Câu chuyện đánh thuế cao bất động sản thứ 2 hay không đang thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, nhà đầu tư và cả chuyên gia trong thời gian qua.
Thách thức vẫn chưa được giải quyết
Trong thời gian qua, hàng loạt động thái, chính sách tháo gỡ về pháp lý, khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản đã được cơ quan chức năng thực hiện.Như việc ban hành quy định liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng nhiều lần điều chỉnh hạ lãi suất cho vay, triển khai gói tín dụng ưu đãi…đặc biệt 3 bộ luật có hiệu lực từ 1/8 (trước 5 tháng so với dự kiến).
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách vẫn đang dừng ở giai đoạn “tiếp cận” và tháo gỡ mà chưa thực sự thâm nhập, giải quyết một cách triệt để trên diện rộng các khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn cung bất động sản.
Khảo sát của VARS với 500 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản cho thấy, có tới 57% doanh nghiệp cho biết các cơ chế, chính sách được ban hành từ đầu năm 2023 mới chỉ tác động ở mức độ bình thường. Điều quan trọng là tình hình nguồn cung, đặc biệt là các sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân trên thị trường chưa thực sự được giải quyết một cách triệt để.
Cùng với các vấn đề về pháp lý, nguồn vốn cũng là khó khăn dai dẳng, đeo bám nhiều doanh nghiệp bất động sản. Theo khảo sát, có tới hơn 70% doanh nghiệp cho biết các cơ chế, chính sách liên quan đến về nguồn vốn chưa thực sự tác động tới doanh nghiệp...
Đồng quan điểm, ông Võ Hồng Thắng – Giám đốc mảng dịch vụ tư vấn và phát triển dự án DKRA Group nhận định, những giải pháp mới đang ở giai đoạn “trấn an tinh thần”, chưa đủ lực trở thành đồn bẩy cho thị trường “bật dậy” trong ngắn hạn. Thực tế, thị trường bất động sản vẫn bị thách thức bởi nhiều vấn đề như sức cầu, lãi suất, nhất là cơ cấu nguồn cung.
Cũng theo ông Thắng, dù giai đoạn khó khăn nhất của thị trường đã đi qua nhưng để thị trường chuyển biến rõ rệt vẫn cần thêm thời gian, giải pháp cụ thể hơn nữa từ cơ quan chức năng, nhắm đúng vấn đề thị trường đang trông đợi.
Từ những tồn tại này, các chuyên gia nhận định, đề xuất đánh thuế và siết chặt tín dụng với ngôi nhà thứ 2 trở đi có thể gây nên những tác dụng ngược, khiến các doanh nghiệp "khó chồng khó".
Vấn đề trước mắt là phải giải quyết nguồn cung
Nêu quan điểm về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty luật ANVI cho rằng, việc đánh thuế tài sản, hay bất động sản đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, Việt Nam cũng cần phải theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, muốn đánh thuế đối với nhà trước hết cần rà soát các chính sách thuế đối với nhà và đất, để có cơ sở dữ liệu về sở hữu.
Cũng theo luật sư Trương Thanh Đức, phải khẳng định mục tiêu đánh thuế nhà và quyền sử dụng đất là để tăng thu ngân sách, còn để ngăn chặn đầu cơ là không đúng bản chất. Trong nền kinh tế thị trường, đầu cơ khiến thị trường sôi động hơn, quyết định cuối cùng vẫn nằm ở cung cầu và thị trường.
Tương tự, TS. Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cũng nhận định, cần tính toán đánh thuế có làm tăng giá nhà hay không, bất động sản là lĩnh vực rất phức tạp nên cần xem xét một cách toàn diện, thận trọng, tránh đưa ra thuế xa rời thực tế làm người dân thất vọng, không đáp ứng được mong đợi.
Ông Doanh cho rằng, muốn đánh được thuế tài sản trước mắt cần phải kiểm soát được giao dịch bất động sản. Đến bao giờ vẫn còn tình trạng sang tay nhà đất không qua ngân hàng, sàn giao dịch bất động sản…, việc đánh thuế tài sản là vô cùng khó khăn vì không thể chứng minh được họ có bao nhiêu tài sản để đánh thuế.
“Khi không thể biết được mỗi người có bao nhiêu bất động sản, việc đánh thuế chỉ làm méo mó hơn thị trường bất động sản, khiến nhà đất khan hiếm hàng hơn và người có thu nhập trung bình, dưới trung bình khó có cơ hội tiếp cận nhà ở”, ông Doanh nhận xét.
Đồng tình với quan điểm của các chuyên gia, TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nguyên Thường trực Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khẳng định, thị trường bất động sản vẫn đang gặp nhiều khó khăn khi nhu cầu về nhà ở của người dân còn rất lớn, nguồn cung nhà ở vẫn chưa đáp ứng đủ.
Trong khi quá trình cấp phép cho các dự án mới còn chậm chạp và phức tạp, các yếu tố về giá đất, các chi phí khác cũng đang có xu hướng tăng thì việc gánh thêm thuế sẽ hạn chế tình hình đầu cơ nhưng cũng sẽ làm giá nhà đất tăng lên, điều này càng đẩy giá nhà lên cao và làm trầm trọng thêm vấn đề tiếp cận nhà ở của người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.
Cũng theo ông Phước, việc đánh thuế bất động sản sẽ làm giảm động lực đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển chung, gây ra tâm lý lo ngại, kìm hãm đà phục hồi của thị trường. Bởi bất động sản không chỉ là kênh đầu tư mà còn nơi giữ giá trị tài sản của nhiều hộ gia đình.
“Bản chất, nguyên nhân chính khiến giá nhà tăng cao là do cung không đủ cầu. Theo quy luật thị trường, giá chỉ giảm khi cung lớn hơn cầu, nên thếu không phải là biện pháp căn cơ để giải quyết câu chuyện giá nhà. Việc cần làm lúc này là mở rộng nguồn cung và cải thiện môi trường đầu tư giúp cân bằng cung cầu, chứ không phải các chính sách thuế”, ông Phước kiến nghị.
Quang Đăng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tranh-cai-chuyen-danh-thue-bat-dong-san-de-chan-dau-co-6902.html