Được hỗ trợ tiền xét nghiệm ADN
Anh Nguyễn Văn Hiệp (quận 3, TP. HCM) làm nghề xe ôm, còn vợ anh làm phụ việc tại quán ăn. Vợ chồng anh không có giấy tờ tùy thân, không đăng ký kết hôn. Thế nên dù đã có với nhau 3 người con (lần lượt sinh năm 2012, 2018 và 2020), nhưng chúng cũng giống bố mẹ, không có giấy tờ tùy thân.
Lo lắng các con đến tuổi đi học mà không có giấy tờ, anh Hiệp đã nhiều lần liên hệ với địa phương để xin làm giấy khai sinh nhưng chưa được. Thiếu giấy tờ, con lớn của anh phải nghỉ học 2 năm nay.
Thấy anh Hiệp chật vật làm giấy tờ cho con không được, có người đã giới thiệu anh đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP. HCM. Tại đây, nhân viên trung tâm đã hướng dẫn và cùng anh làm các giấy tờ, thủ tục. Tuy nhiên, để hoàn thiện hồ sơ, gia đình phải thực hiện xét nghiệm ADN để xác nhận quan hệ cha mẹ con. Chi phí xét nghiệm cho cả ba đứa trẻ là rất lớn, khiến vợ chồng anh rơi vào tình trạng bế tắc thêm một lần nữa.
Biết được hoàn cảnh khó khăn của anh, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP. HCM đã hỗ trợ một phần chi phí xét nghiệm này. Khi cầm kết quả xét nghiệm ADN trong tay, anh Hiệp vô cùng hạnh phúc vì các con sắp có được giấy khai sinh. Ngày 28/8 vừa qua, anh đã nộp bổ sung giấy tờ cho UBND phường 11 (quận 3) để xin đăng ký khai sinh cho cả ba đứa con.
Anh Hiệp bộc bạch, điều anh lo lắng nhất là các con không có giấy tờ, không thể đi học và phải chịu cảnh khổ cực như vợ chồng anh. Giờ đã hoàn chỉnh được hồ sơ, anh rất biết ơn Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP. HCM.
Ông Huỳnh Tấn Đạt - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP. HCM cho hay, khó khăn nhất trong thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ là cha, mẹ không có bất kỳ giấy tờ gì. Lúc này, để chứng minh mối quan hệ cha/mẹ - con, không thể vận dụng được quy định về người làm chứng (họ hàng hai bên), mà chỉ có cách xác định qua xét nghiệm ADN.
Việc xét nghiệm này thường rất tốn kém, với chi phí dao động từ 4 đến 5 triệu đồng mỗi người. Trong bối cảnh các gia đình này thường gặp nhiều khó khăn về tài chính, số tiền này là một gánh nặng lớn đối với họ. Do đó, trung tâm đã nỗ lực kêu gọi sự hỗ trợ để giảm bớt chi phí xét nghiệm và thậm chí đã tự dùng quỹ cá nhân để chi trả cho các trường hợp đặc biệt này.
Cấp giấy khai sinh, đảm bảo quyền lợi cho trẻ
Vào đầu tháng 7, một đoàn liên ngành của TP. HCM cũng đã kiểm tra việc cấp giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký thường trú, và căn cước công dân cho nhóm trẻ em và thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ, đang được chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp trẻ em và lớp học tình thương trên địa bàn quận Bình Tân và Tân Phú.
Theo thông tin từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Tân Phú, hiện trên địa bàn có 16 trường hợp trẻ em không có căn cước công dân. Trong số đó, 7 trường hợp có mã số định danh nhưng chưa có dữ liệu tạm trú trên hệ thống quận, 3 trường hợp sinh ra ở nước ngoài và 6 trường hợp còn lại chưa có mã số định danh, chưa đăng ký thường trú, và chưa có dữ liệu trên hệ thống dân cư quốc gia.
Tương tự, tại quận Bình Tân, có khoảng 1.100 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ đang được chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp trẻ em và lớp học tình thương. Tất cả các trường hợp này đã được rà soát và hướng dẫn đăng ký khai sinh, mã số định danh, thường trú, và căn cước công dân.
Tuy nhiên, vẫn còn 12 trẻ gặp khó khăn về giấy tờ và thủ tục pháp lý, trong đó 10 trẻ đang sống tại các nhà mở và mái ấm tình thương như Thiên Ân, Tân Sơn Nhì, Vinh Sơn, Hương Tâm, và 2 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt sống ngoài cộng đồng.
Bà Lê Thị Ngọc Dung - Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, trong số các trường hợp này, có những trường hợp cha mẹ không đăng ký kết hôn; trẻ bị bỏ rơi, sống cùng người thân; trẻ thuộc gia đình di chuyển liên tục không có nơi ở ổn định; hoặc cha mẹ không có đầy đủ giấy tờ tùy thân và không quan tâm đến việc làm giấy tờ cho trẻ.
Đối với quận, khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề cơ sở dữ liệu về trẻ em, việc tiếp nhận hồ sơ căn cước công dân cho nhân khẩu tạm trú, và công tác lưu trữ hồ sơ đề nghị cấp CCCD cho nhân khẩu tạm trú.
Ông Huỳnh Tấn Đạt kiến nghị rằng, để bảo vệ quyền lợi của trẻ em, trong trường hợp cha mẹ không có giấy tờ tùy thân khi sinh con tại các bệnh viện, cần cho phép họ khai báo chính xác về họ tên và năm sinh. Việc một đứa trẻ chào đời không chỉ là trách nhiệm của cha mẹ mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng.
Vì vậy, bệnh viện nên hỗ trợ các bà mẹ không có giấy tờ tùy thân bằng cách cấp giấy chứng sinh. Đồng thời, cần tích hợp và lưu trữ dữ liệu giấy chứng sinh này với phần mềm đăng ký hộ tịch tại UBND cấp xã để đảm bảo quyền lợi cho trẻ.
Vũ Dũng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tp-hcm-ho-tro-lam-giay-to-tuy-than-de-bao-ve-tot-nhat-quyen-loi-cua-tre-co-hoan-canh-dac-biet-6195.html