Tuổi trung niên là giai đoạn chuyển giao quan trọng trong cuộc đời mỗi con người, nơi họ đối diện với nhiều thách thức về sức khỏe, gia đình, và sự nghiệp. Một trong những nỗi lo lớn nhất đối với những người ở độ tuổi này là nguy cơ thất nghiệp.
Thất nghiệp ở tuổi trung niên không chỉ gây áp lực tài chính mà còn tạo cảm giác mất mát, thiếu tự tin và lo lắng về tương lai. Chị Nguyễn Thị Mai (quận 8, TP. HCM) đang rơi vào tình cảnh này. Chị Mai cho biết, công ty gặp khó khăn trong kinh doanh nên phải cắt giảm nhân sự để tối ưu chi phí. Chị nằm trong danh sách cắt giảm nhân sự này. Ở độ tuổi 42, chị rất khó khăn khi tìm một công việc mới. Do vậy, chị dự định không tìm việc nữa mà rút BHXH một lần để lấy vốn tự kinh doanh.
Chị Mai bảo, dự tính thế, nhưng chị đã đóng BHXH được 12 năm nên thấy rút một lần thì rất đáng tiếc. Bởi chị vẫn mong muốn về già được nhận lương hưu.
Cũng như chị Mai, chị Trần Thị Hoài (quê Đồng Nai, hiện sinh sống tại quận Tân Bình, TP. HCM) cũng mong về già có lương hưu. Chị Hoài chia sẻ, đến giờ chị vẫn tiếc hơn 10 năm đóng BHXH phải rút một lần vì tình cảnh khó khăn. Vì nếu còn bảo lưu thời gian đóng đó, tương lai chị sẽ có tuổi già thảnh thơi hơn khi có một khoản tiền cố định.
Chị Hoài cho biết, năm 2020, con chị bị bệnh rất nặng nên chị phải nghỉ việc chăm sóc con ở bệnh viện. Vợ chồng chị trước đều là công nhân, lương ba cọc ba đồng nên không tích cóp được nhiều. Con bệnh cần tiền điều trị nên chị quyết định rút BHXH một lần.
Hiện tại, con chị đã khỏi bệnh, chị muốn xin làm công nhân trở lại nhưng rất khó vì tuổi đã cao. Do đó, chị quyết định không đi làm công nhân nữa mà chuyển sang bán hàng online. Chị Hoài bộc bạch, công việc hiện tại cũng cho chị thu nhập đủ trang trải cho gia đình. Tuy nhiên, chị vẫn thấy tiếc vì không được đóng BHXH.
Theo BHXH TP. HCM, khi Luật BHXH (sửa đổi) năm 2024 có hiệu lực (từ ngày 1/7/2025) thì điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu là đủ 15 năm. Như vậy trường hợp của chị Mai chỉ thiếu 3 năm nữa là đủ điều kiện về số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu với mức 45% bình quân tiền lương/thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH.
Sau khi nghỉ việc, nếu không tiếp tục làm việc, đóng BHXH bắt buộc thì chị Mai có thể tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu khi đủ điều kiện về tuổi và thời gian đóng.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thảo - Trưởng phòng Chế độ BHXH TP. HCM cho hay, việc nhận BHXH một lần được coi là “lợi trước mắt, hại lâu dài”. Bởi ngay khi người lao động nhận BHXH một lần, toàn bộ thời gian đã đóng BHXH trước đó sẽ bị xóa bỏ, và các quyền lợi của họ sẽ bị hạn chế so với việc tiếp tục tham gia BHXH cho đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Cụ thể, nếu người lao động tham gia BHXH cho đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu, họ sẽ được hưởng đầy đủ các quyền lợi như lương hưu hằng tháng, bảo hiểm y tế miễn phí, và chế độ tử tuất
Bà Nguyễn Thị Hồng Thảo khuyên, người lao động nên cân nhắc việc lựa chọn hưởng chế độ BHXH một cách hiệu quả, bảo đảm quyền lợi lâu dài cho mình, đặc biệt là khi hết tuổi lao động, già yếu. Người lao động tham gia BHXH đến khi hưởng lương hưu sẽ được hưởng rất nhiều quyền lợi. Trong khi, nếu nhận BHXH một lần thì chỉ được hưởng một số tiền cố định duy nhất, còn ít hơn so với số tiền đã đóng BHXH.
Thất nghiệp ở tuổi trung niên là một thử thách lớn, nhưng không phải là không thể vượt qua. Bằng cách lập ra một kế hoạch lương hưu cụ thể, tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, tìm kiếm các nguồn thu nhập mới, quản lý tài chính cá nhân một cách khôn ngoan và tận dụng các chính sách hỗ trợ của nhà nước, người lao động có thể đảm bảo mình sẽ có một cuộc sống ổn định và an nhàn khi về già.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tuoi-trung-nien-da-lo-luong-huu-vi-bong-nhien-that-nghiep-5919.html