Chờ đợi mỏi mòn vì dự án "treo"
Tháng 11/1994, dự án Sông Hồng City hay còn gọi là Trấn Sông Hồng thuộc khu vực hồ Nghĩa Dũng (phường Phúc Xá, Q. Ba Đình, Hà Nội) được Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cấp phép. Dự án được giao cho Liên danh Công ty Đầu tư & Phát triển nhà Hà Nội - Công ty Antara Koh Development (V) Pte, Ltd (Singapore). Liên danh này đã thành lập Công ty Phát triển đô thị để thực hiện dự án.
Thời điểm đó, nhà đầu tư Singapore có chủ trương đầu tư bất động sản vào Việt Nam và dự án Sông Hồng City là một trong những dự án lớn nhất có vốn đầu tư nước ngoài.
Sông Hồng City quy mô 51.300m2 với tổng mức đầu tư 240 triệu USD, thời gian thực hiện trong vòng 8 năm và có thời hạn hoạt động 45 năm (11/1994 - 11/2039) kể từ ngày được cấp phép.
Dự án hình thành với mục tiêu xây dựng quần thể công trình gồm nhà ở, khách sạn, khu văn phòng thương mại và các công trình tiện ích công cộng để cho thuê.
Tháng 3/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định về việc thu hồi 60.000m2 đất tại khu vực hồ Nghĩa Dũng để giao cho Công ty Phát triển đô thị thực hiện dự án.
Tháng 7/1995, UBND TP. Hà Nội tiến hành giao đất thực địa và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Phát triển đô thị để xây dựng nhà ở, khách sạn và các hạng mục khác.
Nhưng tới nay đã 30 năm, dự án vẫn nằm trên giấy khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng khá nặng nề.
Dự án chậm triển khai khiến nhà ở của các hộ dân trong vùng quy hoạch bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được phép sửa chữa, xây mới. Đặc biệt có nhiều gia đình đã tăng thêm nhân khẩu, nhiều thế hệ cùng sinh sống trong một mái nhà nhưng vẫn phải chịu cảnh nhà cửa hư hỏng.
Những người dân sống trong vùng quy hoạch dự án cho hay, ngoài việc không được xây dựng và sửa sang nhà cửa, người dân muốn làm thủ tục vay ngân hàng để phát triển kinh tế cũng không thể, bán rẻ chẳng ai mua. Do nhà cửa xuống cấp nghiêm trọng, nhiều gia đình phải chịu cảnh đi ở thuê.
Nguyên nhân vì đâu?
Liên quan tới dự án này, vừa qua UBND TP. Hà Nội cho biết, Sở KH&ĐT thành phố đã có văn bản lấy ý kiến của các sở, ngành và UBND Q. Ba Đình, Q. Tây Hồ về việc xem xét kiến nghị của chủ đầu tư Sông Hồng City. Sau khi có ý kiến của các đơn vị, Sở KH&ĐT sẽ tổng hợp, báo cáo UBND TP. Hà Nội để tìm hướng giải quyết.
Theo tìm hiểu, dự án Sông Hồng City chậm triển khai do vướng mắc nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Về nguyên nhân chủ quan: Giai đoạn 1997 – 2001, nhà đầu tư gặp khó khăn tài chính do tác động của khủng hoảng kinh tế khu vực châu Á, thị trường bất động sản suy thoái. Vì vậy dự án Sông Hồng City cũng bị ngừng triển khai.
Về nguyên nhân khách quan: Dự án Sông Hồng City bị ngừng triển khai vào năm 2001 do chưa phù hợp quy định của Pháp lệnh Đê điều (hiệu lực từ 1/1/2001). Thời gian tới tức là vào ngày 1/7/2027, sau khi Luật Đê điều có hiệu lực thì dự án sẽ thuộc quy hoạch thoát lũ.
Vị trí khu đất dự án lại nằm trong vùng cảnh quan hai bên bờ sông Hồng thuộc khu vực UBND TP. Hà Nội đang triển khai lập quy hoạch phân khu R4. Năm 2011, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo không triển khai các đồ án, dự án quy hoạch xây dựng mới có tính chất kinh doanh bất động sản trong thời gian chờ quy hoạch phân khu được phê duyệt.
Ngày 27/6/2023, Văn phòng UBND TP. Hà Nội có văn về quy hoạch kiến trúc dự án Sông Hồng City. Ngày 14/11/2023, UBND Q. Tây Hồ tiếp tục có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Sông Hồng City và phải báo cáo UBND thành phố trong tháng 11/2023.
Đến ngày 18/3/2024, chủ đầu tư dự án có công văn lần 2 gửi Thành ủy Hà Nội và UBND TP. Hà Nội về việc thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án Sông Hồng City.
Như vậy tới nay, Sông Hồng City vẫn chưa hẹn ngày khởi công. Hơn ai hết những người dân sống tại đây mong muốn TP. Hà Nội sớm có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đưa ra mốc thời gian giải quyết cụ thể để người dân sớm được ổn định cuộc sống.
Hà Lan
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/ha-noi-cuoc-song-nguoi-dan-dao-lon-vi-du-an-do-thi-ven-song-treo-suot-30-nam-5927.html