Đấu giá đất hết thời thổi giá, bán chênh

Theo một nhà đầu tư bất động sản, các nhà đầu tư trong năm nay không có hứng với đấu giá đất do thanh khoản thị trường kém, lãi suất tăng cao, khó tiếp cận tín dụng ngân hàng…

Thị trường đấu giá đất vùng ven Hà Nội một năm trước đang rất sôi động. Đấu giá xong, người mua có thể sang tay ngay, lãi luôn vài trăm triệu cho đến hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, thị trường bất động sản 2023 đóng băng đã khiến đấu giá đất ế ẩm, hết thời thổi giá bán chênh.

Cách đây không lâu, tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đã tổ chức đấu giá 35 thửa đất, diện tích dao động trong khoảng 99,2 - 249,7m2 với giá khởi điểm từ 17,5- 24,8 triệu/m2. Điều đáng nói, kỳ đấu giá đất này tại Phúc Thọ đã không còn cảnh tấp nập người buôn tham gia ‘thổi giá’. Khách tham gia đấu giá chủ yếu là người địa phương, giá trúng cũng sát giá khởi điểm, không còn ‘chênh phô’ như trước.

Trong 35 thửa đất đấu giá, có 7 thửa tại khu Gạc Chợ, xã Tam Hiệp; 5 thửa tại khu X1 thôn Lục Xuân, xã Võng Xuyên; 3 thửa tại khu Cát Hạ, xã Tam Thuấn và 20 thửa tại khu Mả Mảy, xã Phụng Thượng 20 thửa. Kết thúc phiên đấu giá, chỉ có 5 thửa được “chốt đơn”, bao gồm 4 thửa tại khu Mả Mảy, xã Phụng Thượng và 1 thửa tại khu Cát Hạ, xã Tam Thuấn.

Thị trường bất động sản 2023 đóng băng đã khiến đấu giá đất ế ẩm, hết thời thổi giá bán chênh. Ảnh minh họa

Cuối năm 2022, 25 thửa đất tại huyện Đông Anh (Hà Nội) cũng được mang ra đấu giá với mức khởi điểm 30,3 - 33,3 triệu đồng/m2. Ngày 11/3/2023, các lô đất này tiếp tục được mang ra đấu giá nhưng vẫn thất bại, sau đó huyện thông báo sẽ đấu giá tiếp vào ngày 15/7.

Tương tự, 27 lô đất tại thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược (Sóc Sơn, Hà Nội) với diện tích diện tích từ 82,1 - 200m2 cũng được mang ra đấu giá vào ngày 24/12/2022, mức khởi điểm 45 - 50 triệu đồng/m2 nhưng không thành công. Sau đó, 26/27 thửa đất trên tiếp tục được đấu giá vào ngày 11/3 còn 22/27 thửa sẽ đấu vào tháng tới.

Theo đại diện của một trung tâm phát triển quỹ đất tại Hà Nội, số lượng người tham gia đấu giá đất hiện nay rất ít ỏi, chủ yếu là người địa phương và có nhu cầu ở thực. Giá trúng cũng sát với giá sàn. 

Vì sao đấu giá đất ngày càng ế ẩm?

Thực tế, nguyên nhân lớn nhất khiến các cuộc đấu giá đất ‘vắng như chùa bà đanh’ là do giá khởi điểm vẫn đang ở mức cao. Giá đất bị đẩy lên cao trong 2 năm trước đã tạo ra một mặt bằng giá mới. Theo anh Nguyễn Văn Đông - một nhà đầu tư bất động sản - cho biết, các nhà đầu tư trong năm nay không có hứng với đấu giá đất do thanh khoản thị trường kém, lãi suất tăng cao, khó tiếp cận tín dụng ngân hàng… Ngoài ra, giá sàn ở nhiều đợt đấu giá đất hiện nay đang cao hơn bình thường. Nhiều địa phương áp dụng cách đối chiếu với giá đấu tại các thương vụ trước để làm căn cứ, trong khi thực tế, mức giá đó chủ yếu là giá ‘ảo’. 

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội nhận định, thị trường bất động sản hiện nay đang thanh khoản kém, việc lướt sóng bán chênh rất khó. Vì thế, các nhà đầu tư không tham gia. Trước đây, giá trúng phải cao 2-3 lần giá khởi điểm, nay chỉ cần chênh 5-10%. 

Các nhà đầu tư trong năm nay không có hứng với đấu giá đất do thanh khoản thị trường kém, lãi suất tăng cao, khó tiếp cận tín dụng ngân hàng… Ảnh minh họa

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam - TS. Nguyễn Văn Đính cho biết, thị trường bất động sản đang chững lại, thanh khoản xuống thấp kéo theo nhiều phiên đấu giá đất “ế ẩm”. Ông Đính bổ sung: “Các nhà đầu tư trong bối cảnh hiện nay đang nghe ngóng những tín hiệu mới của thị trường nên dù giá thấp vẫn chưa xuống tiền. Ngoài ra, dòng vốn của các nhà đầu tư cũng đang bị ảnh hưởng và lãi suất neo cao. Tuy nhiên, tôi khẳng định đây chỉ là xu hướng trong ngắn hạn. Xét về dài hạn, đất nền vẫn là kênh đầu tư mang về tỷ suất lợi nhuận tốt”. 

Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội cho thấy, thành phố từ đầu năm đến nay đã tổ chức được 65 phiên đấu giá quyền sử dụng đất nhưng chỉ có 37 phiên đấu giá thành công, kết quả thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất là 724 tỷ đồng, mới chỉ thực hiện được 5,42% kế hoạch năm.

Bất động sản trầm lắng đến hết năm 2023

Tham gia Hội thảo quốc tế mang tên “Tiềm năng phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam” do lãnh đạo Bộ Xây dựng chủ trì, TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) dự báo, thị trường bất động sản của Việt Nam cho đến hết năm nay vẫn còn trầm lắng. 

Khi dự báo cụ thể hơn về thời điểm thị trường địa ốc hồi phục, ông Khôi nhận định, bất động sản từ quý 2 hoặc quý 3/2024 sẽ phát triển lành mạnh hơn, chuẩn mực và minh bạch hơn nhờ những bước tiến về môi trường pháp lý và triển trọng tăng trưởng kinh tế khả quan. Ngoài ra còn có sự góp sức của việc phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại cũng như xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0, sự đa dạng các nguồn lực tài chính…

Bất động sản từ quý 2 hoặc quý 3/2024 sẽ phát triển lành mạnh hơn, chuẩn mực và minh bạch hơn. Ảnh minh họa

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn chia sẻ, sau sự sụt giảm mạnh trong gần 9 tháng qua, chỉ số mức độ quan tâm về bất động sản trên cả nước trong quý 2/2023 đã tăng nhẹ 1%. Nhu cầu giao dịch tại TPHCM dần phục hồi tốt đối với loại hình căn hộ và nhà riêng. Lượng tìm kiếm các căn hộ tại các quận Bình Tân, Bình Chánh, Tân Phú, Quận 9 và Quận 10 đã tăng từ 5-9%.

Tại thị trường Hà Nội, nhìn chung giao dịch căn hộ đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, lượt tìm mua tại các quận Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Hà Đông đã cải thiện, so với quý trước đã tăng từ 2- 6%. Ngoài ra, đất nền tại khu vực Hoài Đức và Thanh Trì cũng tăng trưởng trở lại khá rõ ràng, ở mức từ 4-6% cả nhu cầu mua và giá bán.
 

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/dau-gia-dat-het-thoi-thoi-gia-ban-chenh-587.html