"Bất động" 20 năm, dự án trên "đất vàng" TP. Thanh Hóa khiến 86 hộ dân lao đao

Suốt 20 năm qua, gần 100 hộ dân trú tại phường Đông Hương (TP. Thanh Hóa) phải sống trong cảnh tạm bợ, “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”. Nguyên nhân là do tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu đô thị mới Bắc đại lộ Lê Lợi nhưng không bố trí quỹ đất tái định cư.

86 hộ dân không được di dời

Dự án Khu đô thị mới Bắc đại lộ Lê Lợi được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2004. Dự án do Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh làm chủ đầu tư theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng. Cụ thể dự án thực hiện theo phương thức sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Tây Bắc ga Thanh Hóa. Diện tích có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án là 172.936m2, giá đất 1.025.119 đồng/m2, tương đương số tiền gần 177,3 tỷ đồng.

Khu đô thị này có quy mô hơn 47ha bao gồm: đất xây dựng nhà ở (đất chia lô, nhà liền kề, chung cư, nhà vườn); đất công trình công cộng (nhà trẻ, đất thương mại dịch vụ); đất trồng cây xanh, sân thể thao; đất làm đường giao thông…

Theo quy hoạch, có 445 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Trong đó có 292 hộ có đất nông nghiệp, 84 hộ ảnh hưởng đất thổ cư (sau này có 2 hộ tách khẩu thành 86 hộ - PV) và 69 hộ có mồ mả.

du-an-khu-do-thi-o-thanh-hoa-1727927591.jpg
Khu vực 86 hộ dân của TP. Thanh Hóa (khoanh đỏ) chưa được di dời (Ảnh: Lê Dương - Vietnamnet)

Đáng chú ý, trong quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án của UBND tỉnh Thanh Hóa lại không bố trí đất tái định cư. Việc giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho chủ đầu tư thực hiện thuộc trách nhiệm của TP. Thanh Hóa.

Sau đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã điều chỉnh quỹ đất tái định cư 2 lần. Lần đầu tiên là năm 2012, bổ sung 3.400m2 đất tương ứng 35 lô phục vụ tái định cư cho một số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Lần thứ 2, vào năm 2021, Thanh Hóa quyết định điều chỉnh, tăng lên 210 lô nhằm giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư. Cụ thể, điều chỉnh một phần đất cây xanh, thể dục thể thao và bãi xe thành 12.000m2 đất ở tái định cư tương đương 186 lô; một số lô đất thuộc quỹ đất tái định cư trước đó được điều chỉnh, sắp xếp lại từ 35 lô lên 42 lô.

Mặc dù đã qua 2 lần điều chỉnh nhưng thời điểm hiện tại, Thanh Hóa vẫn chưa bố trí đất tái định cư, khiến 86 hộ dân  thuộc Tổ dân phố Quang Trung (phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa) không được di dời và phải chịu cảnh sống tạm bợ, nhà cửa xuống cấp, dột nát.

Những người dân sống trong vùng quy hoạch dự án cho biết, họ bất đắc dĩ dơi vào cảnh “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”, nhà cửa xuống cấp, hư hỏng nặng nhưng không được xây mới hoặc sửa chữa, muốn chuyển đi chỗ khác sinh sống nhưng không có tiền.

Nguyện vọng của các hộ dân là sớm được di dời, tái định cư. Nếu không thì chính quyền phải làm sổ đỏ để họ ổn định cuộc sống.

Chủ tịch UBND phường Đông Hương – ông Lê Văn Lục cho biết, lãnh đạo địa phương cũng rất trăn trở đối với các hộ dân sống trong vùng quy hoạch. Theo quy định không thể cấp sổ đỏ cho người dân vì đang trong thời gian triển khai quy hoạch. Hiện phường đang phối hợp với TP. Thanh Hóa tập trung giải quyết trong thời gian sớm nhất để người dân sớm ổn định cuộc sống.

177d4101913t77372l0-1727927960.jpg
Ngôi nhà của một hộ dân ở tổ dân phố Quang Trung, phường Đông Hương đã bị xuống cấp nhưng không được sửa chữa (Ảnh: Ngân Hà - Báo Thanh Hóa)

Lãnh đạo TP. Thanh Hóa thông tin, 86 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đều thuộc khu dân cư cũ, có nguồn gốc hình thành thửa đất từ những năm 1980. Đến nay nhà ở, các công trình phục vụ đời sống của người dân đã xuống cấp. Hệ thống thoát nước mưa, nước thải thấp hơn hạ tầng xung quanh nên cũng bị ảnh hưởng.

Việc dự án Khu đô thị mới Bắc đại lộ Lê Lợi chậm tiến độ, kéo dài đã gây ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân. Vị này cho hay sẽ báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.

20 năm mòn mỏi chờ tái định cư

Được biết hiện nay, Khu đô thị mới Bắc đại lộ Lê Lợi đã được nhà đầu tư hoàn thiện cơ bản hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đạt 80% khối lượng. Từ nhiều năm trước, mặt bằng dự án đã được chủ đầu tư chia lô bán, các hộ dân cũng đã xây nhà ở.

Còn lại hơn 30.000m2 đất vẫn chưa giải phóng mặt bằng với 86 hộ, chi phí giải phóng mặt bằng dự kiến khoảng 173 tỷ đồng.

Như đã thông tin, năm 2004, tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty Bình Minh nhưng không bố trí quỹ đất tái định cư. Dù đã 2 lần điều chỉnh nhưng Sở TN&MT khi ấy cho rằng đất tái định cư theo quy định phải do Nhà nước thực hiện, nên giữa các bên chưa có sự thống nhất.

tai-dinh-cu-1727928085.jpg
Hầu hết các ngôi nhà nằm trong vùng dự án đều đã xuống cấp, hư hỏng khó có thể sửa chữa (Ảnh: Lê Dương - Vietnamnet)

Đại diện chủ đầu tư cho hay, ngày 15/12/2023, Công ty Bình Minh họp với UBND TP. Thanh Hóa và thống nhất giao lại 15.700m2 đất cho thành phố đầu tư xây dựng khu tái định cư để di dời số hộ dân bị ảnh hưởng trong phạm vi dự án.

Phần diện tích đất xây dựng tái định cư nằm trong tổng thể đất dự án đã được chủ đầu tư chi tiền giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Nhưng đến nay UBND tỉnh Thanh Hóa chưa có văn bản phê duyệt cơ chế tài chính, hoàn trả lại kinh phí cho chủ đầu tư. Phía chủ đầu tư nhiều lần có văn bản gửi tỉnh về vấn đề này nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Theo thông tin từ Vietnamnet, lãnh đạo TP. Thanh Hóa thừa nhận, chủ đầu tư đã đồng ý giao toàn bộ quỹ đất tái định cư cho thành phố. Nhưng tỉnh Thanh Hóa chưa có quyết định hoàn trả tài chính cho chủ đầu tư nên TP. Thanh Hóa chưa có cơ sở để tiếp nhận.

Vị này đề xuất, trước mắt UBND tỉnh và TP. Thanh Hóa nên khoanh vùng vị trí các nhà dân bị ảnh hưởng, cho phép họ được sửa chữa, nâng cấp nhà ở. Khi nào tỉnh và chủ đầu tư thống nhất phương án thì tiếp tục triển khai dự án.

Được biết, sau nhiều năm phản ánh và chờ đợi, giữa tháng 9/2024, tỉnh Thanh Hoá đã có văn bản giao UBND TP. Thanh Hoá phối hợp với các đơn vị liên quan và chủ đầu tư khẩn trương thực hiện nhiệm vụ liên quan đến tiếp nhận, quản lý sử dụng đối với quỹ đất trên. 

Hà Lan

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/bat-dong-20-nam-du-an-tren-dat-vang-tp-thanh-hoa-khien-86-ho-dan-lao-dao-6983.html