Những ngày gần đây, mạng xã hội đang xôn xao câu chuyện của chị T.V (Bắc Giang) bị chuyển nhầm 35 triệu đồng vào thẻ tín dụng của một người đã từng giao dịch trước đây, có lưu lại tài khoản trong ứng dụng ngân hàng do trùng tên với tài khoản nhận.
Người nhận có thể bị xử lý hình sự
Điều đáng nói, tài khoản của người được chuyển nhầm lại đang mắc nợ xấu, dẫn đến tình trạng ngân hàng tự động trừ tiền để thanh toán nợ. Chị T.V liên hệ với chủ thẻ nhưng anh không có khả năng trả lại và cho rằng không có trách nhiệm vì anh không sử dụng số tiền đó.
Theo đó, chị đã báo cơ quan chức năng nhưng công an cũng xác định người nhận không vi phạm pháp luật, vì không cố ý chiếm đoạt tiền. Trong khi đó, ngân hàng cũng cho biết không thể hỗ trợ vì số tiền đã được gạch nợ theo quy định, các cá nhân tự giải quyết.
Tương tự, một năm trước, một phụ nữ ở Đà Nẵng đã chuyển nhầm 3 tỷ vào tài khoản có dư nợ, khiến ngân hàng tự động trích 963 triệu để trả nợ quá hạn. Sau nhiều lần khiếu nại, người nhận mới trả lại hơn 2 tỷ, nhưng phần còn lại gần 963 triệu vẫn chưa được hoàn trả.
Nêu quan điểm về vấn đến này, luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc công ty luật ANVI cho biết, ngân hàng có quyền tự trích tiền từ tài khoản khách hàng để thu nợ, dựa trên thỏa thuận với chủ tài khoản và quy định pháp luật.
Cụ thể, ngân hàng có quyền "chủ động trích nợ tài khoản thanh toán của khách hàng" theo thỏa thuận bằng văn bản với chủ tài khoản, nhằm chi trả các khoản thanh toán thường xuyên, thu nợ đến hạn, quá hạn và các chi phí phát sinh, như quy định tại Thông tư số 17/2024/TT-NHNN. Theo đó, ngân hàng chỉ phải trả lại số tiền nếu có phán quyết của Tòa án.
Cũng theo luật sư Trương Thanh Đức, sai sót của người chuyển tiền trong trường hợp này là do "nhầm lẫn và vô ý mất tiền". Tuy nhiên, người nhận tiền cần có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền đã được chuyển nhầm vì đã vô tình được hưởng lợi từ việc thanh toán khoản nợ quá hạn cho ngân hàng.
Nếu người nhận không hoàn trả, không hợp tác để giải quyết có thể bị coi là vi phạm pháp luật dù không cố ý. Người chuyển tiền có quyền khởi kiện ra tòa án bởi dù không còn trong tài khoản người nhận nhưng về bản chất vẫn bị xem như “chiếm giữ” tài sản.
Nếu người nhận có khả năng hoàn trả mà cố tình không làm, có thể bị phạt hành chính từ 3-5 triệu đồng và buộc phải trả lại tiền. Trong trường hợp nghiêm trọng, người nhận còn có thể bị xử phạt hình sự nếu cố tình không trả lại tài sản trị giá từ 10 triệu đến dưới 200 triệu đồng.
Cần thêm biện pháp hỗ trợ từ cơ quan chức năng
Thực tế, việc người nhận phải chuyển trả lại số tiền cho người chuyển dù không cố ý chiếm đoạt vừa thể hiện trách nhiệm và sự công bằng trong giao dịch. Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm tra thông tin tài khoản trước khi chuyển tiền.
Đồng tình, luật sư Trương Thanh Đức cũng khuyến nghị, để tránh những tình huống rủi ro khi chuyển tiền, người chuyển cần hết sức cẩn trọng, nếu không muốn gặp phải khó khăn và thiệt hại tài chính. Về phía người nhận, cũng có thể gặp rắc rối và phiền hà, khác với việc nhặt được tài sản vô chủ, bởi đây là số tiền có nguồn gốc rõ ràng.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, với sự phát triển của công nghệ và các hình thức thanh toán, rủi ro cũng gia tăng. Ngoài việc khách hàng cần cẩn trọng, cơ quan chức năng nên có biện pháp hỗ trợ khách hàng trong trường hợp chuyển nhầm để giúp họ lấy lại tiền.
Chia sẻ kinh nghiệm của các ngân hàng tại Mỹ, ông Hiếu cho biết, quy trình xử lý khi khách hàng chuyển nhầm tiền diễn ra rất nhanh, thường chỉ mất 2 – 3 ngày. Người chuyển nhầm sẽ thông báo cho ngân hàng nơi mở tài khoản để tiến hành đòi lại tiền. Nếu người nhận bất ngờ nhận được khoản tiền lạ cũng sẽ thông báo cho ngân hàng của mình để hoàn trả.
Cũng theo ông Hiếu, các ngân hàng tại Mỹ có bộ phận chuyên xử lý những trường hợp này thuộc lĩnh vực thanh toán, không phải trách nhiệm của các chi nhánh. Nếu người nhận không hoàn trả, người chuyển nhầm có thể nộp đơn kiện tòa án, và với chứng cứ đầy đủ, vụ việc sẽ được xử lý nhanh chóng. Nếu người nhận sử dụng số tiền này, họ có thể bị truy tố hình sự.
Ngược lại, quy trình ở Việt Nam thường bắt đầu bằng việc báo công an, sau đó mới tiến hành kiện ra tòa. Do tốn nhiều thời gian và công sức, những người chuyển nhầm khoản tiền nhỏ thường chọn cách chịu mất thay vì chờ đợi. Mỗi ngân hàng có cách xử lý khác nhau và thời gian giải quyết cũng không đồng nhất, đặc biệt trong tình trạng nhiều tài khoản ảo xuất hiện, khiến việc tìm chủ tài khoản trở nên khó khăn.
Tuệ Minh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/chuyen-tien-nham-vao-tai-khoan-bi-trich-no-tu-dong-nguoi-nhan-phai-co-trach-nhiem-hoan-tra-lai-tien-6793.html