Như Đô Thị Mới đã thông tin, gần đây những phiên đấu giá tại các huyện vùng ven Hà Nội ghi nhận các mức giá “kỷ lục” lên tới hơn 100 triệu đồng/m2, cao nhất 133,3 triệu đồng/m2 tại huyện Hoài Đức.
“Đua nhau” bán chênh, cùng dừng giao dịch
Mẫu số chung của những phiên đấu giá “nóng” này là ngay sau khi kết thúc, các lô đất đều được môi giới rao bán chung với mức giá chênh từ 200 – 600 triệu đồng/lô tùy vị trí. Thậm chí, xung quanh khu đất đấu giá, xuất hiện nhiều “sàn giao dịch” dựng ô, kê bàn ghế, mời chào khách tại chỗ.
Tuy nhiên, những ngày gần đây, một số môi giới cho biết, nhiều chủ đất đã “quay xe”, không bán nữa không rõ nguyên nhân. Các môi giới cho biết, sau phiên đấu giá giao dịch vẫn diễn ra sôi động, nhiều chủ đất vẫn “gửi hàng” bán chênh, nhưng sau thông tin dừng đấu giá các phiên sau để phục vụ kiểm tra, rà soát đã thông báo không có nhu cầu bán nữa.
Thậm chí, nhiều lô đất đã được “hứa” bán trước đó nhưng chủ sở hữu cũng thông báo tạm dừng, không hẹn cụ thể ngày nào sẽ giao dịch lại, chỉ cho biết “chờ thông tin mới”.
Trả lời báo Dân Việt, ông Nguyễn Huy Hoàng – Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức cũng xác nhận thông tin các lô đất trúng đấu giá trúng vừa qua phải dừng giao dịch do chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
Ông Hoàng cho biết, theo quy định Luật Đất đai, người trúng đấu giá quyền sử dụng đất, hoàn thành nghĩa vụ tài chính và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì mới có thể chuyển nhượng quyền sử dụng đất trúng đấu giá cho người khác. Vì vậy, đối với đất trúng đấu giá nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không được chuyển nhượng trên thực tế.
Tuy nhiên, việc dừng các giao dịch diễn ra trong bối cảnh, 2 phiên đấu giá tổng 52 thửa đất vào ngày 26/8 và 9/9 tại huyện Hoài Đức đã bị tạm dừng để thực hiện kiểm tra, rà soát theo công điện số 82 (ngày 21/8) của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 23/8, đoàn kiểm tra của Bộ Tài Nguyên và Môi trường sẽ bắt đầu tiến hành kiểm tra tiến trình thực hiện các phiên đấu giá như giá khởi điểm, sự phù hợp của giá trúng với thị trường, điều kiện, trình tự, thủ tục tổ chức đấu giá…tại huyện Hoài Đức và Thanh Oai.
Đáng chú ý, các lô có giá trúng từ 91,3 – 109,3 triệu đồng/m2 tại phiên đấu giá huyện Hoài Đức đã được sang tay nhiều lần với giá chênh từ 400 – 600 triệu đồng/lô. Lô có giá trúng cao nhất 133,3 triệu đồng/m2 cũng đã được sang tay 1 lần với giá chênh 200 triệu đồng.
Tương tự, theo một môi giới tại huyện Thanh Oai, khá nhiều lô đất đấu giá đã được sang tay với mức giá chênh trung bình từ 100 – 200 triệu đồng/lô, cá biệt có lô trúng giá thấp được sang tay với mức chênh 500 triệu đồng.
Người chịu thiệt là ai?
Nhận định về vấn đề này, ông Phạm Đức Toản – CEO Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ Việt Nam (EZ Property) cho biết, sau đấu giá, các lô đất được chào bán công khai với giá chênh lên đến hàng trăm triệu đồng thì đất đấu giá có nguy cơ trở thành một loại hàng hóa trên thị trường. Đồng thời, xuất hiện thêm nghề được gọi là “đấu giá bán chênh” với những đội đấu giá chuyên nghiệp.
Trước những diễn biến tại các phiên đấu giá vừa qua, nhiều người khẳng định đây là chiêu trò quen thuộc của “cò” đất. Theo luật sư Nguyễn Doãn Hồng – Giám đốc Công ty Luật quốc tế Đà Nẵng khẳng định, chắc chắn có sự bắt tay giữa cò đất và những nhà đầu tư “tay to”.
Luật sư Hồng chia sẻ, từng biết các “tay to” thường “nuôi” một nhóm “cò đất” hoặc người lao động tự do ở nhiều địa phương, chuyên đi tìm hiểu dự án và tham gia các phiên đấu giá đất. Những người này được giao nhiệm vụ khai thác thông tin, mua hồ sơ tham gia, “tung hứng” tại các phiên đấu giá là cho những người có nhu cầu mua thật tưởng đất khu vực đang nóng, nên đổ xô “xuống tiền”.
Thông qua đội “cò” được giao nhiệm vụ tại các phiên đấu giá, giới đầu cơ đất được hưởng lợi nhiều mặt như bán sang tay, thu tiền chênh lệch sau mỗi cuộc đấu giá, “thổi” được giá đất địa phương lên mặt bằng mới và “thoát hàng”. Người chịu thiệt chính là người mua với nhu cầu thực hoặc nhà đầu tư mua cuối cùng, khi vừa phải chịu giá cao hơn thực tế lại mất thanh khoản.
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia pháp lý độc lập về bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh lại cho biết, diễn biến và kết quả của cuộc đấu giá đất có thể là bất thường nhưng đây vẫn nên được coi là hiện tượng kinh tế bình thường, giá cả do thị trường quyết định.
Ông Đỉnh phân tích, do bảng giá đất hiện nay tương đối thấp so với giá giao dịch trên thị trường nên giá khởi điểm để tổ chức đấu giá thấp, điều này đã tạo ra sức hấp dẫn lớn. Hơn nữa, tiền đặt cọc để tham gia đấu giá hiện nay tính bằng 20% giá khởi điểm cũng rất thấp, dẫn đến việc người dân đăng ký ồ ạt.
Với tỷ lệ chọi quá cao, việc giá được trả lên mức cao qua các vòng đấu cũng là dễ hiểu.Tuy nhiên, ông Đỉnh cho rằng vẫn cần cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra kỹ. Nếu có chiêu trò thổi giá, người thực hiện sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý tương xứng.
Quang Đăng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tam-ngung-giao-dich-dat-dau-gia-ai-la-nguoi-chiu-thiet-6023.html