TP. HCM: Cấm học sinh dùng điện thoại tại trường được ủng hộ cao

Hiệu trưởng một trường THCS ở TP. HCM chia sẻ, khi học sinh tự do dùng điện thoại di động trong trường, các em xao nhãng, kém tập trung, học tập không hiệu quả. Các em cũng ít kết nối với nhau hơn.

Cho mang điện thoại đến trường nhưng cấm sử dụng

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Trong đó có điểm mới là "học sinh THCS, THPT được dùng điện thoại trong giờ học để phục vụ học tập khi được giáo viên cho phép. Đồng thời, giáo viên không còn bị cấm sử dụng điện thoại di động khi đang dạy trên lớp”.

Sau thời gian thực thi, đến nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về việc nên hay không nên cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động. Nhất là thời gian gần đây, khi Trường THPT Thạnh Lộc (quận 12, TP. HCM) đưa ra quy định cấm học sinh dùng điện thoại di động, kể cả giờ ra chơi khiến vấn đề này “nóng” trở lại.

cam-dung-dien-thoai-1726481390.jpg
Học sinh Trường THPT Thạnh Lộc chơi cờ hoặc đọc sách, làm bài tập trong giờ ra chơi (Ảnh: Minh Khánh)

Thầy Lương Văn Định - Hiệu trưởng Trường THPT Thạnh Lộc cho hay không cấm học sinh mang điện thoại đến trường vì lúc tan học, nhiều em cần dùng để đặt xe hoặc gọi người nhà đến đón. Nhưng các em không được dùng thời gian ở trong trường, trừ khi giáo viên cho phép.

Lý giải quy định cấm này, thầy Định chia sẻ, trong giờ ra chơi, phần lớn học sinh không vận động, giao lưu mà chăm chăm vào điện thoại. Nhiều em dùng mạng xã hội không đúng cách, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng học hành. Trường đã họp và được tất cả phụ huynh đồng thuận việc cấm điện thoại. Sau đó, nhà trường đã tổ chức một buổi sinh hoạt tập thể, giải thích cho hơn 2.000 học sinh về tác hại khi sử dụng điện thoại không đúng nơi, đúng lúc.

Thực tế ghi nhận, có rất nhiều trường tại TP. HCM đưa ra quy định này, đặc biệt là các trường THCS. Như Trường THCS Nguyễn Văn Phú (quận 11) yêu cầu học sinh không được mang điện thoại di động vào trường. Trừ trường hợp giáo viên dặn trước có môn nào dùng điện thoại di động để phục vụ việc học thì các em học sinh được mang vào trường và chỉ được dùng khi giáo viên cho phép, dưới sự quản lý của giáo viên.

Trường THCS Lý Thánh Tông (quận 8) cũng quy định học sinh không được dùng điện thoại di động trong trường, kể cả đầu giờ vào học hay giờ ra chơi. Hết giờ học, ra khỏi cổng trường, học sinh có thể sử dụng thoải mái. Nếu mang điện thoại di động vào trường, học sinh phải gửi cho thầy cô giám thị, cuối buổi nhận lại. Khi học sinh cần liên lạc với gia đình, trường có phòng gọi điện thoại để sử dụng.

Trường THCS Lương Thế Vinh (quận 1) cấm học sinh mang điện thoại di động vào trường hay sử dụng trong thời gian ở trường. Nếu học sinh mang theo điện thoại di động thì đầu giờ nộp cho giám thị, giáo viên, cuối buổi học sẽ nhận lại.

Lợi bất cập hại khi học sinh dùng điện thoại trong trường

Một số ý kiến cho rằng, điện thoại thông minh là phương tiện thông tin liên lạc có nhiều tiện ích, là kho dữ liệu trí thức để khai thác, ứng dụng vào đời sống, việc làm, học tập… Đây là lợi ích tích cực của điện thoại đem lại để phục vụ cuộc sống con người. Do vậy, cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong trường học để tra cứu thông tin sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình học tập.

cam-dung-dien-thoai-1-1726481390.jpg
Học sinh sử dụng điện thoại trong trường khi có sự cho phép của giáo viên

Tuy nhiên, hiệu trưởng một trường THCS tại quận 11 (TP. HCM) cho hay, vài năm trước, trường cũng cho phép học sinh mang điện thoại di động vào trường. Nhưng sau đó, trường phải thay đổi nội quy, yêu cầu học sinh không được mang theo điện thoại. Nguyên nhân là vì khi học sinh tự do dùng điện thoại di động trong trường, các em xao nhãng, kém tập trung, học tập không hiệu quả. Các em cũng ít kết nối với nhau hơn.

Vị hiệu trưởng này chia sẻ, khi đưa ra quy định này, nhà trường đã trao đổi với phụ huynh và rất được ủng hộ. Bởi phụ huynh cũng rất muốn con cái "thoát ly" khỏi điện thoại, Ipad khi ở nhà nhưng khó, nên chỉ mong thời gian con đến trường tách ra khỏi những thiết bị này. Sức hút điện thoại rất mạnh, nếu để học sinh tự do dùng điện thoại di động thì ra chơi mỗi em một góc cầm điện thoại, còn vào lớp là không tập trung nghe giảng.

Để học sinh có thể thuận tiện liên lạc với phụ huynh, trường bố trí 3 điện thoại bàn. Phòng quản sinh luôn có người trực từ 6h30 - 18h, có điện thoại bàn, điện thoại di động để hỗ trợ học sinh. Trường hợp học sinh mà cha mẹ chưa kịp đón, có nhu cầu đặt xe công nghệ lúc tan học, thì phụ huynh đặt xe cho con, rồi thông báo với thầy cô ở phòng quản sinh biển số xe. Các em học sinh nhìn đúng số xe mới lên.

Nhiều năm qua, Trường TH-THCS-THPT Lê Thánh Tông (TP. HCM) đã yêu cầu học sinh không đem theo điện thoại di động vào trong khuôn viên trường vì bất cứ lý do gì, kể cả khi các em trở về khu nội trú. Điều này nằm trong nội quy của trường và gia đình phải cam kết học sinh chấp hành tất cả các nội quy.

Thầy Đỗ Văn Trị - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, học sinh khi sử dụng điện thoại thông minh thường có xu hướng vào các trang mạng xã hội để "chat", "comment", xem hình ảnh. Không phải không có những học sinh dùng điện thoại để học nhưng số đó có lẽ không nhiều.

Học sinh được sử dụng điện thoại thoải mái trong trường học, ngoài việc bị cuốn theo các cuộc trò chuyện hay quá chú tâm vào các trò chơi điện tử… thì điều đáng lo ngại là các em đánh mất dần kỹ năng tập trung, không thể theo dõi bài học, dễ tạo những khoảng trống kiến thức… Trong khi đó, yêu cầu số 1 của tiết học là tập trung vào nội dung bài học, kể cả khi thầy cô thuyết giảng hay học sinh làm việc nhóm. Do đó, học sinh không dùng điện thoại di động sẽ giúp tập trung hơn, từ đó tiết học sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Vũ Dũng

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tp-hcm-cam-hoc-sinh-dung-dien-thoai-tai-truong-duoc-ung-ho-cao-6557.html