Chung cư bị sập trần, nứt tường…do bão: Ai phải chịu trách nhiệm?

Trong bão Yagi, nhiều tòa chung cư tại Hà Nội gặp sự cố liên quan đến nước tràn vào nhà, nứt kính, thậm chí có nơi còn sập trần…Các chuyên gia cho rằng, những sự cố này đến từ chất lượng thi công hoặc vật liệu “có vấn đề”, cần xem xét đến trách nhiệm của đơn vị giám sát, nghiệm thu.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, nguyên nhân khách quan của các sự cố này đến từ cường độ của cơn bão Yagi. Đây cũng là cơn bão hiếm hoi đổ bộ trực diện vào Hà Nội nên không tránh khỏi tác động đến các công trình xây dựng, nhất là những tòa chung cư, khu nhà đã hoạt động lâu năm.

Nhưng trong cơn bão vừa qua, có những tòa chung cư mới chỉ hoạt động được 4 – 6 năm cũng “đổ cả mảng kính, sập trần nhà, hỏng lan can” thì đang cho thấy chất lượng thi công hoặc vật liệu, trang thiết bị có vấn đề.

Tiêu chuẩn đã quá rõ ràng

Đồng quan điểm, ông Lê Văn Thịnh – nguyên Trưởng phòng quản lý chất lượng công trình xây dựng 1, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) nhận định, trong cơn bão vừa qua, tại Hà Nội nhiều chung cư gặp sự cố đều do thi công không đúng quy chuẩn chứ không phải do quy chuẩn lỗi thời.

Cũng theo ông Thịnh, tình trạng kính bong, vỡ cho thấy liên kết khung vào kết cấu bao che hoặc liên kết vào hệ thống chịu lực kém. Trong đó, kết cấu bao che được đánh giá là rất quan trọng, nếu quên hoặc tính toán không cẩn thận thì rất nguy hiểm.

Thông thường, các đơn vị thiết kế kết cấu phải tính toán với các áp lực gió thì mức kính là bao nhiêu, kết cấu bao che xung quanh thế nào…Sau đó lựa chọn để nhà thầu thi công thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay đang có tình trạng để nhà thầu thi công tự chọn dẫn đến việc chất lượng không đảm bảo. Nhà thầu thi công, sau khi chế tạo và lắp dựng xong cửa/vách kính, có thể lập bản vẽ hoàn công được hợp pháp hóa bằng cách đưa bản vẽ này cho nhà thầu thiết kế ký.

sap-tran-chung-cu-1726030787.jpg

Bão số 3 là “phép thử” cho thấy nhiều vấn đề về chất lượng trong xây dựng hiện nay

Sau khi công trình được nghiệm thu, các đơn vị phải bàn giao cho chủ đầu tư quy trình vận hành, sử dụng để hướng dẫn cư dân biết cách sử dụng cửa, vách kính trong trường hợp bình thường cũng như gió bão. Điều này cho thấy, tất cả quy trình đều đã có, thực thi thế nào lại đến từ yếu tố con người.

Ông Thịnh nhấn mạnh, nếu làm đúng các quy trình, chất lượng công trình luôn được đảm bảo. Do đó, bão số 3 là “phép thử” cho thấy nhiều vấn đề về chất lượng trong xây dựng hiện nay. Bên cạnh đó, trong quá trình khai thác sử dụng, công tác bảo trì cũng rất quan trọng, nếu không thường xuyên sẽ xảy ra những trường hợp đáng tiếc.

Ông Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cũng cho biết, tất cả các công trình xây dựng bao gồm cả chung cư đều phải tuân thủ theo QC 02/BXD quy chuẩn  kỹ thuật quốc gia số liệu điều kiện tự nhiên trong xây dựng.

Trong đó, bao gồm cả các quy chuẩn chống bão và động đất của các vùng miền khác nhau. Các quy chuẩn này 5 năm lại được xem xét để đo lại mức gió và cập nhập 1 lần. Như vậy, các quy chuẩn trong xây dựng đều đã khá rõ ràng, việc có tuân thủ hay không cần xem xét từ tất cả các khâu liên quan.

Xem xét trách nhiệm của người thực thi

Liên quan đến công tác quản lý chất lượng, ông ông Lê Văn Thịnh – nguyên Trưởng phòng quản lý chất lượng công trình xây dựng 1, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, cần đánh giá trên nguyên tắc 5 chữ M gồm con người (Man) rồi xét đến các yếu tố tiếp theo là tiền (Money), vật tư vật liệu (Materials), máy móc (Machines) đến phương pháp (Method).

Trong đó, đầu tiên cần đánh giá về con người để thấy rõ trách nhiệm của các chủ thể từ chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, nhà thầu thi công đến nhà thầu giám sát. Việc chung cư bị sập trần, nứt tường cho thấy việc thi công, giám sát đều “ẩu”.

nut-tuong-1726030854.jpg

Tình trạng nứt tường cho thấy liên kết khung vào kết cấu bao che hoặc liên kết vào hệ thống chịu lực kém

Bên cạnh đó, theo KTS Huỳnh Xuân Hải - Công ty CP Thiết kế Xây dựng và Đào tạo Kiến Thiết Việt, nhiều cư dân chưa biết cách gia cố, bảo quản nhà cửa cũng là một nguyên nhân khiến căn nhà hư hỏng nặng hơn khi bão lớn.

Sự cố thiên tai này có thể góp phần thay đổi quan niệm "căn hộ đẹp" của nhiều người dân. Trước đây, các căn ở vị trí góc, có nhiều vách kính, tầng cao thường được ưu tiên lựa chọn nên có giá bán nhỉnh hơn các căn khác cùng tòa. Tuy nhiên, đây lại là các căn hộ có nhiều nhược điểm vì nằm ở vị trí hút gió. Chưa kể, căn hộ sử dụng quá nhiều vách kính thường không an toàn trong tình huống thiên tai như gió bão, động đất xảy ra.

KTS Huỳnh Xuân Hải kiến nghị, khi chọn mua căn hộ, người mua nên cân đối hài hòa các yếu tố về thẩm mỹ, công năng, an toàn. Vì một không gian sống tốt không chỉ cần đẹp mà còn phải đảm bảo an toàn hợp lý cho người ở. Khi có gió to, cần đóng kín cả cửa ra vào và cửa sổ. Với các cánh cửa yếu, có thể dùng ván ép đóng bít lại để ngừa sức gió luồn vào nhà làm tăng áp suất bên trong gây đổ vỡ, hư hỏng nội thất, cửa kính, ban công...

Quang Đăng

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/chung-cu-bi-sap-tran-nut-tuongdo-bao-ai-phai-chiu-trach-nhiem-6421.html