Siêu bão Yagi quét qua, người dân Quảng Ninh chịu nhiều về thiệt hại tài sản nhất. Bà Vũ Thị Thắm (63 tuổi) - chủ một nhà hàng trên đường Hạ Long (TP. Hạ Long, Quảng Ninh) đã cùng nhân viên tất bật dọn dẹp, nhặt nhạnh những đồ đạc còn sót lại ngay sau khi bão tan. Bà Thắm chia sẻ, bà không nghĩ cơn bão lại mạnh như vậy. Sáng ngày 7/9, gió vẫn bình thường. Nhưng đến buổi trưa khoảng 12h30, gió bắt đầu thổi mạnh, mọi người không thể ra ngoài.
Ngay khi bão tan, bà đến kiểm tra nhà hàng thì mọi thứ đều đã bị bão thổi bay, đổ vỡ, hỏng hóc hết. Tủ lạnh, cửa kính, bể,… đều hỏng hết sạch. Gió mạnh đến nỗi chiếc cây trước cửa quán gần 100 năm tuổi cũng bị bật gốc, đổ chắn ngang một bên đường.
Nén tiếng thở dài, bà Thắm bộc bạch, tất cả tài sản đều đầu tư vào nhà hàng hải sản. Giờ mọi thứ mất hết, bà muốn khóc cũng không thể khóc được. Bà vừa mở quán được khoảng 1 năm thì gặp siêu bão. Ước tính thiệt hại của cửa hàng là khoảng 2 tỷ đồng.
Không chỉ cửa hàng của bà Thắm mà nhiều cửa hàng khác trên đường Hạ Long cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau cơn bão. 9 tháng trước, ông Vũ Văn Lương (60 tuổi) đầu tư 2 tỷ đồng mở nhà hàng hải sản ở đường ven biển Hạ Long. Nhà hàng rộng 700m2, sức chứa 300 khách một lúc và có 14 nhân viên làm việc thường xuyên. Nhưng cơn bão đã thổi bay toàn bộ phần mái, biển hiệu, khiến nhiều đồ đạc có giá hư hỏng.
Thiệt hại quá lớn, ông Lương đã gọi nhân viên đến xin lỗi, tình thế buộc phải cho tất cả nghỉ việc. Ông Lương chia sẻ, đau lòng lắm, đi hết cơ nghiệp, phải làm lại từ đầu, 14 con người bỗng thất nghiệp mà không biết phải làm sao.
Anh Vũ Văn Diễn (35 tuổi) cùng vợ Nguyễn Thị Chi (35 tuổi) thuê ngôi nhà cấp 4 rộng chừng 120m2, ở mặt quốc lộ 18 (phường Quang Hanh, TP. Cẩm Phả, Quảng Ninh). Anh dành toàn bộ tầng 1 làm quán bán cơm rang, phở bò. Gác lửng bên trên, anh cải tạo thành phòng học cho 3 con và chỗ ngủ của cả nhà.
Bão đi qua, mái tôn bị thổi bay, ngôi nhà cấp 4 trống hoác hứng trọn nắng mưa. Anh Diễn ước tính thiệt hại vào khoảng 150 triệu đồng. Quán ăn - nguồn thu nhập duy nhất của gia đình, phải đóng cửa trong khi chờ sửa chữa. Toàn bộ đồ dùng sinh hoạt và kinh doanh cũng cần phải mua lại từ đầu để có thể tiếp tục cuộc sống.
Anh Trần Phi Công cũng ở phường Cẩm Sơn cho hay, trước khi bão đổ bộ, anh đã dành hơn nửa ngày để chằng chống nhà cửa. Với sự lạc quan ngôi nhà đã trụ vững qua nhiều mùa bão trước đây, anh chỉ tỉa cành cây lớn xung quanh nhà và cất các vật dụng có thể bị gió cuốn đi. Nhưng trưa ngày 7/9, khi bão đổ bộ, mái tôn của nhà anh rung lắc mạnh, cửa cũng rung bần bật.
Anh Công vội vàng thu dọn đồ đạc ở buồng ngoài, nơi anh dùng để kinh doanh đưa tới chỗ an toàn, nhưng chưa kịp dọn hết thì nghe tiếng động lớn. Anh vội đứng nép vào góc nhà, ngước lên thì thấy mái tôn bị cuốn bay xa. Anh bị một mảnh sắt bay vào, cắt đứt tay.
Anh Công cho biết, mái nhà trước kia lợp ngói với kết cấu khung sắt. Nhưng một năm trước, anh đã đầu tư hơn 150 triệu đồng để lợp mái tôn lạnh. Khi mái tôn bị cuốn đi, gió tiếp tục thổi làm hư hại toàn bộ đồ đạc trong nhà. Màn hình tivi và máy vi tính bị vỡ làm đôi, 3 chiếc xe máy bị đổ bẹp lên nhau. Quần áo thì bị gió cuốn bay mất.
Anh Công bảo, bao năm tích cóp sắm sửa được ít đồ đạc, giờ gần như tay trắng. Buồn nhất là quần áo mới và toàn bộ sách vở, cặp sách, đồ dùng học tập của ba đứa con cũng hỏng hết.
Sau nhiều ngày cấm biển nhằm đảm bảo an toàn cho người dân qua lại thị trấn Cát Bà (huyện Cát Hải, Hải Phòng) trước khi bão số 3 đổ bộ, đến chiều ngày 9/9, TP. Hải Phòng mới chính thức cho phép phà hoạt động trở lại. Do mất điện, nước và gián đoạn sóng viễn thông, thị trấn Cát Bà gần như bị "cô lập", và khung cảnh vẫn còn đổ nát, hoang tàn sau khi bão số 3 quét qua.
Chị Bùi Thị Thu - chủ một khu bungalow (loại nhà nhỏ gọn phổ biến tại các khu du lịch nghỉ dưỡng) cho biết, hầu như tất cả các gia đình làm du lịch tại thị trấn đều bị thiệt hại nặng nề, vượt ngoài sức tưởng tượng sau bão.
Chị chưa bao giờ nghĩ rằng có một cơn bão khủng khiếp như vậy đổ bộ vào Cát Bà. Gia đình chị đầu tư khu vực ăn uống và 21 phòng ngủ phục vụ du khách, mới chỉ hoạt động gần 2 năm nay mà giờ mọi thứ đều hỏng hết. Gia đình không biết làm thế nào để phục hồi. Theo ước tính của chị Thu, tổng thiệt hại mà gia đình phải gánh chịu lên đến gần 10 tỷ đồng.
Theo Cục quản lý đề điều và phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), tính đến 18 giờ ngày 10/9, bão số 3 và mưa, lũ sau bão đã gây thiệt hại nặng nề các cho các tỉnh phía Bắc. Bão, lũ làm 181 người chết, mất tích (127 người chết, 54 người mất tích), thiệt hại về kinh tế vô cùng lớn.
(Tổng hợp)
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nuoc-mat-nguoi-dan-sau-khi-sieu-bao-di-qua-6416.html