Hoàn thiện khung pháp lý để "trị cá mập” thao túng thị trường chứng khoán

Dù nhiều vụ thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nhưng bằng nhiều cách “bóng ma” này vẫn tồn tại. Có thể những chiêu trò sẽ không còn quá táo tợn nhưng được thực hiện tinh vi, ở mức độ vừa phải, khó phát hiện hơn.

Trong 3 tháng gần đây, thị trường chứng khoán (TTCK) hầu như đi ngang về điểm số nhưng không có nghĩa những hoạt động lôi kéo, làm giá cổ phiếu, lừa đảo nhà đầu tư cũng phẳng lặng.

Hành vi thao túng vẫn âm thầm diễn ra

Không còn ầm ĩ như 3 năm trước đây nhưng các nhóm kín với hàng trăm người tham gia vẫn hoạt động rầm rộ, chèo kéo tư vấn mua bán cổ phiếu, lướt sóng lãi khủng, phím hàng đội lái…trên mạng xã hội Facebook, Zalo, Telegram...vẫn hoạt động mạnh mẽ.

Từ những hội nhóm này, việc thao túng giá cổ phiếu trong giao dịch sẽ âm thầm diễn ra với các “biện pháp kỹ thuật” như sử dụng nhiều tài khoản, đặt mua hay bán ở mức giá khác nhau với khối lượng lớn nhằm tạo cung cầu giả để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Chiêu trò này dù đã cũ những vẫn có những nạn nhân mới, nhất là những nhà đầu tư thích “lướt sóng” sẽ dễ bị sập bẫy.

Thực tế cho thấy, bên cạnh những vụ án hình sự lớn được đưa ra xét xử, thời gian gần đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBKCKNN) cũng đã nhiều lần các quyết định xử phạt hành chính đối với hành vi này. Chẳng hạn, hồi cuối tháng 5 vừa qua, ông Nguyễn Thanh Tùng (Hà Nội) đã bị xử phạt hơn 570 triệu đồng với hành vi thao túng TTCK.

thao-tung-thi-truong-chung-khoan-1725012591.jpg
Dù nhiều vụ thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nhưng bằng nhiều cách “bóng ma” này vẫn tồn tại

Theo đó, ông Tùng đã sử dụng 5 tài khoản để tiến hành mua bán cổ phiếu HCI của Công ty CP Đầu tư xây dựng Hà Nội nhằm mục đích tạo cung cầu giả để thao túng giá cổ phiếu này. Tương tự, UBCKNN cũng xử phạt ông Giang Tuấn Anh 575 triệu đồng do sử dụng 23 tài khoản chứng khoán để tạo giao dịch giả cho cổ phiếu DST của Công ty CP Sao Thăng Long.

Lý giải nguyên nhân việc dù đã có nhiều vụ án hình sự được đưa ra xét xử nhưng hành vi thao túng TTCK vẫn diễn ra, TS. Nguyễn Văn Thuận – Trường Đại học Tài chính – Marketing (TP. HCM) cho rằng, do quy mô TTCK Việt Nam vẫn nhỏ, trong đó có nhiều doanh nghiệp có cơ cấu cổ đông cô đặc và không giao dịch thường xuyên.

Điều này khiến tỷ lệ cổ phiếu có thể giao dịch trên thị trường ít, tạo điều kiện cho các “đội lái” dễ dàng thực hiện “mua tay trái bán tay phải. Ngoài ra, vốn hóa của nhiều doanh nghiệp ở mức thấp, chỉ vài chục tỉ đồn cũng khiến cho các “cá mập” là những cổ đông lớn, hoặc lãnh đạo doanh nghiệp thao túng.

Điều quan trọng nhất là số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia trực tiếp TTCK Việt Nam vẫn chiếm đa số. Trong đó, số nhà đầu tư có tâm lý "lướt sóng" khá nhiều. Những nhà đầu tư này thường chạy theo đám đông, nghe theo những lời kêu gọi, “phím hàng”…càng khiến các “đội lái” dễ lôi kéo.

Đồng quan điểm. TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế nhận định, nhà đầu tư cá nhân thường không có khả năng đi sâu phân tích về doanh nghiệp, hay từng cổ phiếu nên dễ bị lôi kéo, chạy theo số đông, cùng với tâm lý muốn đầu tư tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Điều này khiến các chiêu trò thao túng giá có thêm nhiều “đất diễn”.

Hoàn thiện khung pháp lý để “trị cá mập”

Để ngăn chặn, hạn chế rủi ro trong hoạt động của thị trường chứng khoán, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, Bộ Tài chính đang dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán 2019.

Trong đó, các nội dung được chú trọng sửa đổi nhiều nhất là các quy định nhằm đảm bảo minh bạch thông tin về giao dịch và các “hàng hóa” trên sàn, qua đó bổ sung nhiều lớp bảo vệ các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, có thêm quy định cụ thể trách nhiệm các chủ thể là tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ hoặc tham gia quá trình lập hồ sơ, tài liệu báo cáo, nhằm tăng cường chất lượng của thông tin cung cấp cho nhà đầu tư.

chung-khoan-1725012655.png
Hoàn thiện khung pháp lý để "trị cá mập" thao túng TTCK

Dự thảo luật cũng đưa việc mua - bán chui cổ phần của cổ đông nội bộ vào nhóm hành vi bị nghiêm cấm. Cụ thể, giao dịch của người nội bộ công ty đại chúng, quỹ đại chúng và người có liên quan không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đại chúng sẽ bị cấm.

Đồng thời, luật hóa quy định về hành vi thao túng thị trường chứng khoán từ Nghị định 156/2020/NĐ-CP. Các hành vi cụ thể được nêu như mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá mới trên thị trường; đặt lệnh mua bán cũng loại chứng khoán trong ngày hoặc thông đồng giao dịch mua, bán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự…

Với khái niệm nhà đầu tư chuyen nghiệp, dự thảo sửa đổi không chỉ yêu cầu công ty có vốn điều lệ đã góp đạt trên 100 tỉ đồng mà còn phải có thời gian hoạt động tối thiểu 2 năm. Còn đối với các nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân, ngoài yêu cầu thu nhập bổ sung thêm quy định phải tham gia đầu tư chứng khoán tối thiểu 2 năm, có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần mỗi quý trong 4 quý gần nhất.

Những đề xuất nêu trên được cơ quan quản lý về thị trường chứng khoán cân nhắc từ thực tiễn phát sinh gần đây. Thậm chí, nhiều ý kiến còn đề xuất bỏ phiên ATC bởi dù chỉ diễn ra trong 15 phút cuối cùng của phiên nhưng lại có hiệu lực lớn nhất, quyết định giá tham chiếu của phiên sau, tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư, dễ tạo cơ hội cho các hành vi làm méo mó thị trường.
 

Tuệ Minh

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/hoan-thien-khung-phap-ly-de-tri-ca-map-thao-tung-chung-khoan-6128.html