Mảng bán lẻ của ngân hàng khởi sắc nhờ giảm đầu cơ bất động sản?

Mảng bán lẻ của các ngân hàng đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại sau thời gian dài “ì ạch” bất chấp việc lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp. Nhiều ý kiến cho rằng, điều này có được do tình trạng vay đầu cơ bất động sản, chứng khoán giảm thiểu.

Tính đến cuối tháng 7/2024, cho vay tiêu dùng đạt hơn 3 triệu tỉ đồng, chiếm hơn 21% tổng dư nợ của nền kinh tế. Theo dự báo của Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 đạt khoảng 13-14%, trong đó tín dụng tiêu dùng sẽ tăng khoảng 12-14%, cao hơn trong năm 2025, cao hơn so với mức tăng khoảng 11% năm 2023.

Xu hướng vay tiêu dùng đang tăng trở lại

Tính đến cuối tháng 7/2024, lãi suất cho vay bình quân của các tổ chức tín dụng liên tục giảm dao động ở mức 6,9 – 9,3%/năm, giảm 0,2 – 0,4% so với cuối tháng 4/2024 và giảm 2,5 – 3% so với đầu năm 2023. Điều này khiến tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế tăng không đều qua các tháng/quý.

Cụ thể, 5 tháng đầu năm tăng trưởng chậm chỉ đạt 2,41% nhưng đã nhanh hơn trong những tháng gần đây. Tính đến hết 8 tháng đầu năm, tín dụng tăng khoảng 7,25% và tín dụng tiêu dùng và sản xuất - kinh doanh của khách hàng cá nhân cũng trong xu hướng đó nhưng chưa thực sự bứt phá.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, diễn biến này được xác định đến từ 3 nguyên nhân chính. Đầu tiên là do khách hàng thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng thận trọng, tiết kiệm hơn. Tiếp đó, do đà phục hồi của thị trường bất động sản còn chậm, sức cầu vay mua nhà, sửa nhà của người dân còn thấp.

vay-mua-bds-1726634453.png

Xu hướng vay tiêu dùng đang tăng trở lại

Cuối cùng, nợ xấu tăng dù trong tầm kiểm soát khiến các tổ chức tín dụng tiếp tục thận trọng hơn trong cấp tín dụng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 6/2024 vẫn ở mức cao 4,56%.

Tuy nhiên, ông Lực nhận định, tín dụng nói chung và tín dụng bán lẻ, tín dụng tiêu dùng nói riêng sẽ tăng nhanh hơn thời gian tới. Cơ sở để đưa ra nhận định này dựa trên tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2024-2025 đã tích cực hơn.

Bên cạnh đó, Luật Các TCTD 2024 có hiệu lực từ 1/7/2024 đã có quy định cởi mở hơn, giảm thủ tục với các khoản vay tiêu dùng. Song song với đó, thị trường bất động sản đang dần phục hồi và lành mạnh hóa sẽ là động lực thúc đẩy cầu tín dụng (cả đầu tư kinh doanh và mua nhà ở, nhà ở xã hội) trong thời gian tới.

Khó xác định mục đích vay đầu cơ hay đầu tư

Nêu quan điểm về ý kiến, tín dụng tiêu dùng khởi sắc nhờ trạng vay đầu cơ bất động sản, chứng khoán đã giảm thiểu, TS. Cấn Văn Lực cho biết, chưa có số liệu nào thể hiện tình trạng vay đầu cơ nhưng không phải cứ vay tiền đầu tư bất động sản, hay chứng khoan đều là đầu cơ, nhu cầu đầu tư thực, mua nhà ở thực vẫn luôn hiện hữu.

Thực tế, khi thị trường bất động sản khó khăn thì nhu cầu vay vốn trong lĩnh vực này cũng có xu hướng giảm. Nếu như trước đây, nhiều cá nhân có xu hướng mua bất động sản thứ 2, 3 để phục vụ cho thuê, làm dịch vụ hay đầu cơ… thì nay nhu cầu này đã giảm đáng kể khi sự phục hồi của nền kinh tế và thị trường bất động sản chưa thực sự vững chắc.

can-van-luc-1726634493.jpg

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, không phải cứ vay tiền đầu tư bất động sản, hay chứng khoan đều là đầu cơ

Điều này thể hiện rất rõ ở chỉ sở vay mua nhà chỉ tăng khoảng 2% năm 2023 và 1,2% trong 6 tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên, thị trường bất động sản đang dần phục hồi và lành mạnh hóa nhờ các luật liên quan đến thị trường bất động sản đã bắt đầu có hiệu lực từ giữa quý II (tháng 7,8) cùng với nhiều nghị quyết, nghị định cũng đồng thời được ban hành giúp cho hành lang pháp lý trong lĩnh vực bất động sản được hoàn thiện hơn, chặt chẽ hơn đối với các phân khúc khác nhau…

Do đó, có thể kỳ vọng trong tương lai thị trường bất động sản sẽ tăng trưởng bền vững hơn khi hoạt động đầu cơ có xu hướng giảm, nhu cầu thực tăng và hoạt động công khai, minh bạch hơn.

Đối với hoạt động cho vay chứng khoán, theo thống kê của FiinGroup, tính đến hết quý 2/2024, quy mô dư nợ cho vay ký quỹ (margin) của 62 công ty chứng khoán đạt gần 220.000 tỷ đồng. Đây là mức cao kỷ lục từ trước đến nay và vượt qua đỉnh quý I/2021 (184.400 tỷ đồng). Tỷ lệ dư nợ cho vay margin trên tổng vốn hóa cũng ở mức cao, khoảng 9,4%.

Dù vậy, tốc độ tăng về quy mô cho vay không đồng đều, chủ yếu ở nhóm các công ty chứng khoán quy mô lớn và vừa. Hơn nữa, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cũng quy định chặt chẽ hơn đối với cho vay, đầu tư chứng khoán. Thị trường chứng khoán cũng sẽ trở nên lành mạnh hơn, quản trị rủi ro tốt hơn và minh bạch hóa cùng với các chính sách, giải pháp tiến tới được nâng hạng thị trường trong năm tới.

Tuệ Minh

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/mang-ban-le-cua-ngan-hang-khoi-sac-nho-giam-dau-co-bat-dong-san-6597.html