Ban Quản lý vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết, từ ngày 10 - 21/9, đã có hơn 40.000 lượt khách tới tham quan vịnh. Đáng chú ý, chiếm tới 90% lượng khách là người nước ngoài. Để công tác đón khách được chu đáo, ngay sau khi cơn bão số 3 qua đi, Ban Quản lý vịnh đã cùng các đơn vị, doanh nghiệp đã khẩn trương dọn dẹp, trang bị các thiết bị, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn cho du khách.
Tuy nhiên, những ngày qua, người dân và du khách phản ánh, trên vùng biển vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh) lại ken đặc phao xốp, phao nhựa, bè tre, cột gỗ… Đây chủ yếu là những phế liệu, dụng cụ được dùng để phục vụ nuôi trồng thủy sản của ngư dân. Sau bão số 3, hàng nghìn tấn rác thải như thế này lênh đênh trên biển, rồi trôi dạt vào vùng vịnh Hạ Long, mắc lại quanh các núi đá, bờ cát, uy hiếp môi trường di sản thiên nhiên thế giới.
Điều đáng nói, trong vùng lõi Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long không có khu vực nuôi trồng thủy sản, các điểm bán hàng đều sử dụng vật dụng thân thiện với môi trường, thế nhưng lượng phao xốp, bè gỗ, chai nhựa, túi ni lông… liên tục trôi vào.
Theo Ban Quản lý vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), tại các điểm tham quan, đơn vị đã thu gom gần 70 bè tre, hàng trăm khối rác thải các loại như cành, lá cây, phao xốp, rác thải sinh hoạt… Tuy nhiên, việc thu gom rác vẫn bằng phương pháp thủ công nên "sức người có hạn". Trong khi đó, riêng vùng lõi vịnh Hạ Long đã rộng hơn 300km, nếu tiếp tục thu gom bằng phương pháp hiện nay thì không thể hết được.
Đại diện Ban Quản lý vịnh cho biết thêm, ngay sau bão, một chiến dịch làm sạch vịnh Hạ Long đã diễn ra từ ngày 15/9 đến hết ngày 17/9, nhằm giảm bớt rác thải gây mất mỹ quan, khôi phục cảnh quan. Thời gian tới, Ban Quản lý vịnh Hạ Long sẽ tiếp tục phối hợp cùng địa phương, đơn vị liên quan thu gom rác thải trên biển trôi dạt vào các điểm tham quan gây phản cảm đối với du khách.
Vào năm 2023, vịnh Hạ Long cũng xuất hiện tình trạng hàng triệu tấm phao xốp trôi nổi trên mặt nước. Đây là các tấm phao xốp được vứt bỏ vô tội vạ sau khi chính quyền địa phương yêu cầu các nhà bè chuyển đổi từ phao xốp sang phao nhựa. Thay vì thu gom mang đi bỏ, ngư dân thả trôi luôn trên biển. Sau sự việc, vịnh Hạ Long đã để lại ấn tượng xấu với du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Phải mất rất nhiều công sức, tiền bạc thì lượng rác thải trên mới cơ bản được dọn sạch.
Sau bão Yagi, số lượng rác thải còn gấp rất nhiều lần, khi hàng nghìn hộ nuôi thủy sản trắng tay. Thêm một lần nữa, Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long lại đối mặt với thảm họa môi trường mới.
Việc phải thu dọn số lượng rác thải khổng lồ trên biển sau bão số 3 là một thách thức rất lớn đối với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh lúc này. Chính quyền Quảng Ninh cần có biện pháp xử lý kịp thời để tránh thiệt hại chồng thiệt hại.
Nhiều ngư dân cho biết, hàng chục năm qua chưa từng có thiên tai nào khủng khiếp như sau bão số 3 vừa qua. Thống kê sơ bộ của tỉnh Quảng Ninh, bão số 3 đã gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho ngư dân địa phương này. Cơ nghiệp là bè nuôi trồng thủy sản hàng trăm tỉ đồng, hay tàu thuyền đánh cá chỉ trong phút chốc bị đánh chìm, cuốn trôi vào đại dương.
Toàn huyện Vân Đồn có khoảng 3.470 ha, trong đó có đến 4.850 ô nuôi cá lồng bè đã bị cuốn trôi. Ước tính thiệt hại của ngư dân Vân Đồn khoảng trên 2.200 tỷ đồng. Huyện Vân Đồn còn thiệt hại 318 nhà bè và gần 90 tàu thuyền các loại bị đắm, vỡ.
Trong khi đó, TP. Cẩm Phả ước tính có 158/371 cơ sở nuôi trồng thủy sản với hàng trăm tỷ đồng bị thiệt hại do bão. Đại diện UBND TP. Cẩm Phả cho biết, bão Yagi đã cuốn trôi hàng nghìn quả phao nhựa, ngư dân đang phải ra biển để thu gom.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/hang-nghin-tan-rac-thai-lenh-denh-tren-mat-nuoc-uy-hiep-moi-truong-vinh-ha-long-6722.html