Trong bối cảnh phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng, vấn đề nhà ở tại các thành phố lớn đang trở thành một bài toán nan giải. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà còn tác động tiêu cực đến nguồn lao động tại các đô thị.
Một trong những lý do khiến lao động không mặn mà ở lại thành phố là việc không thể mua được nhà, dẫn đến nhiều hệ lụy về cả kinh tế lẫn xã hội. Thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 5/2023, trên cả nước có 398 khu công nghiệp với khoảng 7 triệu lao động.
Trong đó, hơn 50% người lao động có nhu cầu về nhà ở, nhưng tỷ lệ nhà ở phục vụ công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất mới chỉ được đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu.
TP. HCM là một trong những địa phương nhiều khu công nghiệp nhất cả nước, thu hút rất đông người dân các tỉnh đến làm việc. Theo kết quả khảo sát mới nhất của Liên đoàn Lao động TP. HCM, khoảng 60% công nhân, lao động nhập cư chỉ có nhu cầu thuê nhà trọ với giá trên dưới 1,5 triệu đồng/tháng và chỉ muốn làm việc khoảng 10 - 15 năm rồi trở về quê.
Vợ chồng anh Phạm Văn Tuấn (40 tuổi) và chị Lê Thị Thảo (36 tuổi, quê Quảng Ngãi) đã làm việc tại khu chế xuất Linh Trung từ năm 2006, trải qua 18 năm gắn bó với công việc. Họ có 2 con và sau khi trừ các chi phí sinh hoạt, thu nhập hàng tháng của gia đình không dư được bao nhiêu.
Từ khi đặt chân đến TP. HCM, anh chị luôn ấp ủ mong muốn sở hữu một ngôi nhà hoặc căn hộ nhỏ để tạo sự ổn định cho cuộc sống. Nhưng dù đã cố gắng tích góp suốt bao năm, ước mơ đó vẫn còn quá xa vời. Chị Thảo bộc bạch, khi mới chân ướt chân ráo vào TP. HCM, vợ chồng chị đã tìm hiểu giá căn hộ để có động lực tiết kiệm. Lúc đó, một căn chung cư nhỏ ở vùng ven Thủ Đức chỉ khoảng 400 - 500 triệu đồng. Gần 20 năm trôi qua, giờ đây giá căn hộ thấp nhất cũng phải khoảng 1,5 tỷ đồng. Ước mơ có một mái nhà che nắng che mưa của vợ chồng cô còn rất xa vời.
Tương tự, vợ chồng chị Nguyễn Thị Huyền (Bắc Ninh) làm công nhân tại một xưởng may ở quận Tân Bình (TP. HCM), cũng gặp khó khăn trong việc mua nhà. Sau hơn 15 năm sinh sống và làm việc tại đây, dù làm việc không ngừng nghỉ, họ vẫn chưa thể mua được một ngôi nhà.
Việc ở trọ của vợ chồng chị cũng không ổn định, vì cứ vài năm lại phải chuyển chỗ do nhiều lý do như chủ trọ tăng giá, nhà trọ xuống cấp, hoặc không thuận tiện cho con cái đi học. Hiện tại, vợ chồng đang xem xét mua lại một căn hộ dịch vụ tại một quận vùng ven.
Ngôi nhà này gặp phải một số vấn đề như pháp lý không rõ ràng, thiếu an toàn về xây dựng và phòng cháy chữa cháy. Nhưng vợ chồng chị Huyền vẫn “liều” quyết định mua vì "chờ nữa không biết đến bao giờ mới mua được nhà".
Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động TP. HCM năm 2023, hiện có khoảng 1,3 triệu lao động đang có nhu cầu về nhà ở. Người lao động có thu nhập thấp và công nhân nghèo tại thành phố sôi động nhất cả nước luôn mong muốn có một mái nhà, dù nhỏ bé. Nếu không, tối thiểu cũng cần có một nơi ở lâu dài, ổn định, và có mức giá thuê phù hợp.
Tiến sĩ Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Công nhân và Công đoàn, chia sẻ thêm, qua số liệu khảo sát năm 2024, có 53,9% người lao động di cư đang ở trong các phòng trọ loại nhà cấp 4, nhà dân kết hợp cho thuê, nhà lợp tôn hoặc Fibro xi măng. Những nhà trọ dạng cấp 4 này dù đã được trang bị nhà vệ sinh khép kín nhưng diện tích sinh hoạt lại rất hạn chế.
Với diện tích sử dụng nhỏ chưa đến 30m2, thậm chí chỉ dưới 10m2, những ngôi nhà không có phòng riêng cho từng cá nhân, cũng như không có khu vực học tập riêng cho trẻ em, tất cả hoạt động sinh hoạt bao gồm nấu nướng, chăm sóc con cái, sinh hoạt gia đình và nghỉ ngơi, đều phải diễn ra trong một không gian duy nhất.
Ông cho rằng, người lao động thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp lại khó tiếp cận với nhà ở xã hội. Chính việc thiếu nhà ở là một trong những nguyên nhân khiến lao động không mặn mà ở lại thành phố.
Vũ Dũng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/lao-dong-tinh-le-khong-man-ma-tru-lai-do-thi-lon-vi-kho-on-dinh-nha-o-5960.html