Khuất Duy Tiến là một cực hình, nhất là tầm sau 7h sáng. Chị càng di chuyển lên nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, càng tắc, có khi đợi chờ 30 phút chưa qua được. Chị Hương bảo, không riêng chị mà nhiều người cũng gọi đây là cung đường "kinh hoàng".

Còn chị Nguyễn Thu Loan chia sẻ, chị làm việc ở đường Hoàng Quốc Việt. Mỗi ngày, chị vừa chật vật qua tuyến đường Khuất Duy Tiến, thì lại tiếp tục chịu cảnh ùn dài trên đường Phạm Hùng (Nam Từ Liêm). Chị bảo, dọc tuyến đường này, lâu nay giờ cao điểm, vỉa hè trở thành “cứu cánh” của người đi xe máy.

Anh Đào Anh Tuấn (nhà ở Lương Thế Vinh) cũng cho hay, vào khung cao điểm xe ùn ở hầm chui Lê Văn Lương - Tố Hữu, muốn rẽ vào Nguyễn Tuân thì phải nhích từng tí một. Còn anh muốn quay xe đi theo đường Vành đai 3 Khuất Duy Tiến cũng không khá hơn. Do đó, nhiều hôm anh phải chọn đi xe buýt, vì có khi còn nhanh hơn đi ô tô cá nhân.

tac-duong-2-1724137795.jpg
Phương tiện ùn dài trên đường Nguyễn Trãi

Xẻ vỉa hè, chỉnh giải phân cách để giảm ùn tắc

Nỗi khổ khi di chuyển qua các đoạn đường tắc của người dân không phải cơ quan chức năng không biết, song không thể giải quyết một sớm một chiều. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, để giảm thiểu ùn tắc trên địa bàn, đơn vị đã đề xuất UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo hạ tầng, tổ chức giao thông cấp bách một số nút giao, tuyến đường.

Cụ thể, dự án có tổng mức đầu tư dự kiến gần 225 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2024 - 2027. Dự kiến, dự án sẽ cải tạo, điều chỉnh kích thước vỉa hè, dải phân cách ở các vị trí đủ điều kiện, tổ chức giao thông tại một số nút giao trên 7 tuyến đường gồm: Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Tố Hữu, Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Minh Giám, Khuất Duy Tiến.

Những tuyến đường này thường xuyên có mật độ phương tiện giao thông đặc biệt cao, ùn tắc vào giờ cao điểm. Riêng các tuyến đường Láng Hạ, Giảng Võ, Tố Hữu, Lê Văn Lương có tuyến buýt nhanh BRT chạy, cũng là trục giao thông tập trung các phương tiện ra, vào khu vực trung tâm.

Trước đó, việc xén vỉa hè, chỉnh dải phân cách để mở rộng đường đã được Hà Nội thực hiện từ năm 2015. Đến nay, nhiều tuyến đã được cải tạo theo hình thức này như Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh, Liễu Giai - Kim Mã…

Vì vậy, Sở Giao thông Vận tải đánh giá việc đầu tư xây dựng dự án, cải tạo hạ tầng, tổ chức giao thông cấp bách một số nút giao, tuyến đường (giai đoạn 1) sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực có tuyến đi qua.

Vân Thanh

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/ha-noi-xe-via-he-chinh-dai-phan-cach-co-phai-giai-phap-hieu-qua-giup-giam-un-tac-5858.html