Thực trạng đáng lo ngại
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam, tỷ lệ người dân sử dụng thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe với mục đích phòng ngừa bệnh tật đang gia tăng nhanh chóng, đạt khoảng 80% dân số.
Để bán sản phẩm, không ít đơn vị đã thổi phồng công dụng của các sản phẩm thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe như “thần dược”. Không ít người nổi tiếng cũng tham gia quảng các cho những sản phẩm này.
Thực tế thời gian qua, các cơ quan chức năng đã xử lý không ít trường hợp vi phạm luật quảng cáo, bao gồm việc sai lệch về công dụng và quảng cáo các sản phẩm chưa được công bố. Có thể kể đến như, MC và diễn viên Cát Tường đã từng quảng cáo một loại viên sủi như “thần dược có thể giúp tăng kích cỡ vòng một cho các bạn trẻ và phụ nữ sau sinh. Cô tuyên bố rằng việc sử dụng một ngày hai viên sẽ giúp vòng một nở nang, săn chắc và ngăn ngừa ung thư vú cũng như ung thư cổ tử cung.
Hay NSƯT Trịnh Kim Chi cũng từng quảng cáo viên sủi này rằng sau 10 ngày sử dụng, cô cảm thấy ngực hơi căng và sau khoảng hai tháng, kích cỡ ngực tăng lên. Cô còn giới thiệu sản phẩm một sản phẩm sâm nhung tố nữ với những lời có cánh như giúp cải thiện da, làm da trắng sáng, xóa mờ các vết chân chim, đồi mồi, nám và sạm da, đồng thời cải thiện tình trạng sinh lý.
Hiện nay, mạng xã hội phát triển, những người nổi tiếng tham gia quảng cáo bán hàng ngoài ca sĩ, diễn viên, MC thì còn có KOL (người có ảnh hưởng trong một số lĩnh vực như công nghệ, ẩm thực…).
Thực trạng quảng cáo quá mức khiến giới chuyên môn không khỏi lo ngại. TS.BS Tăng Hà Nam Anh - Chủ tịch Hội Nội soi và Thay khớp Việt Nam chia sẻ, thực phẩm chức năng thường được cho là ít tác dụng phụ, nhưng vẫn cần có sự kiểm soát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý về nguồn gốc và thành phần của sản phẩm.
Ngay cả những loại thuốc có nguồn gốc từ thảo dược hay thuốc dân tộc cũng cần được cơ quan quản lý dược phẩm kiểm định kỹ lưỡng. Hiện nay, không ít sản phẩm thực phẩm chức năng và các bài thuốc dân gian bị trộn lẫn với thuốc Tây như corticoid để đạt hiệu quả giảm đau, đặc biệt trong điều trị các bệnh về cơ xương khớp.
Theo bác sĩ Nam Anh, nhiều bệnh nhân bị biến chứng do tự ý sử dụng những sản phẩm bị trộn như vậy, dẫn đến hội chứng Cushing với các triệu chứng như mặt tròn, da mỏng dễ xuất huyết, loãng xương, teo cơ, đặc biệt ở hai chân, gây khó khăn trong đi lại và suy giảm chức năng tuyến thượng thận. Thậm chí, có bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng vì sử dụng các loại thuốc có trộn tân dược.
Ông cảnh báo, bệnh tật và thuốc men liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Chỉ có bác sĩ, dược sĩ được Nhà nước cấp chứng chỉ hành nghề mới có đủ kiến thức để khám và kê đơn thuốc điều trị. Với những lời quảng cáo hoa mỹ từ nghệ sĩ hay KOL, người dân không thể tin tưởng vì họ không có chuyên môn y khoa. Việc tin theo có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, người có tên tuổi thường nhận được sự quan tâm và yêu mến từ cộng đồng. Việc họ sử dụng hình ảnh của mình để quảng cáo sản phẩm là một cách kiếm tiền chính đáng. Tuy nhiên, khi những quảng cáo này "đi quá xa" và thổi phồng công dụng thực tế của sản phẩm, không chỉ làm giảm uy tín của nghệ sĩ mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng.
Siết chặt quy định người nổi tiếng quảng cáo
Liên quan đến vấn đề này, sáng 24/9, trong phiên họp lần thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, dự án luật bổ sung quy định về trách nhiệm của người có ảnh hưởng khi tham gia quảng cáo.
Theo đó, dự thảo luật quy định rằng, bên cạnh các nghĩa vụ hiện có, người nổi tiếng khi quảng cáo sản phẩm phải tuân thủ các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời chịu trách nhiệm về tính năng và chất lượng sản phẩm dịch vụ mà họ quảng cáo. Ngoài ra, họ cũng phải tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế khi phát sinh thu nhập từ hoạt động quảng cáo theo quy định của pháp luật.
Người có ảnh hưởng khi thực hiện quảng cáo cũng cần thông báo rõ ràng cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện hoạt động quảng cáo. Đặc biệt, khi chia sẻ cảm nhận và đánh giá về các sản phẩm như mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe hay thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội, họ phải là người đã trực tiếp sử dụng các sản phẩm đó.
Ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, quảng cáo không đúng sự thật, quá đà làm người tiêu dùng cảm thấy bị lừa dối, hiện đang rất phổ biến. Do đó, cần có biện pháp ngăn chặn việc này. Ông đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước để tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau. Đồng thời, ông kêu gọi cần lập lại trật tự trong lĩnh vực quảng cáo.
Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng "thổi phồng" quá mức trong quảng cáo hiện nay. Ông cho rằng, trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp sản phẩm cũng cần được làm rõ, vì các quảng cáo phần lớn dựa trên thông tin do doanh nghiệp cung cấp.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Công tác đại biểu cho rằng, hiện nay có nhiều hình thức quảng cáo đa dạng, bao gồm cả việc người nổi tiếng đi ăn, đánh giá quán ăn. Bà đề nghị cần có quy định quản lý chặt chẽ các hình thức này.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nguoi-noi-tieng-phai-chiu-trach-nhiem-ve-chat-luong-san-pham-minh-quang-cao-6771.html