Hiểu đúng về “thuế độc thân” đang khiến nhiều người trẻ lo ngại

Ở nhiều quốc gia, mặc dù khái niệm "thuế độc thân" không được đề cập trực tiếp, nhưng trong nhiều chính sách pháp luật thường sẽ có những khoản chi phí phát sinh khi không kết hôn hay không có con, hoặc các khoản hỗ trợ tài chính chỉ dành riêng cho các cặp đôi và gia đình có con.

Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 có nêu: Từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn.

Điều này khiến cụm từ “thuế độc thân” được tìm kiếm rất nhiều trên mạng internet. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, khi người dân lựa chọn sống một mình có thể đồng nghĩa với việc phải chấp nhận trả một cái giá cao hơn so với khi kết hôn. Chính vì thế, khái niệm "single tax" (thuế độc thân) hay "single penalty" (hình phạt độc thân) ra đời.

thue-doc-than-1724676305.jpg
"Thuế độc thân" là gáng nặng của nhiều người trẻ

Thuật ngữ "thuế độc thân" không chỉ đơn thuần là một loại thuế mà còn bao hàm những bất lợi tài chính mà người độc thân phải gánh chịu. Từ việc thuê nhà một mình, chi trả các hóa đơn sinh hoạt đến việc không được hưởng những ưu đãi dành cho người đã kết hôn, người độc thân thường phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn.

Tăng trách nhiệm đóng góp của người độc thân, hay áp dụng các biện pháp tài chính nhắm đến đối tượng này, không phải là một vấn đề mới mẻ. Ở nhiều quốc gia, mặc dù khái niệm "thuế độc thân" không được đề cập trực tiếp, nhưng trong nhiều chính sách pháp luật thường sẽ có những khoản chi phí phát sinh khi không kết hôn hay không có con, hoặc các khoản hỗ trợ tài chính chỉ dành riêng cho các cặp đôi và gia đình có con.

Chẳng hạn, người lao động có con ở Việt Nam được giảm trừ thu nhập chịu thuế và được hưởng các ưu đãi giảm trừ gia cảnh phù hợp. Ở nhiều doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ thường hướng đến những người đã lập gia đình và có con, ví dụ như phần thưởng cho con cái đạt thành tích học tập tốt, ngày Quốc tế thiếu nhi hay Trung thu... Đây là những đặc quyền mà người độc thân không được thụ hưởng.

Trịnh Thu An (Bình Thạnh, TP. HCM) đã có người yêu được 2 tháng. Song chi phí sinh hoạt của cô cũng không khác biệt quá nhiều so với thời còn độc thân. An chia sẻ, việc có người yêu không làm giảm chi phí sinh hoạt nhưng cô cơ hội trải nghiệm hàng loạt dịch vụ dành cho các cặp đôi.

Như khi đặt đồ ăn, cô và người yêu dễ chọn những món mà bản thân yêu thích vì một đơn hàng 100.000 đồng có thể nhận được khuyến mãi từ các ứng dụng giao hàng. Đặt một mình, đơn hàng 100.000 đồng là quá mức xa xỉ cho một bữa ăn của sinh viên mới ra trường như cô. Còn dưới số tiền này, các ứng dựng giao hàng không khuyến mại.

thue-doc-than-1-1724676305.jpg
Xu hương người trẻ "ngại cưới, lười sinh" ngày càng tăng

Dù yêu cầu trách nhiệm xã hội hay áp lực chính sách nhiều hơn, xu hướng người trẻ lựa chọn không kết hôn vẫn tăng cao. Phan Huy Mạnh (28 tuổi, quận 5, TP. HCM) chia sẻ, với thu nhập hiện nay của bản thân, “thuế độc thân” không ảnh hưởng quá nhiều đến anh. Anh thích ở một mình dù phải trả giá thuê nhà cao hơn. Hiện tại, giá thuê phòng trọ đang chiếm 25% thu nhập của anh.

Theo anh Mạnh, việc trả thêm “thuế độc thân” không áp lực bằng kết hôn, sinh con ở thời điểm chi phí sinh hoạt ở đô thị ngày càng đắt đỏ như hiện tại. Anh sợ có con sẽ không nuôi nổi. Hẹn hò có thể không tốn kém nhiều, nhưng nếu kết hôn, sinh con thì rất áp lực. Anh đang độc thân chính là một lợi thế vì có thể tự điều chỉnh nhu cầu của mình cho phù hợp với mức tài chính sẵn có.

Nỗi sợ kết hôn, sinh con của anh Mạnh cũng là áp lực chung của nhiều người trẻ đang sống tại thành phố lớn. Tổng cục Thống kê mới đây công bố, độ tuổi kết hôn ở Việt Nam liên tục tăng trong những năm qua. Trong đó, tuổi kết hôn lần đầu ở TP.HCM đã chạm mốc 30,4. Con số này ở là 27,9 tuổi.

Tỷ lệ sinh ở TP. HCM cũng chỉ ở mức 1,32 con/ phụ nữ - thấp nhất cả nước và đang giảm dần. Nguyên nhân lớn đến từ áp lực chi phí sinh hoạt và nuôi con đắt đỏ ở đô thị lớn.

Ông Phạm Chánh Trung - Chi cục trưởng Chi cục Dân số TP.HCM cho biết, có hai nhóm riêng biệt về lý do người trẻ ngày nay trì hoãn sinh con: Nhóm thứ nhất là những người có nhu cầu sinh con nhưng không an tâm về tài chính và điều kiện nuôi dạy và chăm sóc con cái.

Nhóm thứ hai là có điều kiện về tài chính nhưng quan điểm thay đổi về độ tuổi kết hôn (muộn hơn) và sinh con ít hơn để đảm bảo nuôi dạy con cho tốt và đủ điều kiện để chăm sóc và phát triển bản thân trong môi trường cạnh tranh về công việc.

Du Vũ

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/hieu-dung-ve-thue-doc-than-dang-khien-nhieu-nguoi-tre-lo-ngai-6024.html