Chỉ còn chưa tới nửa tháng nữa là Tết nên chị Mai (Đống Đa, Hà Nội) vội vàng đi tìm chỗ đổi tiền mới. Những năm trước, bạn chị làm kế toán trưởng của một công ty, chị nhờ bạn đổi tiền mới được. Tuy nhiên, năm nay bạn chị cho biết tiền mới khan hiếm, không đổi giúp chị được.
Chưa từng đổi tiền mới qua trung gian, chị Mai khá bất ngờ vì không nghĩ tỷ lệ chênh lệch tiền cũ – tiền mới nhiều như thế. Với mệnh giá 10.000 đồng, chênh lệch giá đổi 1 triệu là 70.000 đồng, tương đương 7%. Mệnh giá 20.000 đồng có mức phí cao hơn là 10%. Tuy nhiên, người đổi tiền cho chị Mai biết nếu là hàng lướt thì phí chỉ còn 5%. Mệnh giá 50.000 đồng mới nguyên sê-ri phí đổi 7%, mới 99% còn 5%.
Chị Mai chỉ cần đổi tiền mới để mừng tuổi nhưng nhiều người khác còn có nhu cầu đổi tiền mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng. Tham khảo nhiều nơi đổi tiền, mức phí dao động trong khoảng 3,5% - 7%, tương đương 35.000 đồng – 70.000 đồng cho 1 triệu.
Trà My đang làm việc tại một ngân hàng. Cô chia sẻ, cứ đến Tết cô lại nhận được rất nhiều tin nhắn của người quen nhờ đổi tiền mặt. Ở ngân hàng chỗ My làm, mỗi nhân viên được đổi miễn phí từ 50 triệu – 100 triệu đồng. Nếu nhân viên có nhu cầu đổi nhiều hơn thì phải thỏa thuận mua lại từ đồng nghiệp. My chỉ đổi tiền giúp không lấy phí nên cô thường chỉ đổi hết suất của mình.
Một nhân viên ngân hàng lớn ở Hà Nội cũng chia sẻ, đồng nghiệp của chị thường đổi tiền mới miễn phí cho người thân và khách hàng thân thiết. Hầu hết nhân viên ngân hàng đều sử dụng tối đa suất đổi của mình. Cũng có một số ít người làm dịch vụ đổi tiền, nhưng rất kín kẽ vì sợ mang tiếng.
Phong tục lì xì đầu năm khiến nhu cầu đổi tiền mới dịp Tết rất cao. Nhưng năm nay, tiền mới và tiền lẻ khan hiếm hoi khiến tỷ giá chênh lệch có phần cao hơn hẳn nhiều năm trước. Kinh tế năm nay cũng khó khăn nên nhiều người đã chuyển hướng từ tiền mới sang tiền kỷ niệm. Thu Anh (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, năm nay cô đã chuyển từ đổi tiền mới sang mua tiền nước ngoài in hình rồng để lì xì. Cô đặt mua 40 tờ tiền nước ngoài in hình rồng với giá 10.000 - 30.000 đồng một tờ.
Chị Thanh Hà (Long Biên, Hà Nội) cũng đặt mua tiền nước ngoài in hình rồng để lì xì Tết. Chị chia sẻ, nhà chị đông con cháu, lì xì tiền mệnh giá cao thì không đủ khả năng mà thấp quá thì bị nói keo kiệt. Đầu năm như vậy cũng không vui. Thế nên chị chọn mua các tờ tiền kỷ niệm in hình con giáp, vừa đẹp, độc, lạ, còn có ý nghĩa.
Anh Vương Chính (37 tuổi, chủ một cửa hàng chuyên cung cấp tiền kỷ niệm, tiền xưa, tiền xu tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, càng về cuối năm, nhu cầu mua tiền kỷ niệm lì xì càng tăng. Khách mua hàng chủ yếu chọn tiền không có giá trị lưu thông trên thị trường, tiền kỷ niệm phát hành đúng dịp Tết của các nước hoặc tiền xu mạ vàng.
Anh Chính chia sẻ, lý do tiền in hình con giáp hút khách dịp cuối năm là do thiết kế đẹp, đa dạng màu sắc, gửi gắm mong ước may mắn, bình an cho năm mới, đặc biệt giá cả đa dạng phù hợp với mọi túi tiền. Hiện trung bình mỗi ngày cửa hàng của anh Chính nhận gần 100 đơn đặt mua tiền in hình rồng.
Theo Thông tư số 25/2013 ngày 2/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chỉ Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh, sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước mới có chức năng thu đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông.
Còn Theo Nghị định 88/2019 ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, bất kỳ hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch, đổi tiền thu lời đều là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt từ 20 đến 40 triệu đồng. Mức phạt trên áp dụng với cá nhân, còn với tổ chức sẽ tăng nặng gấp 2 lần.
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/ty-gia-doi-tien-moi-cao-nhieu-nguoi-chuyen-sang-mua-tien-ky-niem-698.html