Ngày 21/9, tham dự Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần 3, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, tỷ lệ thừa cân và béo phì tại Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng dù đã có nhiều khuyến cáo. Nguyên nhân chính đến từ việc người dân chưa biết cách ăn uống và tập luyện phù hợp. Cụ thể hơn, không ít người dân vẫn chưa thực hành dinh dưỡng một cách khoa học và chưa chú trọng đến việc rèn luyện thể dục thể thao.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, khi mức sống của người dân ngày càng được cải thiện, chúng ta không còn phải lo lắng về việc ăn đủ no mà thay vào đó phải lo ăn uống vừa đủ và lành mạnh. Dù có nhiều lời cảnh báo về nguy cơ thừa cân, béo phì, tỷ lệ này vẫn tăng cao.
Dữ liệu từ các cuộc tổng điều tra dinh dưỡng năm 2010 và 2020 cho thấy, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thừa cân, béo phì tăng từ 5,6% năm 2010 lên 11% năm 2020. Ở trẻ từ 5 - 19 tuổi, tỷ lệ này tăng từ 8,5% lên 19% và ở người trưởng thành, tăng từ 12% lên 19,6%.
Tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ tăng gấp đôi trong 10 năm rất đáng báo động. Có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em như việc giảm thời gian ngủ, ít vận động, chế độ dinh dưỡng kém chất lượng, yếu tố di truyền, và việc bà mẹ bị béo phì trước khi sinh.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho rằng, vấn đề quan trọng là cần thay đổi lối sống và môi trường sống, phải có các chính sách thích hợp nhằm tạo ra không gian để trẻ em có thể tham gia các hoạt động thể dục thể thao. Bên cạnh đó, cần tập trung tuyên truyền để thay đổi dần thói quen sinh hoạt trong mỗi gia đình, giúp tạo ra môi trường sống lành mạnh hơn cho trẻ em.
Việc thay đổi lối sống, chế độ ăn uống và tăng cường hoạt động thể chất là nền tảng trong việc điều trị thừa cân, béo phì. Điều này cần tăng cường tuyên truyền thường xuyên bởi nhiều gia đình Việt vẫn duy trì quan niệm rằng "nuôi con phải tròn trịa, đầy đặn mới là khỏe mạnh". Từ đó dẫn đến việc trẻ được ăn quá nhiều so với nhu cầu thực tế.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ em bị béo phì tại khu vực nội thành TP. HCM đã vượt quá 50%, trong khi tại Hà Nội con số này cũng đã vượt ngưỡng 41%. TS.BS. Lưu Thị Mỹ Thục - Trưởng khoa Dinh dưỡng Lâm sàng, tiết chế tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hậu quả của thừa cân, béo phì thường không dễ nhận ra ngay, nhưng lại không thể coi thường.
Khi trẻ bị béo phì mắc các bệnh như tiêu chảy, viêm phổi,... tình trạng bệnh thường có xu hướng nặng hơn và thời gian điều trị cũng kéo dài hơn. Về mặt tâm lý, từ 8 tuổi trở lên, khi đã bắt đầu nhận thức về hình thể, trẻ thừa cân dễ tự ti và gặp khó khăn trong việc giao tiếp. Nhiều chuyên gia cảnh báo, trẻ béo phì tiềm ẩn nguy cơ trầm cảm cao.
Mặc dù nhiều phụ huynh hiện đã ý thức được những tác động tiêu cực của thừa cân, béo phì, họ vẫn còn chủ quan và ít khi chủ động theo dõi cân nặng của trẻ định kỳ. Kết quả điều tra từ Viện Dinh dưỡng cho thấy, có tới 53% phụ huynh không biết con mình bị thừa cân hoặc đánh giá tình trạng thấp hơn thực tế. Theo bác sĩ Thục, nhiều phụ huynh chỉ đưa con đến bác sĩ khi trẻ đau chân, đau xương hoặc lo lắng về chiều cao. Lúc thăm khám, bác sĩ mới phát hiện trẻ bị thừa cân, béo phì.
Bác sĩ Thục chia sẻ, trong xã hội phát triển ngày nay, nhiều cha mẹ mong muốn cung cấp cho con dinh dưỡng tốt để phát triển trí não và chiều cao, nhưng lại không cân đối được khẩu phần. Xu hướng cho trẻ ăn quá nhiều, cùng với thói quen lười vận động, ăn nhiều thức ăn nhanh, uống nước ngọt công nghiệp,… là những yếu tố làm gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em.
Các chuyên gia khuyến cáo rằng, để giúp trẻ phát triển một cách cân đối, phụ huynh cần theo dõi tiến trình tăng trưởng của con qua biểu đồ phát triển và các thước đo tiêu chuẩn. Khi trẻ có dấu hiệu vượt ngưỡng cân nặng, cha mẹ cần lưu ý và không nên xem nhẹ các dấu hiệu thừa cân.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/ty-le-thua-can-beo-phi-cua-tre-em-viet-nam-tang-gap-doi-trong-10-nam-6697.html