Tội ác đằng sau một cơ sở tình thương
Ngày 4/9, UBND TP. HCM đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan về vụ bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng, địa chỉ số L52 Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các ban ngành, đơn vị có liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh vụ việc và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật để răn đe đối với hành vi ngược đãi, bạo hành, xâm hại trẻ em.
Mái ấm Hoa Hồng là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận 12 đã cấp phép hoạt động cho cơ sở này vào ngày 7/7/2023, với chức năng, nhiệm vụ trợ giúp, nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi, sống lang thang. Số lượng trẻ không quá 39 bé.
Mái ấm Hoa Hồng chia trẻ thành 3 nhóm gồm trẻ sơ sinh (từ 0 đến khoảng 8 tháng tuổi), trẻ từ 1 - 2 tuổi và trên 2 tuổi. Vừa qua, Báo Thanh Niên đã có loạt phóng sự phản ánh về việc các bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng ngược đãi trẻ em.
Đơn cử như, khoảng 21 giờ ngày 30/7, bà T. (bảo mẫu của cơ sở) cho một bé gái khoảng 4 - 5 tháng tuổi uống sữa thì bé bị sặc. Bực tức, bà T. xách 1 tay bé gái ném lật úp xuống nệm, rồi tát mạnh vào đầu, đấm liên tiếp vào gáy bé, sau đó bỏ đi.
Hay vào 5h34 ngày 2/8, thấy một bé gái (chưa biết lật) khóc, bà T. đã nắm 1 chân kéo, rồi úp mặt bé xuống nệm, đánh vào bắp chân. Đến khoảng 21h41 cùng ngày, bà T. nắm chặt cổ tay bé trai khoảng 1 tháng tuổi nhấc bổng lên cao.
Rạng sáng 3/8, bà T. vừa chửi vừa bạo hành bé gái khoảng 1 tháng tuổi bằng cách đánh mạnh vào đùi, kéo 2 tay bé dậy, thay bỉm, rồi ném mạnh xuống nệm. Thấy bé khóc dữ dội, bà T. tiếp tục nhấc bé lên cao, rồi ném úp xuống.
Đỉnh điểm trong các lần bạo hành là vào khoảng 20h50 ngày 4/8, bà T. tát liên tiếp vào mông, đùi của một bé trai khoảng 7 tháng tuổi. Sau đó, bà T. nắm 2 bên tai xách bé trai lên cao, vứt mạnh xuống, rồi tiếp tục tát tới tấp vào nhiều vị trí trên cơ thể, tiếp đến lại ném bé qua một bên. Sau cuộc bạo hành, bé trai bị thương, miệng chảy nhiều máu, tiếng khóc của bé lúc này đã khàn đi. Đến 21h17 cùng ngày, bé lại tiếp tục bị bà T. hành hạ, dồn vào góc tát liên tiếp.
Ngoài bảo mẫu T., những đứa trẻ tại đây còn bị các bảo mẫu Cẩm, Loan, Huyền và Ba bạo hành.
Người dân bị ngăn cản nếu muốn vào thăm trẻ
Sau khi tiếp nhận thông tin, sáng 4/9, khoảng 30 cán bộ thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. HCM, Công an quận 12 và VKSND quận 12 có mặt tại Mái ấm Hoa Hồng để xác minh, làm rõ về việc nhiều trẻ em bị bạo hành.
Hơn 9 giờ cùng ngày, công an đã mời bảo mẫu Cẩm và chủ mái ấm là bà G.T.S.H về trụ sở công an phường làm việc. Thời điểm này, các bảo mẫu còn lại không có mặt ở mái ấm. Tính đến chiều 4/8, các đơn vị liên quan vẫn đang xác minh, điều tra vụ trẻ em bị bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng.
Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các trẻ, Ủy ban Mặt trận và Hội Phụ nữ phường Trung Mỹ Tây đã cử 20 người đến chăm sóc, cho trẻ uống sữa, ăn trong thời gian lực lượng chức năng làm việc.
Đến 16 giờ, bên trong mái ấm các đơn vị chức năng vừa hoàn tất xác minh hồ sơ thông tin của 86 trẻ tại cơ sở này. Các trẻ sẽ được đưa về Làng thiếu niên Thủ Đức, Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp và Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình Thủ Đức. Sau khi đưa vào trung tâm bảo trợ trẻ em, các bé sẽ được sàng lọc, xác minh gia đình, thân nhân. Hiện cơ quan chức năng đã tạm đình chỉ hoạt động Cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập Mái ấm Hoa Hồng.
Mái ấm Hoa Hồng có 86 trẻ, trong đó có 15 trẻ sơ sinh (dưới 1 tuổi), 37 trẻ từ 1 - 3 tuổi. 31 trẻ đang đi học bên ngoài mầm non Sóc Bông, 3 trẻ đang nằm bệnh viện. Số lượng trẻ tại đây vượt quá so với giấy phép hoạt động là 39 trẻ (giấy phép do Phòng LĐ-TB-XH Q.12 cấp).
Bà T. (sống gần Mái ấm Hoa Hồng) chia sẻ, người dân ở đây cũng rất bức xúc về việc các bảo mẫu đánh các cháu nhỏ. Người dân thường nghe thấy tiếng các cháu nhỏ khóc, bảo mẫu lớn tiếng bên trong mái ấm nhưng khi sang tìm hiểu thì đều bị ngăn không cho vào. Bà T. bảo, nhà hảo tâm ở đâu tới thăm thì họ cho vào, chứ riêng người dân có nhà gần đó vào thì không cho.
Hướng giải quyết của cơ quan chức năng
Liên quan đến vụ việ này, Sở Lao động Thương binh Xã hội TP. HCM đưa ra các hướng giải quyết sau:
UBND quận 12 chỉ đạo Phòng Cảnh sát Điều tra Công an quận 12 phối hợp với các đơn vị khẩn trương làm rõ những người có liên quan đến hành vi bạo hành trẻ em, sớm đưa vụ việc ra khởi tố, xét xử theo quy định pháp luật.
UBND quận 12 phối hợp cùng các đơn vị nghiên cứu đưa vụ án ra xét xử lưu động, công khai vì đây là vụ việc có tính chất, mức độ vi phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em nhằm ngăn chặn các hành vi bạo hành trẻ em tái diễn. Đồng thời chỉ đạo các phòng, ban của quận phối hợp với Phòng Bảo trợ xã hội; Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới và các đơn vị liên quan hoàn tất thủ tục, hồ sơ tiếp nhận trẻ em Mái ấm Hoa Hồng vào các cơ sở bảo trợ xã hội của Sở để chăm sóc, nuôi dưỡng.
Trường hợp, trẻ em có cha mẹ, người nuôi dưỡng, hướng dẫn tiếp nhận trẻ về gia đình và chỉ đạo các cơ sở tiếp nhận vào học bảo đảm trẻ được tiếp tục học, chăm sóc tốt nhất.
Chỉ đạo các đơn vị và cá nhân liên quan làm rõ trách nhiệm trong công tác thẩm định, cấp phép hoạt động và giám sát hoạt động của Mái ấm Hoa Hồng; làm rõ trách nhiệm của đơn vị và cá nhân liên quan trong việc triển khai, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng.
Đề nghị Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố cử Chi hội Luật sư phối hợp với các đơn vị Quận 12 có kế hoạch để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em và gia đình trẻ (nếu có); đồng thời, phối hợp với Phòng, ban Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để đồng hành với các đơn vị đề xuất, kiến nghị xử lý vụ việc đúng người, đúng tội.
Hướng dẫn Phòng LĐ-TB&XH quận 12 phân loại, tổng hợp danh sách trẻ em cần bảo vệ khẩn cấp để khẩn trương chuyển về các Trung tâm Bảo trợ xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng; rà soát các quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở Mái ấm Hoa Hồng, đề xuất biện pháp giải quyết, xử lý.
Chỉ đạo các Trung tâm nuôi dưỡng chăm sóc trẻ em chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự và các nguồn lực khẩn trương tiếp nhận trẻ về chăm sóc nuôi dưỡng (Trung tâm bảo trợ trẻ em Tam Bình, Làng Thiếu niên Thủ Đức, Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp).
V.D (Tổng hợp)
Vũ Dũng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/su-tan-ac-cua-bao-mau-tai-co-so-tro-giup-tre-mo-coi-6250.html