Lãi suất huy động từ nay đến cuối năm đã "hết cửa” giảm?

Các chuyên gia cho rằng, từ nay cho đến cuối năm, các ngân hàng sẽ cho vay mạnh hơn bởi tăng trưởng tín dụng vẫn đang chậm hơn nhiều so với dự báo khi gần 9 tháng mới đạt 7%. Điều này đồng nghĩa với việc đợt giảm lãi suất tiền gửi kéo dài từ tháng 3/2023 hiện đã kết thúc.

Nối tiếp đà tăng trong tháng 8, kể từ đầu tháng 9 đến nay đã có 11 ngân hàng tăng lãi suất huy động với mức tăng 0,1 – 0,7% tùy từng kỳ hạn. Làn sóng tăng lãi suất huy động bắt đầu từ tháng 4 năm nay. Thời điểm đó, lãi suất cao nhất hệ thống cho kỳ hạn 12 tháng chỉ quanh mức 5%/năm, trong khi con số này ở hiện tại là 6,2%/năm.

Lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng

Theo báo cáo triển vọng vĩ mô vừa công bố của Công ty chứng khoán KBSV, đơn vị phân tích này kỳ vọng mức lãi suất huy động sẽ tăng thêm 0,5% từ nay đến cuối năm. Cụ thể, KBSV cho biết, thanh khoản hệ thống được hỗ trợ sau khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơn ròng trên kênh thị trường mở, chủ yếu do lượng lớn tín phiếu đáo hạn nhưng hoạt động chào bán đã tạm ngưng kể từ phiên giao dịch ngày 26/8 cho đến nay.

Tính đến ngày 6/9, NHNN đã bơm ròng hơn 52.800 tỷ đồng vào hệ thống, lãi suất trên thị trường mở cũng có sự điều chỉnh. Theo đó, từ ngày 5/8, lãi suất kênh cầm cố giấy tờ có giá và tín phiếu giảm 25 điểm cơ bản từ 4,5% xuống 4,25%.

lai-suat-huy-dong-1-1727163111.jpg
Việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng thời gian qua đến từ việc cần vốn để đẩy mạnh hoạt động tín dụng từ nay đến cuối năm và vấn đề nợ xấu

Động thái này giúp mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng xuống mức thấp hơn. Hiện, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn dưới 1 tháng doa động trong biên độ 4 – 4,9% trong tháng 8, thấp hơn khoảng 0,1 – 0,3% so với tháng 7 và có xu hướng giảm về cuối tháng.

Trên thị trường, lãi suất huy động đã tăng 0,6% tại kỳ hạn 6 tháng, 0,4 – 0,61% kỳ hạn 12 tháng kể từ vùng đáy tháng 4. Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh ngoại trừ Agribank điều chỉnh 0,2 – 0,3% thì những đơn vị còn lại chưa điều chỉnh.

Tại nhóm ngân hàng thương mại lớn, kỳ hợn 6 tháng đã ghi nhận tăng thêm 0,6% và 0,4% ở kỳ hạn 12 tháng; nhóm thương mại vừa và nhỏ có mức tăng đáng kể hơn, khoảng 0,6%  cho cả 2 kỳ hạn này.

Vừa qua, NHNN cũng đã đưa ra thông báo điều chỉnh hạn mức tín dụng cho các ngân hàng đã hoàn thành 80% chỉ tiêu tín dụng được cấp đầu năm. KBSV dự phóng lãi suất huy động sẽ tăng 0,3 – 0,5% trong những tháng còn lại của năm 2024 do thanh khoản hệ thống được hỗ trợ từ những động thái của NHNN, áp lực tỷ giá suy giảm.

Thời kỳ tiền rẻ kết thúc

Trước những diễn biến nay, Công ty quản lý quỹ VinaCapital nhận định, đợt giảm lãi suất tiền gửi kéo dài từ tháng 3/2023 hiện đã kết thúc. Mức lãi cao hơn sẽ khuyến khích các ngân hàng thương mại nắm giữ tiền đồng, hạn chế giao dịch chênh lệch lãi suất (các ngân hàng vay tiền đồng với lãi suất thấp và chuyển tiền đó thành tiền gửi USD với lãi suất cao).

Đồng quan điểm, WiGroup cho biết, điểm tích cực trong động thái tăng lãi suất huy động là mặt bằng chung của lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn ở tất cả các nhóm ngân hàng thương mại tiếp tục duy trì ở mức thấp. Điều này cho thấy thanh khoản ngân hàng thương mại vẫn ở mức dồi dào.

lai-suat-huy-dong-1727163151.jpg
Điểm tích cực trong động thái tăng lãi suất huy động là mặt bằng chung của lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn, ở tất cả các nhóm ngân hàng thương mại tiếp tục duy trì ở mức thấp

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, từ nay cho đến cuối năm, các ngân hàng sẽ cho vay mạnh hơn bởi tăng trưởng tín dụng vẫn đang chậm hơn nhiều so với dự báo, cách khá xa mục tiêu cả năm khi gần 9 tháng mới đạt 7% (kế hoạch 15%).

Trong khi đó, mục tiêu này càng xa vời khi bên cạnh những biến số từ thế giới, tình hình kinh tế trong nước còn đang chịu tác động bởi trận bão Yagi vừa qua. Do vậy, dưới áp lực lợi nhuận, từ nay đến cuối năm, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh cho vay khiến nhu cầu huy động vốn tăng lên. Và để huy động được các ngân hàng phải tăng lãi suất.

Bên cạnh đó, trong 8 tháng đầu năm, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và ngoại bảng đã ghi nhận mức hơn 6%. Tuy nhiên, con số này dự kiến sẽ tăng mạnh hơn bởi sau cơn bão Yagi, rất nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp tại miền Bắc bị phá hủy, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất khả năng trả nợ.

TS. Nguyễn Trí Hiếu dự báo, nợ xấu sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, khiến dòng tiền của ngân hàng tắc nghẽn, để trả tiền cho khách hàng khi đến hạn, các ngân hàng lại phải huy động vốn nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt.

 

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/lai-suat-tien-gui-khong-con-cua-giam-6757.html