Công ty Sun Cable của Úc đang có kế hoạch xây dựng một trang trại năng lượng mặt trời rộng 12.400 ha và vận chuyển điện đến thành phố Darwin ở phía bắc Úc thông qua đường dây truyền tải trên không dài 800 km (497 dặm), sau đó cung cấp đến các khách hàng công nghiệp quy mô lớn ở Singapore thông qua tuyến cáp ngầm dài 4.300 km (2.672 dặm).
Theo Bộ trưởng Môi trường Úc Tanya Plibersek, dự án Australia-Asia PowerLink đặt mục tiêu cung cấp tới 6 gigawatt điện “xanh” mỗi năm và sẽ “giúp biến Úc thành siêu cường năng lượng tái tạo”, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế xanh của nước này.
Bộ trưởng Plibersek cho biết “Dự án khổng lồ này là một phần cơ sở hạ tầng định hình thế hệ. Đây sẽ là khu vực năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới và đưa Úc trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về năng lượng xanh”.
Dự án ban đầu được hỗ trợ bởi ông trùm khai khoáng người Úc Andrew Forrest và người đồng sáng lập Atlassian Mike Cannon-Brookes. Các kế hoạch đã được nêu bật trong chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Singapore lúc bấy giờ là Lý Hiển Long và Thủ tướng Úc Anthony Albanese như một phần của thỏa thuận "Nền kinh tế xanh" vào năm 2022.
Vào tháng 1/2023, dự án đã sụp đổ khi Sun Cable tự nguyện nộp đơn xin phá sản do tranh chấp tài trợ giữa Forrest và Cannon-Brookes. Vào tháng 5 năm đó, một tập đoàn do Grok Ventures của Cannon-Brookes đứng đầu đã mua lại công ty, hoàn tất việc tiếp quản vào tháng 9/2023.
Tổng giám đốc SunCable Australia Cameron Garnsworthy cho biết công ty rất vui mừng khi vượt qua được rào cản pháp lý lớn “và hiện sẽ tập trung nỗ lực vào giai đoạn lập kế hoạch tiếp theo để thúc đẩy dự án hướng tới Quyết định đầu tư cuối cùng vào năm 2027”.
Công ty cho biết việc cung cấp điện mặt trời từ trang trại điện “xanh” lớn nhất thế giới này sẽ bắt đầu vào đầu những năm 2030.
Năng lượng là vấn đề mang tính chính trị trong gần hai thập kỷ ở Úc, nơi phụ thuộc rất nhiều vào than và khí đốt cũng như tiền bản quyền xuất khẩu các nhiên liệu này để hỗ trợ nền kinh tế. Sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong lịch sử đã khiến nước này trở thành một trong những quốc gia phát thải khí nhà kính tồi tệ nhất thế giới tính theo đầu người.
Vào tháng 6, đảng đối lập chính của Úc đã công bố kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước này sớm nhất là vào năm 2035.
Plibersek cho biết: “Người Úc có thể lựa chọn giữa quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo đang diễn ra, tạo ra việc làm và giảm giá thành; hoặc trả tiền cho một giấc mơ hạt nhân tốn kém mà có thể không bao giờ trở thành hiện thực”.
Minh Châu