Giao dịch trái phiếu doanh nghiệp: Lo ngại quy định "siết" điều kiện nhà đầu tư tham gia sẽ làm "tắc" thị trường

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi một số điều của Luật Chứng khoán, trong đó có điều kiện trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, việc này sẽ hạn chế đối tượng tham gia, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Theo dự thảo, nhà đầu tư phải tham gia chứng khoán trong thời gian tối thiểu 2 năm, tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần/quý và trong 4 quý gần nhất. Đồng thời, có thu nhập tối thiểu 1 tỉ đồng/năm trong 2 năm gần nhất mới được xác nhận là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đây là điều kiện để nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Khó phân biệt được nhà đầu tư chuyên nghiệp

Theo ông Nguyễn Quý Tú, một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm tại Hà Nội, các quy định mới ngày càng siết chặt hơn điều kiện nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Trong khi thực tế, không phải nhà đầu tư nào tham gia lâu trên thị trường thì sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn người mới tham gia, nhiều người chỉ giao dịch 1- 2 lần trong tháng, có lúc không giao dịch trong cả quý nhưng cũng không thể nhận định là nhà đầu tư không chuyên nghiệp.

Ông Tú cho rằng, những người mua TPDN riêng lẻ thì gần như sẽ đánh giá được hoạt động của doanh nghiệp, thông qua các tổ chức tư vấn vì thường khối lượng lớn, giá trị cao, khác với những người mua TPDN phát hành rộng rãi ra công chúng.

Do đó không cần thiết phải đưa thêm các quy định mới mang tính siết chặt như dự thảo. Chưa kể vừa khó khăn khi để các đơn vị xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, lại vừa dễ phát sinh hiện tượng lách luật.

nha-dau-tu-ck-chuyen-nghiep-1726116375.jpg
Không thể dựa vào số lần giao dịch để nhận định nhà đầu tư chuyên nghiệp hay không

Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hiện hành cũng gây nhiều tranh cãi vì khó xác định tiêu chí. Trong khi TPDN phát hành riêng lẽ là những giao dịch lớn, chỉ có nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua bán.

Do vậy, cần phải xem xét lại việc bổ sung thêm những quy định mới. Chẳng hạn, không nhất thiết phải quy định thêm điều kiện giao dịch chứng khoán tối thiểu 10 lần/quý trong 4 quý gần nhất hay như thu nhập tối thiểu 1 tỉ đồng/năm trong 2 năm gần nhất. Quy định như thế quá chi tiết, mang tính siết chặt đối tượng giao dịch sẽ khiến thị trường khó phát triển.

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty luật ANVI cho rằng, việc bổ sung thêm các quy định về điều kiện đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp là quá khắt khe, mang tính hạn chế số lượng nhà đầu tư tham gia vào thị trường.

Nhất là trong bối cảnh, thị trường TPDN đã trầm lắng khá nhiều năm sau những vụ án sai phạm về trái phiếu. Bản thân các ngân hàng, doanh nghiệp và ngay cả các nhà đầu tư cũng đều có những kinh nghiệm trong hoạt động đầu tư TPDN nên luôn sẵn sàng tâm lý thận trọng, không còn dám “liều” hay nhắm mắt đầu tư. Các tổ chức phát hành, phân phối cũng lo ngại nếu làm không đúng sẽ bị xử lý hình sự.

Khi thị trường còn nhỏ thì không nên quá khắt khe

Bên cạnh điều kiện về nhà đầu tư, dự thảo cũng yêu cầu các tổ chức phát hành TPDN ra công chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của ngân hàng khi cấp phép phát hành, ngoại trừ trường hợp trưởng hợp tổ chức tín dụng chào bán trái phiếu là nợ thứ cấp, thỏa mãn các điều kiện được tính vào vốn cấp 2, có đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định.

Điều này sẽ khiến thời gian thực hiện kéo dài, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi tốn thêm chi phí, nhân lực, chậm các kế hoạch kinh doanh. Tương tự, quy định được bảo lãnh của ngân hàng cũng không phù hợp với quy định. Theo đó, ngân hàng thương mại không được phép bảo lãnh TPDN có mục đích mua cổ phần, vốn góp, cơ cấu nợ…

trai-phieu-doanh-nghiep-1726116360.jpg
Khi quy mô của thị trường TPDN Việt Nam vẫn còn nhỏ thì cần giảm bớt các điều kiện để khuyến khích nhà đầu tư tham gia

Ngoài ra, TPDN cũng là một hình thức huy động vốn ngân hàng, trong khi các đơn vị có thể huy động tiền gửi cá nhân thì việc phải có biện pháp bảo đảm khi chào bán ra công chúng TPDN không phải vốn cấp 2 là không phù hợp, đi ngược với thông lệ.

Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty luật ANVI nhận xét, các quy định này đang mâu thuẫn với quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nếu có tài sản đảm bảo hay ngân hàng bảo lãnh khi phát hành trái phiếu ra công chúng đã là biện pháp giảm thiểu rủi ro cho người mua, thêm điều kiện nhà đầu tư chuyên nghiệp là không cần thiết.

Do đó, luật sư Trương Thanh Đức đề xuất, khi quy mô của thị trường TPDN Việt Nam vẫn còn nhỏ thì cần giảm bớt các điều kiện để khuyến khích nhà đầu tư tham gia, nếu không sẽ dẫn đến hệ quả các tổ chức phát hành sẽ khó thành công trong việc huy động vốn để phát triển dài hạn. Trong khi đó, Chính phủ vẫn luôn kêu gọi phát triển thị trường TPDN để các công ty không còn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn ngân hàng, thúc đẩy dòng vốn từ người dân tham gia vào nền kinh tế, giảm bớt khâu trung gian.

Vì vậy, nếu chưa xem xét giảm các điều kiện thì chỉ nên giữ nguyên các quy định hiện hành. Xác suất vi phạm trong lĩnh vực, ngành nghề lúc nào cũng có nhưng đó vẫn là thiểu số. Không nên vì vậy mà lại tăng điều kiện để hạn chế thị trường phát triển.

Tuệ Minh

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/ban-khoan-dieu-kien-nha-dau-tu-ca-nhan-duoc-mua-trai-phieu-doanh-nghiep-6446.html