Sách giáo khoa giả diễn biến phức tạp
Năm học 2024 - 2025, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sẽ triển khai ở 3 khối lớp 5, 9 và 12. Đây là 3 khối lớp cuối cùng trên cả nước sẽ học theo chương trình sách giáo khoa (SGK) mới.
Trong công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Giáo dục Đào tạo đã yêu cầu các địa phương chỉ đạo cơ sở giáo dục chủ động phối hợp với các nhà xuất bản (NXB), tổ chức, cá nhân liên quan đến cung ứng SGK đảm bảo chất lượng, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu SGK, tài liệu học tập khi năm học mới bắt đầu.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) cho biết, đơn vị đã hoàn thành in và nhập kho SGK các lớp đạt 96,7% kế hoạch, tương ứng 168 triệu bản. Hiện đơn vị đang cung ứng SGK tới các địa phương theo số lượng đặt hàng. Đến thời điểm này, 168,4 triệu bản (tương ứng 96,1% kế hoạch) đã phát hành.
Tuy nhiên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng nêu thực trạng SGK giả hiện diễn biến khá phức tạp trên thị trường. Chỉ từ tháng 5 đến tháng 7/2024, cơ quan chức năng đã phát hiện, thu giữ hàng trăm ngàn bản SGK giả sản phẩm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, trị giá lên tới gần 15 tỷ đồng.
Cuối tháng 5/2024, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai đã phát hiện lô hàng gần 34.000 cuốn SGK nghi giả mạo sản phẩm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Tổng giá trị hàng hóa theo giá bán niêm yết là hơn 600 triệu đồng.
Ngày 14/6, Công an TP. Đà Nẵng đã triệt xóa đường dây chuyên sản xuất, buôn bán SGK giả quy mô lớn, đã thu giữ 1 triệu con tem, 600.000 cuốn sách giả thành phẩm và bán thành phẩm, trị giá khoảng 12 tỷ đồng.
Ngày 16/7, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang đã phát hiện và thu giữ gần 80.000 cuốn SGK các loại từ lớp 1 đến lớp 12 có dấu hiệu giả mạo sản phẩm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Tổng trị giá hàng hóa được tính theo giá ghi trên sách là gần 1,4 tỷ đồng.
Đáng lo ngại là, mỗi cuốn sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ngoài tem chống hàng giả, các NXB còn làm kèm theo một mã thẻ cào riêng, được dùng để kích hoạt kho học liệu điện tử. Đặc biệt với các bộ sách Tiếng Anh, ngoài là học liệu điện tử đã được NXB số hóa thì còn được tích hợp công nghệ AI chấm điểm tự động.
Các bài tập trong sách được số hóa để học sinh có thể sử dụng sách điện tử và làm bài trực tuyến trên máy tính, sau đó được chấm điểm đồng thời ngay khi bấm nộp bài. Hệ thống giúp học sinh chủ động ôn luyện kiến thức, thực hành nhiều lần mà không giới hạn như sách giấy.
Nhưng nếu mua phải sách giả, sách in lậu, học sinh sẽ không sử dụng được tiện ích này. Do đó, các đơn vị xuất bản khuyến cáo phụ huynh và học sinh nên tìm mua SGK tại các hệ thống phân phối chính thức của các NXB, công ty sách - thiết bị trường học địa phương, tuyệt đối không mua sách từ các nguồn trôi nổi trên thị trường.
Nhận diện sách thật - giả
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ - Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, tại Việt Nam hiện nay, tình trạng sản xuất, kinh doanh buôn bán sách giáo khoa, sách tham khảo, truyện tranh, đồ dùng học tập giả mạo nhãn hiệu, kém chất lượng diễn ra phổ biến, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các NXB, doanh nghiệp, tác giả, đối tác liên kết, cũng gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước.
Ông Lê nhấn mạnh, sách giáo khoa giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đối tượng sử dụng chủ yếu là học sinh. Bởi những sản phẩm này thường có sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, kiến thức, hay bị thiếu dữ liệu, ảnh hưởng đến kiến thức tiếp nhận của học sinh… Để phụ huynh phân biệt các loại sách và đồ dùng học tập thật - giả, Tổng Cục Quản lý thị trường đã tổ chức Phòng trưng bày với chủ đề “Nhận diện Sách giáo khoa và Đồ dùng học tập”.
Nhiều NXB cũng cho hay, sách giả ngày một tinh vi bởi các đơn vị in ấn trái phép hiện còn sản xuất tem chống giả đi kèm, khiến người mua rất khó phát hiện các sản phẩm kém chất lượng.
Tuy vậy, kinh nghiệm thực tế vẫn có một số dấu hiệu nhận biết SGK giả như: Chất lượng tem, nhãn không sắc nét, không có độ nhám, nổi như tem thật; lớp nhũ trên tem không thể cạo ra bằng cách thông thường như tem thật; chất lượng giấy, mực in, hình ảnh không đồng nhất.
Ngoài ra, do sách in lậu thường scan, photo lại từ sách thật nên màu sắc không tự nhiên, ám đen, khó xem vì sử dụng mực in kém chất lượng. Nội dung trên sách bị mờ, mực in không đều, chỗ đậm chỗ nhạt. Trong khi đó, hình ảnh trong sách thật đều sắc nét, phù hợp với thị lực người dùng.
Ông Lê chia sẻ, để ngăn chặn sách giả, bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng chức năng, thì nhân tố quyết định trong cuộc chiến này chính là độc giả - những người bỏ tiền mua sách. Chỉ khi người đọc, khách hàng ý thức được việc mua và đọc sách thật là hành vi văn hóa và tôn trọng pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình cùng cộng đồng, xã hội thì nạn sách giả, sách lậu mới không còn “chốn dung thân”.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/khong-mua-sach-giao-khoa-tu-nguon-troi-noi-de-dam-bao-quyen-loi-cua-hoc-sinh-5908.html