16 năm mới hoàn thành một nửa, lần gia hạn thứ 7 liệu có xong trục đường phía Nam Hà Nội

Dự án đường trục phía Nam thuộc Hà Tây (cũ) lập kỷ lục chậm trễ với 16 năm thi công và 7 lần gia hạn nhưng vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Dự án đường trục phía Nam thuộc tỉnh Hà Tây (cũ) với tổng chiều dài 41,5km, kết nối từ trung tâm sầm uất Hà Đông (đường Phúc La - Văn Phú) đến vùng ven trù phú Phú Xuyên (cầu Giẽ - Châu Can). Tuyến đường rộng 40m gồm 6 làn xe hứa hẹn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các quận huyện đi qua.

Với tổng mức đầu tư lên đến 6.000 tỉ đồng, dự án được triển khai thành hai kỳ. Nguồn vốn dự án được huy động chủ yếu từ quỹ đất của ba khu đô thị trọng điểm: Thanh Hà A - B (lần lượt là 195,5ha và 193,22ha) và Mỹ Hưng (182ha).

Dự án trục đường phía Nam cần 16 năm để hoàn thành được 50% tiến độ (Ảnh: Báo Đại đoàn kết).

Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 giữ vai trò nhà đầu tư, cùng với sự đồng hành của công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 cam kết sẽ hoàn thành dự án.

Tuy nhiên, kể từ khi khởi công vào năm 2008, dự án đường trục phía Nam như một câu đố chưa có lời giải. Dự kiến ban đầu chỉ trong 6 năm, tuyến đường sẽ hoàn thiện. Thế nhưng, thực tế lại cho thấy "kịch bản" hoàn toàn khác. Giai đoạn 1 với chiều dài 19,9km khiến dân phải chờ đợi tận 10 năm - năm 2018 mới được thông xe. Giai đoạn 2 (21,6km) vẫn đang trong thời gian gia hạn để giải phóng mặt bằng.

aa
Tình trạng tại nút giao đường trục phía Nam Hà Tây (cũ) và Vành đai 4 vùng Thủ đô đoạn qua huyện Thanh Oai, Hà Nội (Ảnh: Hữu Chánh - Báo Lao động).

Tháng 4/2024, lãnh đạo huyện Phú Xuyên từng thông báo sẽ cương quyết cưỡng chế đối với một số hộ dân để bàn giao mặt bằng thi công tuyến đường trục Nam. Đây là vị trí cuối cùng nằm trong phạm vi kéo dài 8,9km của dự án. Tuy nhiên, cho tới nay, việc giải quyết chi phí bồi thường để người dân di dời vẫn chưa nhận được câu trả lời chính đáng. Do đó mà dự án xây dựng đường trục phía Nam mới âm ỉ cho tới nay.

Dự án chưa hoàn thiện, nhưng thời hạn hợp đồng kết thúc vào ngày 30/6/2024 theo Phụ lục số 07. Sở GTVT đề xuất UBND TP Hà Nội sớm phê duyệt việc ký phụ lục hợp đồng mới để đảm bảo tính pháp lý liên tục cho dự án, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và các hạng mục thi công còn lại. Việc trì hoãn có thể dẫn đến gián đoạn công trình, gây lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng đến tiến độ phát triển đô thị.

Dự án chậm tiến độ gây ảnh hưởng tới giao thông đô thị. (Ảnh: Báo Giao thông).

Cơ quan chức năng cũng kiến nghị TP. Hà Nội giao nhiệm vụ cho các huyện Phú Xuyên và Ứng Hòa khẩn trương tháo gỡ mọi khó khăn liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng để kịp tiến độ bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư, đảm bảo các dự án đi vào hoạt động đúng kế hoạch trong quý III năm nay.

Việc giải quyết dứt điểm các vướng mắc giải phóng mặt bằng không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, đồng thời nâng cao đời sống của người dân. 

Việc gia hạn thêm một lần nữa chỉ là giải pháp tình thế khi mà dự án này đã "treo" 16 năm ròng rã. Để tránh tình trạng "đìu hiu" kéo dài, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng hoàn tất thủ tục phê duyệt điều chỉnh dự án. Đây là bước đi quyết định để dự án sớm được triển khai trở lại, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

Hoàng Ngân

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/can-16-nam-de-hoan-thanh-mot-nua-lan-gia-han-thu-7-lieu-co-xong-truc-duong-phia-nam-6605.html