Nỗi vất vả nhân đôi khi giá nhà trọ và tiền điện đều tăng cao

Chị Nguyễn Thu Nguyên chia sẻ, giờ nhà trọ thì đắt, còn đang có xu hướng tăng thêm. Tiền điện khoảng 4.000 - 5.000 đồng/số, không tìm được giá điện dưới 4.000 đồng. Một tháng mà dùng hết tầm 200 số điện, quy ra cũng gần 1 triệu. Số tiền này với sinh viên hay người thu nhập thấp đều rất cao.

Từ đầu tháng 7, chủ nhiều khu trọ tại Hà Nội đã thông báo tăng giá từ 300.000 - 500.000 đồng/tháng, thậm chí với những căn hộ chung cư còn tăng tới 1.000.000 đồng. Lý do được đưa ra chủ yếu đều là sửa sang lại phòng trọ, trang bị thêm thiết bị phòng cháy chữa cháy, mặt bằng giá cho thuê tăng… Để giảm chi phí, nhiều người đã tìm khu trọ rẻ hơn.

Trong các khoản chi phí cố định hàng tháng, ngoài tiền nhà thì chi phí sử dụng điện cũng khiến nhiều sinh viên, người có thu nhập thấp “đau đầu”.

tien-dien-3-1724416378.jpg
Giá tiền điện tại các khu trọ dao động 4.000 - 5.000 đồng/số (Ảnh: VTV online)

Anh Nguyễn Văn Trung làm công nhân trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Anh cho biết đang thuê trọ cùng 2 người bạn nữa. Hóa đơn tiền điện mỗi tháng dao động 1 triệu đồng, mỗi người phải trả khoảng 350.000 đồng. Vào mùa hè, lượng điện sử dụng tăng lên, đặc biệt là tháng cao nhất có thể lên đến 1,5 triệu đồng. Biết tiền điện cao nhưng nóng quá thì không ngủ được, hôm sau đi làm sẽ rất mệt.

Trần Thúy Lan Anh (sinh viên năm 3 một trường đại học tại Hà Nội) cho biết, đã ở trong căn hộ chung cư mini gần một năm. Với giá điện 4.500 đồng/số, mỗi khi sử dụng nhiều điều hòa, tiền điện của cô tăng thêm khoảng 500.000 đồng. Thấy giá điện khá cao, Lan Anh tìm hiểu ở nhiều chỗ trọ khác thì mức giá chung đều dao động trong khoảng 4.000 - 5.000 đồng/số.

Lan Anh bảo, những tháng hè vừa qua, để tiết kiệm điện, cô bật điều hòa cho mát phòng, rồi tắt để chuyển sang dùng quạt. Còn tủ lạnh thì không thể thiếu.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thu Nguyên (Cầu Giấy) chia sẻ, chị thuê trọ ở Hà Nội đã 6 năm. Giờ nhà trọ thì đắt, còn đang có xu hướng tăng thêm. Không có phòng nào dưới 2 triệu, phải 3 triệu mới tạm ở được. Tiền điện khoảng 4.000 - 5.000 đồng/số, không tìm được giá điện dưới 4.000 đồng. Một tháng mà dùng hết tầm 200 số điện, quy ra cũng gần 1 triệu. Số tiền này với sinh viên hay người thu nhập thấp đều rất cao. Nhất là giờ, để an toàn phòng cháy chữa cháy, nhiều khu trọ không cho dùng bếp gas, phải dùng bếp từ. Sử dụng bếp từ thì đương nhiên tốn điện.

Chị Trần Thị Thủy (chủ một khu trọ tại Nam Từ Liêm) cho biết, người thuê tại đây hầu hết là công nhân. Giá điện tính chung là 4.000 đồng/số. Khi được trao đổi, mức giá này đang cao hơn quy định của nhà nước thì chị Thủy phân trần, thu giá điện cao là để bù đắp cho chi phí quản lý và bảo trì hệ thống điện ở khu trọ. Đây cũng là lý do được rất nhiều chủ nhà trọ đưa ra.

tien-dien-2-1724416334.jpg
Nhiều khu trọ đăng trên mạng đều để mức 4.000 đồng/số

Theo Thông tư số 16/2014/TT-BCT và Khoản 4 Điều 10 Văn bản hợp nhất số 13/VBHN-BCT quy định, căn cứ vào thời hạn hợp đồng, số kWh điện sử dụng, số người ở trong một phòng trọ mà giá điện được tính khác nhau, nhưng tối đa là 2.927 đồng/số.

Tại Hà Nội, có hàng trăm nghìn phòng trọ được cho thuê. Nếu chủ nhà tuân thủ đúng quy định, người thuê trọ mỗi tháng có thể tiết kiệm được thêm vài trăm nghìn đồng. Tuy nhiên, đối với những chủ nhà cố tình thu giá cao, người thuê trọ dù biết nhưng vẫn phải chấp nhận thiệt thòi.

Luật sư Hoàng Văn Hóa - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, nếu người thuê trọ phát hiện bị chủ nhà thu tiền điện cao hơn so với quy định của Nhà nước, họ có thể thu thập chứng cứ để kiến nghị với chủ nhà.

Chứng cứ có thể bao gồm hóa đơn hoặc sổ thu tiền trọ hàng tháng có chữ ký của cả chủ trọ và người thuê, trong đó ghi rõ giá tiền cho mỗi số điện (cao hơn mức quy định của Nhà nước). Ngoài ra, ảnh chụp màn hình các giao dịch chuyển khoản đến chủ trọ cũng có thể được sử dụng làm bằng chứng, nhưng vẫn cần có sổ hoặc hóa đơn ghi rõ giá tiền cho mỗi số điện.

Trường hợp chủ nhà không đồng ý với kiến nghị, người thuê có thể đưa vấn đề lên Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) thông qua bộ phận tiếp công dân hoặc chăm sóc khách hàng của điện lực cấp quận, huyện nơi xảy ra vấn đề. Tuy nhiên, việc EVN can thiệp là rất khó khăn, bởi giải quyết vấn đề phụ thuộc nhiều vào sự hợp tác của chủ trọ.

Luật sư Hoàng Văn Hóa chia sẻ, đây là một thực trạng khá nan giải và để giải quyết hiệu quả cần có sự tham gia đồng bộ từ các cấp chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng liên quan. Một cá nhân riêng lẻ như hạt cát nhỏ, rất khó có thể làm thay đổi tình hình.

Du Vũ

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/noi-vat-va-nhan-doi-khi-gia-nha-tro-tang-va-muc-tien-dien-cao-5951.html