Tại kỳ họp thứ 17, HĐND TP. HCM Khóa X đã thông qua Nghị quyết 15/NQ-HĐND điều chỉnh và bổ sung một số điều của Nghị quyết 13/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 về Chương trình giảm nghèo bền vững TPHCM giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu đồng bộ hóa các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều của thành phố với chuẩn nghèo quốc gia. Nghị quyết sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10/2024.
Nghị quyết 15 điều chỉnh các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều cho tương đồng với chuẩn nghèo đa chiều quốc gia. Hiện nay chuẩn nghèo đa chiều của TP. HCM áp dụng theo Nghị quyết 13 có một số tiêu chí khác biệt với chuẩn nghèo đa chiều quốc gia.
Cụ thể, chuẩn nghèo đa chiều quốc gia bao gồm 12 chỉ số thiếu hụt, trong khi TP. HCM chỉ có 10. Ba chỉ số không được áp dụng tại TP. HCM là nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông và phương tiện tiếp cận thông tin vì đã được hoàn thành.
Điểm đáng chú ý nữa là TP. HCM bổ sung thêm 1 chỉ số thiếu hụt về bảo hiểm xã hội so với chuẩn quốc gia. Đây là chỉ số dành cho các hộ gia đình có người trong độ tuổi lao động nhưng không tham gia bảo hiểm xã hội dù đang làm việc và có thu nhập.
Khi Nghị quyết 15 có hiệu lực, chuẩn nghèo của TP. HCM được điều chỉnh gần hơn với chuẩn nghèo quốc gia, nhưng vẫn có một số điểm khác biệt. Chẳng hạn, chuẩn nghèo của TP. HCM có thêm chỉ số về việc làm và mức thu nhập quy định cũng cao hơn so với chuẩn quốc gia.
Theo đó, chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 đặt mức 2 triệu đồng/người/tháng với khu vực thành thị và 1,5 triệu đồng/người/tháng với khu vực nông thôn. Còn TP. HCM áp dụng chuẩn nghèo với mức thu nhập cao hơn, 3 triệu đồng/người/tháng cho toàn thành phố và còn bổ sung thêm chỉ số thiếu hụt về người phụ thuộc. Dù sự điều chỉnh này không quá lớn, nó vẫn tạo ra những thay đổi nhất định. Bởi sau khi Nghị quyết 15 chính thức có hiệu lực, 753 hộ gia đình từ nhóm hộ nghèo sẽ được xếp vào nhóm cận nghèo.
Liên quan đến vấn đề này, tại hội nghị giao ban ngày 6/9, bà Nguyễn Thị Hồng Hà - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững TP. HCM cho biết, 753 hộ nghèo bỗng dưng… thoát nghèo này chủ yếu do điều chỉnh chính sách chứ thực tế kinh tế chưa cải thiện.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hà, Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo đã nghiên cứu, trao đổi với Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP để đề xuất hỗ trợ những hộ trên đến hết giai đoạn 2021 - 2025. Việc hỗ trợ chủ yếu thông qua chính sách như mua thẻ bảo hiểm y tế, dạy nghề… chứ không chi tiền mặt. Những khoản chi tiền mặt như hỗ trợ tiền điện, học phí… thì trung bình mỗi hộ được nhận gần 3,5 triệu đồng.
Tuy nhiên, Sở Tư pháp Thành phố đánh giá việc hỗ trợ trên mang tính cá biệt, không thuộc phạm vi điều chỉnh của chính sách, nếu ban hành sẽ vi phạm các quy định ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Còn ông Lê Văn Thinh - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM cho biết, Sở sẽ nghiên cứu và tham mưu UBND thành phố để kiến nghị HĐND ban hành các chính sách hỗ trợ cho các hộ này trong giai đoạn 2021 - 2025. Các chính sách có thể bao gồm hỗ trợ bảo hiểm y tế, tiền điện, học phí... nhằm giúp các hộ gia đình này thực sự thoát nghèo và ổn định cuộc sống.
Ông Thinh cho rằng, không nên nghĩ số lượng hộ gia đình bị ảnh hưởng nhỏ, số tiền hỗ trợ ít mà không để tâm, không làm quyết liệt. Với người nghèo, hỗ trợ vài triệu đồng với họ cũng là số tiền lớn.
Vũ Dũng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tp-hcm-hang-tram-ho-bong-dung-thoat-ngheo-khi-dieu-chinh-tieu-chi-6531.html