Lộ diện nhiều doanh nghiệp bất động sản sở hữu lượng cổ phần lớn ngân hàng

Quy định phải công khai cổ đông nắm từ 1% vốn tại các ngân hàng đã “phát lộ” nhiều doanh nghiệp bất động sản sở hữu lượng cổ phần lớn cả trực tiếp và gián tiếp. Các chuyên gia cho rằng, việc này có thể phát sinh rủi ro quản trị hoạt động ngân hàng.

Bóng dáng doanh nghiệp tại ngân hàng

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vừa công bố danh sách gồm 16 cổ đông cá nhân và 3 tổ chức nắm giữ từ 1% vốn điều lệ ngân hàng trở lên. Theo đó, Tập đoàn Geleximco do ông Vũ Văn Tiền – Phó chủ tịch ngân hàng làm Chủ tịch HĐQT đang nắm 12,78% vốn.

Không chỉ Tập đoàn Geleximco, một doanh nghiệp trong “hệ sinh thái” là Công ty CP Glexhomes cũng đang nắm 4,43% vốn tại ABBank. Bên cạnh đó, người liên quan đến Geleximco cũng đang sở hữu 4,65% cổ phần ABBank. Như vậy, tổng số cổ phần mà 2 doanh nghiệp liên quan đến ông Vũ Văn Tiền đang sở hữu tại ABBank là gần 21% (cả trực tiếp và gián tiếp). Cổ đông tổ chức còn lại là Malayan Banking Berhad (Maybank) đang nắm giữ 16,39% vốn.

Trong khi đó, ông Vũ Văn Tiền đồng thời là lãnh đạo của cả ngân hàng và doanh nghiệp không sở hữu cổ phần nào. Danh sách cổ đông cá nhân của ABBank còn có một số người liên quan đến ông Tiền như ông Vũ Văn Hậu (em ruột) và người liên quan đang sở hữu 17,41%.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng vừa công khai 9 cổ đông lớn nắm từ 1% vốn. Trong đó, sở hữu lượng cổ phần lớn nhất là Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) với 6,05% vốn.

msb-1724819867.jpg

ROX Group (tiền thần là TNG Holdings) có nhiều mối "lương duyên" với MSB

Ngoài ra, một số cổ đông tổ chức có liên quan đến ROX Group – một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản (tiền thân là TNG Holdings Việt Nam) như Công ty CP ROX Key Holdings và người liên quan sở hữu hơn 3,43%; Công ty CP Đầu tư và cho thuê tài sản TNL và người có liên quan sở hữu 2,95%; Công ty CP đầu tư xây dựng ROX Cons năm 1,87%.

Đáng chú ý, Chủ tịch HĐQT của ROX Group là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường – vợ ông Trần Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT MSB. Tại MSB, bà Nguyệt Hường cũng từng là thành viên HĐQT giai đoạn 2007-2011, đồng thời đảm nhiệm chức danh Phó chủ tịch thứ nhất HĐQT, đại diện phần góp của VID Group (tiền thân của TNG Holdings) tại MSB giai đoạn đó.

Bên cạnh đó, cơ cấu cổ đông của MSB còn có một số doanh nghiệp khác như Công ty TNHH khu nghỉ dưỡng Bãi Dài (4,96%); Công ty TNHH Thành phố Công nghệ xanh Hà Nội (4,97%); Công ty xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Hà Nội - Đài Tư (4,98%), Công ty CP đầu tư Ricohomes (2,64%)...Đây cũng đều là các doanh nghiệp có “bóng dáng” của ROX Group.

Ngoài ra, tại các ngân hàng khác như HDBank, Công ty CP Sovico (Sovico Holdings) đang sở hữu tới 14,27% vốn điều lệ của ngân hàng tại OCB, Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Tuấn và người có liên quan nắm giữ gần 20% cổ phần ngân hàng. Hay như Tập đoàn Masan và người có liên đang nắm hơn 15% vốn tại Techcombank…

Rủi ro quản trị

Sở dĩ các ngân hàng phải đồng loạt công bố danh sách cổ đông là do từ 1/7/2024, Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực quy định, phải công phải công khai thông tin cổ đông nắm giữ từ 1% vốn tại các tổ chức tín dụng. Động thái này được giới chuyên gia nhận định là cần thiết để phòng ngừa chuyện đứng tên hộ, đầu tư núp bóng, hạn chế tình trạng sở hữu chéo, thậm chí là thao túng ngân hàng

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, quy định này sẽ tạo điều kiện cho hệ thống giám sát đại chúng, nhiều thành phần liên quan có có hội tiếp cận thông tin đầy đủ hơn về sở hữu ngân hàng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bề nổi, để đưa sở hữu chéo ra ánh sảng cần hệ thống quản lý, công cụ giám sát của Nhà nước mới nhìn thấy rõ những gì bên trong.

danh-sach-co-dong-abbank-1724819923.jpg

Nhóm Geleximco đang nắm giữ lượng lớn cổ phần tại ABBank

Cũng theo ông Hiển, mối quan hệ ngân hàng - doanh nghiệp bất động sản từng để lại nhiều bài học xảy ra trong quá khứ. Sau giai đoạn đó, dù có hệ thống giám sát chặt chẽ hơn nhưng thị trường bất động sản dần hồi phục, mối quan hệ ngân hàng - bất động sản lại rõ nét hơn, xuất hiện tình trạng “sân sau”, tạo sự nguy hiểm nhất định cho hệ thống ngân hàng.

Đồng quan điểm, ông Phan Duy Hưng - chuyên gia phân tích cao cấp VISRating, việc các cá nhân và tổ chức có liên quan nắm giữ lượng cổ phần lớn tại ngân hàng có thể phát sinh những rủi ro quản trị, chi phối hoạt động ngân hàng để phục vụ mục đích cá nhân.

Một vài dẫn chứng được đưa ra như SCB gần đây hay Ngân hàng Xây dựng (CB Bank) và Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên Toàn Cầu (GP Bank) vào năm 2015. Khi hoạt động của ngân hàng bị chi phối, tăng mạnh tín dụng cho các nhà phát triển bất động sản, dự án “sân sau” sẽ ảnh hưởng đến toàn hệ thống, nếu có rủi ro về "sức khỏe" tài chính của doanh nghiệp.

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/phat-lo-nhieu-doanh-nghiep-bat-dong-san-so-huu-luong-co-phan-lon-ngan-hang-6066.html