Đất nền thu hút dòng tiền
Trong thời gian gần đây, các phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở tại địa bàn tỉnh Bắc Giang đều thu hút đông đảo nhà đầu tư tham gia với giá trúng tăng rất cao so với mức giá khởi điểm. Khu vực đất đấu giá tập trung tại các địa phương có nhiều tiềm năng sinh lời như Việt Yên, Yên Dũng.
Đơn cử phiên đấu giá 53 lô đất ở xã Tư Mại, Cảnh Thụy (huyện Yên Dũng) hồi giữa tháng 8, đã thu hút 166 khách hàng tham gia với 521 hồ sơ. Tổng số tiền thu về sau đấu giá hơn 148 tỉ đồng, tăng 47,4 tỉ đồng so với giá khởi điểm, trung bình mỗi lô tăng gần 1 tỉ đồng.
Người trúng đấu giá đa phần là nhà đầu tư cả trên địa bàn tỉnh, Hà Nội và một số địa phương lân cận, nhu cầu ở thực rất ít. Sau khi trúng đấu giá, một số người đã “sang tay” ngay với mức giá chênh lệch từ 70 – 100 triệu đồng/lô.
Hay như phiên đấu giá 71 lô đất ở xã Mỹ Thái, Xương Lâm, thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) hồi cuối tháng 8 đã thu về số tiền hơn 66,3 tỷ đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm hơn 9,2 tỷ đồng. “Thừa thắng”, tỉnh Bắc Giang tiếp tục đưa nhiều lô đất ra đấu giá trong tháng 9.
Trước đó, tỉnh Thái Bình cũng gây bất ngờ khi được khá nhiều nhà đầu tư săn đón đất đấu giá bởi lâu nay ít được nhắc đến trong các cơn “sốt giá” so với các tỉnh lân cận. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, huyện Vũ Thư đã tổ chức thành công hàng chục phiên đấu giá đất thu về hàng trăm tỉ đồng.
Đáng chú ý, theo một môi giới tại khu vực này, khách đến đấu giá từ Hà Nội tham gia khá đông, thậm chí có người mua vài lô, có lô đất đưa ra giá khởi điểm 3 triệu đồng/m2 nhưng được trả lên tận 12 triệu đồng/m2, tương đương gấp 4 lần.
Sức nóng của Hà Nội lan tỏa sang khu vực khác
Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Thọ Tuyển – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản BHS (BHS Group) cho biết, dòng tiền của lớp nhà đầu tư “mạnh về gạo, bạo về tiền” đã kích nổ thị trường bất động Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay mức giá của hầu hết phân khúc đều đã quá cao, vượt quá túi tiền của một bộ phận lớn nhà đầu tư. Điều này sẽ khiến dòng tiền “dịch chuyển” sang các tỉnh, thành khác.
Phân tích rõ hơn, ông Tuyển cho biết, nhà đầu tư sẽ ưu tiên giải ngân vào những khu vực giá rẻ hơn, chưa bị tác động bởi dòng tiền mới và giá đang ở ngưỡng thấp. Đó có thể là sản phẩm đấu giá hoặc khu vực trung tâm các tỉnh với pháp lý rõ ràng, có tiềm năng tăng giá. Tại khu vực miền Bắc có khá nhiều tỉnh, thành hội tụ đầy đủ yếu tố này như Hải Phòng, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Dương…
Cũng theo ông Tuyển, mỗi tỉnh có đặc thù riêng nhưng thị trường bất động sản ở các tỉnh này đều có điểm chung là sau thời gian hơn 2 năm không có thanh khoản, giá bất động sản ở những vị trí trung tâm hiện không thể rẻ hơn được nữa. Đây cũng sẽ là khu vực tiềm năng cho các nhà đầu tư địa phương lẫn nhà đầu tư Hà Nội trong tương lai.
Đồng quan điểm, ông Lê Đình Chung - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản SGO Homes cho biết, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu quá trình đi "săn đất" tại vùng ven thành phố lớn, những địa phương phát triển mạnh về hạ tầng và có tốc độ đô thị hóa cao. Những khu vực này có lượng giao dịch đất nền tăng nhanh, nhất là những lô đã tách thửa.
Tuy nhiên, theo ông Chung, diễn biến này không diễn ra đồng đều tại các khu vực. Thị trường miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương cho thấy tín hiệu khả quan hơn so với miền Trung và miền Nam.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, việc dòng tiền “dịch chuyển” từ khu vực này sang khu vực khác tiềm năng hơn là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, không ít các tỉnh, thành ghi nhận hiện tượng đất nền pháp lý sạch “sốt nóng” cục bộ do hoạt động đầu tư trở lại, hay do một số nhóm nhà đầu tư tạo cung, cầu giả để đẩy giá lên. Đơn cử như Hải Dương, giá đã vượt đỉnh năm 2022, hay Bắc Giang cũng từng khiến giới đầu tư “điên loạn”. Theo đó, trước khi xuống tiền, nhà đầu tư vẫn nên cân nhắc kỹ lưỡng.
Quang Đăng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/dong-tien-dau-tu-dang-dich-chuyen-ve-cac-tinh-6399.html