Báo động tình trạng tự ý điều trị bệnh tại nhà dẫn đến kháng thuốc kháng sinh tăng cao

Bác sĩ Trần Thị Vân Anh cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến kháng thuốc, nhưng chủ yếu nhất là việc mua bán và sử dụng kháng sinh quá dễ dãi trong cộng đồng. Nhiều người có thói quen tự ý sử dụng kháng sinh mà không cần thăm khám, thậm chí tái sử dụng đơn thuốc cũ.

Sử dụng thuốc không đúng cách

Vài năm trở lại đây, các chuyên gia y tế đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở nước ta. Kháng thuốc kháng sinh là hiện tượng vi khuẩn phát triển khả năng chống lại các loại thuốc mà trước đây có thể tiêu diệt hoặc ức chế chúng, khiến việc điều trị các bệnh nhiễm trùng trở nên khó khăn, tốn kém hơn.

Tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng nghiêm trọng khi tỷ lệ kháng thuốc tăng cao, trong khi hiệu quả của các loại kháng sinh lại giảm dần và các loại kháng sinh mới thì ngày càng khan hiếm. Điều này không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh mà còn đặt hệ thống y tế trước nhiều thách thức.

khang-sinh-1727787080.jpg
Người dân tự ý mua thuốc điều trị bệnh làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh

Tại Việt Nam, có nhiều loại vi khuẩn phổ biến và nguy hiểm với tỷ lệ kháng thuốc rất cao. Ví dụ, vi khuẩn E. coli, một loại vi khuẩn đường ruột, có tỷ lệ kháng thuốc lên đến 40%, và ở một số địa phương, con số này thậm chí còn đạt 70%, bao gồm cả việc kháng lại colistin, một trong những loại kháng sinh mạnh nhất hiện nay. Tương tự, vi khuẩn A. baumannii, nguyên nhân gây ra nhiễm khuẩn bệnh viện, có tỷ lệ kháng với hầu hết các loại kháng sinh lên tới hơn 90%.

Bác sĩ Trần Thị Vân Anh - Trưởng khoa Nội nhiễm Bệnh viện Thống Nhất (TP. HCM) cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến kháng thuốc, nhưng chủ yếu nhất là việc mua bán và sử dụng kháng sinh quá dễ dãi trong cộng đồng. Nhiều người có thói quen tự ý sử dụng kháng sinh mà không cần thăm khám, thậm chí tái sử dụng đơn thuốc cũ.

Bà Dư, sống tại Phúc Thọ, Hà Nội, là một ví dụ điển hình. Sau một thời gian dài tự mua thuốc tại hiệu thuốc để điều trị các triệu chứng như ho và sổ mũi, bệnh tình của bà không những không thuyên giảm mà còn trở nên nặng hơn. Khi đến bệnh viện để khám và xét nghiệm, bà cũng không biết mình đã dùng những loại thuốc gì. Bà chia sẻ, bà ra hiệu thuốc, kể bị ho với sổ mũi. Người bán không nói gì, chỉ lấy thuốc chia sẵn vào túi và bảo uống ngày 2 lần.

Tâm lý chủ quan và ngại đến các cơ sở y tế để thăm khám khiến nhiều người, khi gặp các triệu chứng như đau đầu, ho, sốt hay đau bụng, lựa chọn giải pháp nhanh chóng là ra hiệu thuốc để mua thuốc. Ngay cả những loại thuốc kháng sinh hoặc thuốc cần phải có đơn kê cũng dễ dàng mua được mà không qua bất kỳ kiểm soát nào.

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng - Phó trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhận định, việc bán kháng sinh không cần đơn tại các nhà thuốc rất phổ biến, nên người dân dễ dàng mua và tự ý sử dụng kháng sinh để trị các triệu chứng nhẹ như ho, sốt, sổ mũi...

Nhiều trường hợp viêm họng, nguyên nhân chủ yếu do vi rút không cần dùng kháng sinh, nhưng người dân vẫn lạm dụng, làm gia tăng hiện tượng kháng thuốc. Điều này buộc các bác sĩ phải thay đổi phác đồ điều trị, kể cả với những loại vi khuẩn từng có thể xử lý bằng kháng sinh thông thường.

PGS. Phan Quốc Hoàn từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho rằng, bản chất của tình trạng kháng kháng sinh là do việc sử dụng không đúng cách. Theo quy luật tiến hóa, vi khuẩn cần thời gian dài để đột biến và phát triển khả năng kháng thuốc, nhưng việc lạm dụng kháng sinh đã đẩy nhanh quá trình này, khiến thời gian kháng thuốc rút ngắn.

khang-sinh-1-1727787080.png
Bệnh nhân kháng thuốc kháng sinh sẽ dẫn đến chi phí điều trị tốn kém hơn

Điều trị tốn kém hơn

Chi phí điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh do vi khuẩn đa kháng thuốc rất cao, thậm chí nhiều bệnh nhân không có khả năng điều trị. TS.BS Phùng Mạnh Thắng - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM) cho biết, vi khuẩn sẽ thường xuyên biến đổi gene. Khi kháng sinh bị lạm dụng, chúng sẽ phát triển khả năng kháng lại thuốc. Với bệnh nhân đã kháng thuốc, chi phí điều trị cao hơn đáng kể vì phải sử dụng các loại kháng sinh mới và đắt tiền.

Trong khi đó, kháng sinh mới rất ít và nhiều loại chưa được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả, khiến việc điều trị trở nên tốn kém hơn. Thêm vào đó, các bác sĩ thường phải kết hợp nhiều loại kháng sinh và tăng liều lượng để có thể đạt được hiệu quả điều trị.

Một khảo sát gần đây tại Bệnh viện Chợ Rẫy trên 500 bệnh nhân cho thấy, chi phí trung bình cho một bệnh nhân nhiễm khuẩn do vi khuẩn đa kháng lên đến 250 triệu đồng, dù BHYT đã chi trả một phần. Nhiều bệnh nhân tử vong do kháng thuốc không phải là trường hợp hiếm. Ngay cả những bệnh nhân may mắn đáp ứng điều trị bằng cách tăng liều lượng kháng sinh cũng thường để lại di chứng nặng nề về thận, gan và phổi.

Theo bác sĩ Thân Mạnh Hùng, để giải quyết vấn đề kháng kháng sinh, cần phải kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng kháng sinh, bắt buộc có đơn thuốc của bác sĩ. Ông đề xuất rằng cần có sự phối hợp của tất cả các ban ngành liên quan, đồng thời cần áp dụng những chế tài đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng mua bán kháng sinh không cần đơn thuốc.

Còn PGS. Phan Quốc Hoàn nhấn mạnh, bên cạnh quy định từ ngành y tế, chính người bệnh cũng cần chủ động trong việc phòng tránh kháng kháng sinh. Việc sử dụng kháng sinh không nên bị lạm dụng như một loại thuốc thông thường và chỉ nên dùng khi có bằng chứng rõ ràng về nhiễm trùng. Trong một số trường hợp dự đoán nhiễm trùng nặng, có thể sử dụng kháng sinh dự phòng nhưng chỉ ở liều tối thiểu.

Ông cũng cảnh báo việc phải sử dụng kháng sinh đúng liệu trình. Nếu ngừng thuốc quá sớm, vi khuẩn có thể hồi sinh và phát triển sức đề kháng mạnh hơn. Ngược lại, nếu dùng quá lâu, vi khuẩn sẽ có cơ hội tìm cách kháng lại kháng sinh. Cả hai tình huống này đều cần tránh khi điều trị bằng kháng sinh.

Du Vũ

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/bao-dong-tinh-trang-tu-y-dieu-tri-benh-tai-nha-dan-den-khang-thuoc-khang-sinh-tang-cao-6944.html