Hiện nay, nước lũ đã rút tại nhiều địa phương phía Bắc. Tại những vùng này, cơ quan chức năng cũng gấp rút xử lý môi trường. Bởi sau bão lũ vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.
Ngay tại Hà Nội, những khu vực nước lũ rút, cơ quan chức năng và người dân cũng chung tay dọn dẹp vệ sinh, khử khuẩn tại các trường học, cơ quan nhằm ngăn chặn xảy ra dịch bệnh.
Ông Nguyễn Lương Tâm - Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, các loại dịch bệnh phổ biến thường xuất hiện vào thời điểm này gồm da liễu, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, sốt rét, cảm cúm, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy… Nguyên do người dân thiếu nước sạch sinh hoạt, sử dụng nguồn thực phẩm không đảm bảo dễ dẫn đến nhiễm bệnh.
Ông Tâm cho hay, hiện Bộ Y tế đã triển khai đánh giá ảnh hưởng sau bão lũ của các địa phương, khuyến cáo người dân phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, Bộ cũng xem xét tình trạng tại các địa phương để có phương án hỗ trợ chuyên môn, ngân sách chống dịch phù hợp.
Trong khi đó, chia sẻ trên Báo Tuổi Trẻ, bác sĩ Thân Mạnh Hùng - Phó trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đánh giá, dịch bệnh sau mưa bão lần này có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn so với những đợt bão lũ trước đây. Nguyên nhân do bão lũ năm nay xảy ra trên diện rộng, nhiều tỉnh thành chịu ảnh hưởng, dịch bệnh có thể lây lan từ vùng dịch này đến vùng dịch khác.
Bác sĩ Hùng nêu rõ, bão lũ gây ngập úng, nước dâng cao, sau khi nước rút có thể tiềm ẩn các mầm bệnh trong nguồn nước. Mưa lũ lại diễn ra rộng khắp, dẫn đến nguồn nước có thể di chuyển từ địa phương này đến địa phương khác. Đặc biệt, gia cầm bị chết do mưa lũ, xác động vật có thể trôi nổi, di chuyển đến các tỉnh thành khác cũng có thể mang theo dịch bệnh đang lưu hành ở địa phương đó.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cũng chia sẻ, cơn bão số 3 đã qua đi nhưng vẫn còn nguy cơ dịch bệnh trước mắt, do nước bị ô nhiễm và không đủ nước sạch, do căng thẳng mệt mỏi, ăn ngủ không điều độ giảm sức đề kháng.
Để phòng, chống dịch bệnh sau bão lũ, bác sĩ Hoàng khuyến cáo điều đầu tiên người dân vùng bị ảnh hưởng cần vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, sau đó chuẩn bị nguồn nước sạch, thau rửa các bể nước, giếng nước theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ngày 12/9/2024, Bộ Y tế đã xuất cấp 13 tấn hóa chất khử khuẩn môi trường (Chloramin B) từ kho phòng chống thiên tai, đồng thời vận động tài trợ 1 triệu viên khử khuẩn nước Aquatabs từ Tổ chức Y tế thế giới và 200.000 viên khử khuẩn nước Aquatabs từ Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) để chuyển tới các địa phương.
Bộ Y tế cũng đã đề xuất Chính phủ xuất cấp 1,76 triệu viên hóa chất khử khuẩn nước (Aquatabs) từ nguồn dự trữ quốc gia UNICEF hỗ trợ hệ thống trữ nước và bình lọc gốm không dùng điện, xà phòng, dung dịch sát khuẩn các hộ gia đình, trường học, trạm y tế của 10 xã thuộc tỉnh Yên Bái, Lào Cai.
Bộ cũng đã hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương, cơ sở y tế cơ sở và người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường; thu gom, xử lý chất thải y tế, xử lý xác súc vật chết; xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt. Tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và véc tơ gây bệnh tại các khu vực bị ngập sau khi nước rút. Lên các phương án phòng chống dịch sau mưa lũ, lưu ý các dịch bệnh sởi, đau mắt đỏ, nước ăn chân, tiêu chảy...
Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh chất lượng nước cấp cho ăn uống sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung bảo đảm nồng độ clo dư theo quy định và kiểm tra vệ sinh chất lượng nước hộ gia đình.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/luu-y-tu-chuyen-gia-y-te-de-ngan-dich-benh-bung-phat-sau-lu-6552.html