Giải bài toán quy hoạch đô thị gắn với "vật liệu xanh"

Có thể thấy rõ, như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cũng gặp khá nhiều khó khăn trong việc giải bài toán quy hoạch đô thị.

Vật liệu xanh giảm tải chi phí xây dựng
Giải pháp xanh, giải pháp bền vững, vật liệu bền vững… đang là một trong những thuật ngữ được các chuyên gia quy hoạch, các chủ đầu tư xây dựng… ứng dụng mạnh và nhắc nhiều trong những năm vừa qua. Sau khi Chính phủ đưa ra các quyết sách tăng tốc chuyển đổi xanh, Thông tư 13/2017/TT-BXD về việc sử dụng vật liệu không nung đối với các công trình từ 9 tầng trở lên, Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng giai đoạn 2021-2030 phát triển theo hướng bền vững, tiến tới loại bỏ hoàn toàn công nghệ vật liệu tiêu tốn tài nguyên khoáng sản cũng như hạn chế sử dụng cát tự nhiên... đang trở thành “tiền đề, tốc lực” dành cho quy hoạch, xây dựng trong tương lai.

Theo kiến trúc sư Hoàng Khải Linh (Founder Công ty TNHH Kiến trúc Kiến Vàng), việc tuân thủ các quy định về kiến trúc xanh, bền vững là bài toán lâu dài của tương lai cũng như sống còn của các đô thị trong giai đoạn đô thị hoá ở Việt Nam ngày càng tăng cao như hiện nay.

Quy hoạch đô thị xanh trong giai đoạn đô thị hoá như hiện nay là việc cần thiết

“Quy định về công trình cao tầng hiện đã tăng mức sử dụng đối với vật liệu không nung lên tới 80% là một trong những quy định bắt buộc mang tính bền vững dành cho ngành xây dựng, kiến trúc. Và việc thi công cũng đảm bảo, phải lựa chọn các giải pháp vật liệu có tính đồng bộ.

Không chỉ đối với nhà cao tầng, có rất nhiều khách hàng của chúng tôi khi lên kế hoạch xây nhà riêng, không gian cá nhân đều có mong muốn lựa chọn các vật liệu mang tính “xanh hoá” như gạch block, gạch nhẹ, tấm panel nhẹ… Khi tư vấn cho khách hàng trong việc thiết kế, chúng tôi cũng luôn mong muốn hướng tới các sản phẩm chuyên biệt với mục tiêu bền vững, vừa giúp tăng chất lượng công trình, vừa được đánh giá là công trình xanh”, KTS Khải Linh thẳng thắn.

Ngày nay, có khá nhiều vật liệu thân thiện với môi trường cũng như đảm bảo được tính ổn định luôn được các KTS, doanh nghiệp lựa chọn. Có thể thấy rõ, xi măng, cát truyền thống sẽ dần được thay thế bởi các loại vữa chuyên dụng gốc thạch cao. Không ít các dự án trên thị trường hiện tại đã sử dụng sản phẩm này và đạt được chứng nhận vật liệu xanh.

“Những sản phẩm này vừa có ưu điểm đạt được năng suất cao, chi phí thi công thấp, ít hao hụt vật tư, từ đó tiết kiệm được các sản phẩm vật liệu truyền thông như cát, xi măng, tiết kiệm được nguồn nước”.
Khi được hỏi, liệu rằng chi phí vật liệu xanh sẽ cao hơn so với các vật liệu truyền thống, anh Khải Linh nhận định, sẽ có nhiều mức thay đổi về chi phí vật liệu xanh tuỳ vào từng mức độ chứng nhận của công trình, thế nhưng mặt bằng chung sẽ chỉ chiếm tầm 10% tổng thể công trình. Và việc chi phí tăng cao sẽ liên quan tới nhiều vấn đề khác chứ không chỉ là vật liệu xanh.

“Chúng tôi đã thực hiện khá nhiều công trình và khi đi vào hoạt động, đã tiết kiệm được nhiều chi phí cho khách hàng. Không ít các công trình tiết kiệm tới gần 50% lượng nước sử dụng, 30% khí thải carbon hay 70% chi phí xử lý chất thải. Việc sử dụng các nguyên liệu xanh, bền vững sẽ góp phần bảo vệ được môi trường, tăng tuổi thọ của công trình”, KTS Khải Linh nói.

Thế nhưng bài toán làm sao để có thể đồng bộ quy hoạch là điều nên đặt ra đầu tiên

Sự sống còn của quy hoạch đô thị

Đô thị hoá ngày càng tăng và việc con người dịch chuyển vào đô thị ngày càng nhiều. Theo dự báo, tới năm 2050, sẽ có hơn 70% dân số sống tại các đô thị. Điều này sẽ phát sinh rất nhiều các nhu cầu về chỗ ăn, ở cũng như nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng, năng lượng tăng. Thế nhưng thị trường xây dựng đang dần dịch chuyển sang sử dụng các giải pháp xanh bền vững, giảm thiểu CO2. Điều này chính là sự sống còn của quy hoạch đô thị. Các chuyên gia cũng đã “hiến kế” về việc lựa chọn phương án phù hợp thay vì thiết kế theo các quy trình cũ, cần phải bổ sung thêm các đầu mục xanh về năng lượng, công bố cũng như giảm tác động đến môi trường…

Các chuyên gia đều cho rằng, công trình xanh chính là xu hướng tất yếu của quy hoạch đô thị tương lai. Rất nhiều người mua nhà đều đang quan tâm tới các yếu tố bền vững trong công trình. Cùng với đó, các vấn đề như tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, trách nhiệm đối với xã hội của chủ đầu tư cũng đang dần trở thành tiêu chí để lựa chọn căn hộ.

Cần có những chính sách nhằm đồng bộ để có thể hướng tới một tương lai xanh

“Đây được xem là một trong những giai đoạn vàng để ngành xây dựng, bất động sản phát triển các công trình bền vững, xanh hoá nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ngoài việc các chính sách, giải pháp của Chính phủ trong việc đẩy nhanh các giải pháp, việc đồng bộ hoá các giai đoạn trong xây dựng, quy hoạch đô thị để vật liệu xanh cần phải trở thành quy định bắt buộc”, KTS Khải Linh nói.
 

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/giai-bai-toan-quy-hoach-do-thi-lua-chon-vat-lieu-xanh-66.html