Chiêu lừa đảo cập nhật sinh trắc học tái diễn, người dân cần cẩn trọng

Hiện vẫn còn nhiều người không thể cập nhật được sinh trắc học do chưa làm CCCD gắn chip thay cho CMND cũ hoặc điện thoại không có công nghệ cảm ứng NFC. Lợi dụng điều này, chiêu trò lừa đảo hỗ trợ xác nhận sinh trắc học lại tái diễn.

Chủ quan thành mất tiền oan

Anh Phan Văn Huy (quận Gò Vấp, TP. HCM) đã mất vài chục triệu đồng tiền lãi do chưa kịp xác nhận sinh trắc học tài khoản ngân hàng. Anh Huy kể, anh có hạn trả ngân hàng 1 tỷ đồng nhưng chỉ có 500 triệu đồng tiền mặt, nên phải vay thêm 500 triệu đồng từ dịch vụ bên ngoài. Lãi suất khoản vay này là 1%, tức 5 triệu đồng mỗi ngày.

Anh chấp nhận mức lãi cao với dự định chỉ chịu lãi trong vài ngày, dùng tiền vay để tất toán khoản cũ, rồi vay khoản mới từ ngân hàng để trả cho dịch vụ bên ngoài. Tuy nhiên, khi khoản vay ngân hàng được giải ngân, anh lại không thể chuyển tiền trả dịch vụ do hạn mức chuyển khoản chỉ 100 triệu đồng/ngày.

lua-dao-xac-nhan-1-1727864260.jpg
Nhiều người chủ quan không thực hiện xác nhận sinh trắc học sớm, dẫn đến bị gián đoạn giao dịch

Thời điểm đó lại rơi vào cuối tuần, anh phải chịu thêm 10 triệu đồng lãi trong 2 ngày để chờ đến thứ hai giải quyết tại ngân hàng. Tuy nhiên, khi anh Huy đến ngân hàng vào thứ 2, thì vẫn không thể rút tiền mặt hay nâng hạn mức chuyển khoản do tài khoản chưa xác thực định danh.

Lúc này, anh Huy rất bất ngờ vì 2 tuần trước đó, anh đã nhờ nhân viên một chi nhánh ngân hàng cập nhật thông tin căn cước công dân (CCCD) lên hệ thống để xác thực sinh trắc học. Anh được giải thích, các thông tin này vẫn chưa được tải lên hệ thống. Anh phải mất thêm nửa ngày ở ngân hàng, mới hoàn thành các yêu cầu để có thể tiếp tục giao dịch.

Tương tự, chị Nguyễn Ngọc Châu (quận Bình Tân, TP. HCM) có 40 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng nhưng không thể chuyển hết do chưa xác thực sinh trắc học. Mặc dù đã tự xác thực nhiều lần qua ứng dụng ngân hàng, hệ thống vẫn báo "dữ liệu cập nhật chưa chính xác". Khi đến ngân hàng, chị được giải thích rằng do chị chưa cập nhật CCCD gắn chip thay cho chứng minh nhân dân cũ, dẫn đến trục trặc. Chị đề nghị được chuyển tiền hoặc rút tiền mặt để xử lý công việc gấp, nhưng nhân viên ngân hàng yêu cầu chờ cập nhật CCCD xong.

Thực tế ghi nhận, hiện vẫn còn nhiều người không thể cập nhật được sinh trắc học do chưa cập nhật CCCD gắn chip thay cho CMND cũ hoặc điện thoại không có công nghệ cảm ứng NFC. Để khách hàng không bị động trong khi giao dịch, một số ngân hàng cho phép khách hàng gọi video call đến bộ phận hỗ trợ để được giúp chuyển đổi thông tin, sau đó cập nhật sinh trắc học.

Tái diễn lừa đảo cài đặt sinh trắc học

Theo Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước, tính đến giữa tháng 8/2024, đã có khoảng 38 triệu tài khoản ngân hàng được thu thập dữ liệu sinh trắc học, trong đó có gần 4 triệu ví điện tử. Việc đăng ký sinh trắc học đã giúp giảm đáng kể tình trạng lừa đảo và gian lận trực tuyến, nhận được sự ủng hộ từ khách hàng. Tuy nhiên, các chiêu thức lừa đảo vẫn tiếp tục xuất hiện dưới hình thức giả mạo nhân viên ngân hàng.

lua-dao-xac-nhan-1727864260.jpg
Hiện nay vẫn có nhiều người chưa thể thực hiện xác nhận sinh trắc học do chưa cập nhật CCCD gắn chip

Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, sau gần 3 tháng triển khai, trung bình ghi nhận khoảng 25 triệu giao dịch/ngày. So với lượng giao dịch trung bình trước thời điểm thực hiện xác nhận sinh trắc học là gần như không thay đổi. Hầu hết khách hàng thực hiện các giao dịch trên 10 triệu đồng/lần hoặc tổng giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày đều đã được đăng ký thông tin sinh trắc học để kiểm tra, xác thực lại chính chủ của tài khoản, ví, thẻ khi thực hiện giao dịch.

Nhưng thời gian gần đây, lợi dụng nhiều khách hàng chưa thể thực hiện thu thập sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng, các đối tượng lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ để “hỗ trợ” cài đặt, rồi thực hiện chiếm đoạt tài sản, thông tin. Cách thức lừa đảo được các đối tượng thực hiện qua các mạng xã hội Zalo, Facebook… để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học. Ngoài ra, đối tượng lừa đảo còn yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, khuôn mặt để được hỗ trợ.

Thủ đoạn chính là đối tượng có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ; đề nghị người dân truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại. Sau khi lấy được thông tin của nạn nhân, các đối tượng tiến hành chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng và sử dụng thông tin của khách hàng vào các mục đích xấu.

Ông Vũ Ngọc Sơn - Trưởng ban Nghiên cứu và Tư vấn của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho rằng, việc xác thực sinh trắc học giúp hạn chế các tài khoản giả mạo trung gian. Nếu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo, tiền vẫn có thể được lấy lại vì đối tượng lừa đảo không thể tiếp tục chuyển tiền.

Tuy nhiên, vẫn còn nguy cơ các đối tượng lừa đảo thuê người khác lập tài khoản và thực hiện chuyển tiền cho chúng. Do đó, cần tăng cường tuyên truyền để người dân nhận diện các hình thức lừa đảo, cũng như giáo dục pháp luật để không tiếp tay cho các hành vi trái phép như cho thuê tài khoản hoặc chuyển tiền thuê.

Một chuyên gia an ninh mạng cảnh báo, dù có áp dụng sinh trắc học, các chiêu trò lừa đảo vẫn có thể dụ dỗ người dân tự nguyện chuyển khoản, làm cho việc phòng ngừa trở nên khó khăn.

Vân Thanh

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nguoi-dan-canh-giac-voi-chieu-lua-dao-cap-nhat-sinh-trac-hoc-lai-tai-dien-6963.html