TP. HCM: Siết hoạt động thu đổi ngoại tệ tại các ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM đã có văn bản gửi đến các ngân hàng thương mại nhằm tăng cường công tác quản lý các điểm đổi ngoại tê, hạn chế hiện tượng mua bán tự do, ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ.

Theo đó, NHNN TP.HCM yêu cầu các tổ chức tín dụng ủy quyền, ký hợp đồng đại lý với doanh nghiệp có điểm thu đổi ngoại tệ, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động này theo quy định pháp luật. Như vậy, toàn bộ lượng ngoại tệ thu đổi từ khách hàng và người dân sẽ được bán lại cho tổ chức tín dụng theo hợp đồng và quy định pháp luật.

Quản lý chặt chẽ hoạt động thu đổi ngoại tệ

Do đó, NHNN TP.HCM yêu cầu các ngân hàng có bàn thu đổi ngoại tệ phải đánh giá toàn diện về địa điểm đặt bàn, đảm bảo tuân thủ quy định, điều kiện về vị trí, quy mô và khả năng hoạt động thực tế. Các ngân hàng cũng phải đặt ra các chỉ tiêu về doanh số và tăng trưởng từng năm, đảm bảo hiệu quả hoạt động, phục vụ đúng nhu cầu của du khách nước ngoài và người dân, đồng thời tuân thủ quy định pháp luật.

Điều này nhằm ngăn chặn việc lợi dụng hoạt động thu đổi ngoại tệ để giao dịch, mua bán ngoại tệ tự do, vi phạm pháp luật và gây khó khăn cho quản lý nhà nước. Các ngân hàng phải báo cáo định kỳ trước ngày 10 hàng tháng về kết quả kiểm tra hoạt động thu đổi ngoại tệ cho NHNN.

Theo quy định hiện hành, các đại lý thu đổi ngoại tệ chỉ được phép mua ngoại tệ tiền mặt từ cá nhân nhưng không được phép bán lại USD cho người dân. Chỉ có các đại lý tại khu cách ly ở các cửa khẩu quốc tế mới được phép trao đổi ngoại tệ tiền mặt với người mang hộ chiếu nước ngoài khi xuất cảnh.

mua-ban-ngoai-te-1727930695.jpg

NHNN TP. HCM yêu cầu các tổ chức tín dụng ủy quyền, ký hợp đồng đại lý với doanh nghiệp có điểm thu đổi ngoại tệ

Đối với người dân, ngân hàng chỉ được bán ngoại tệ cho các mục đích hợp pháp như học tập, công tác, du lịch, thăm viếng, trả phí và lệ phí cho nước ngoài, trợ cấp thân nhân, chuyển tiền thừa kế, định cư nước ngoài hoặc các nhu cầu hợp pháp khác, và phải có giấy tờ chứng minh.
NHNN TP.HCM cũng yêu cầu hệ thống các tổ chức tín dụng và phòng giao dịch tăng cường thông tin, lập bảng thông báo về hoạt động thu đổi ngoại tệ tại địa điểm hoạt động, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thu đổi ngoại tệ theo đúng quy định. NHNN còn yêu cầu các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối triển khai quy định này trên toàn mạng lưới.

Các biện pháp này nhằm đảm bảo công tác quản lý ngoại hối trên địa bàn, đảm bảo thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định, đồng thời hạn chế việc mua bán ngoại tệ tự do, gây ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ và hiệu quả chính sách kinh tế.

Tháng 4 vừa qua, NHNN chi nhánh TP.HCM đã khuyến cáo người dân không nên mua bán ngoại tệ tại thị trường tự do mà phải thực hiện "đúng nơi, đúng chỗ". Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc mua ngoại tệ tại các ngân hàng không dễ dàng. Ngược lại, khi giá USD tự do cao hơn so với giá tại ngân hàng, người dân có xu hướng bán ở thị trường tự do để được giá cao hơn.

Cần thêm nhiều biện pháp kiểm soát

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho biết theo quy định, những người đi du lịch, công tác hoặc xuất khẩu lao động được phép mua ngoại tệ tại ngân hàng trước 2 ngày xuất cảnh. Tổng lượng ngoại tệ một cá nhân có thể mua không quá 5.000 USD hoặc tương đương trong khoảng thời gian lưu trú 10 ngày ở nước ngoài.

Tuy nhiên, có một số người đã lợi dụng quy định này bằng cách thuê người mua ngoại tệ tại nhiều ngân hàng cùng lúc, tạo thành đường dây mua bán USD hưởng chênh lệch, gây ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành tỷ giá của NHNN.

mua-ban-ngoai-te-1-1727930734.jpg
Chỉ các đại lý đổi ngoại tệ đặt tại khu cách ly ở các cửa khẩu quốc tế mới được trao đổi ngoại tệ tiền mặt cho người mang hộ chiếu nước ngoài khi xuất cảnh theo quy định

Trên mạng xã hội, không khó để tìm thấy các hội nhóm "mua bán ngoại tệ" với thông tin tìm người mua hộ ngoại tệ, mức phí từ 700.000 - 1,5 triệu đồng/ngày. Người được thuê chỉ cần đến ngân hàng, xuất trình hộ chiếu, căn cước công dân và ký vào chứng từ do ngân hàng cung cấp theo chỉ dẫn của người thuê.

Ngoài ra, thông tin rao bán ngoại tệ giá “chợ đen” cũng xuất hiện khá nhiều. Thậm chí, có người tự xưng là nhân viên ngân hàng và tuyên bố luôn có sẵn ngoại tệ để bán cho khách.

Ông Thịnh khẳng định việc mua bán ngoại tệ hộ là hành vi trục lợi. Vì vậy, các chuyên gia kinh tế đã nhiều lần đề xuất với NHNN quy định đóng dấu vào hộ chiếu khi thực hiện giao dịch mua bán ngoại tệ, nhằm hạn chế tình trạng một người mua ngoại tệ tại nhiều ngân hàng.

Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống liên kết thông tin giữa các ngân hàng, để khi một cá nhân mua ngoại tệ, thông tin sẽ được hiển thị trên hệ thống, ngăn chặn việc mua tại nhiều ngân hàng khác nhau.

Về mặt pháp lý, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, thuê người mua ngoại tệ là vi phạm pháp luật. Theo quy định, việc mua ngoại tệ phải do chính người có nhu cầu hoặc người đại diện hợp pháp thực hiện, nếu nhờ người khác mua hộ phải có giấy tờ chứng minh mục đích hợp pháp. Nếu thuê người mua với mục đích hưởng chênh lệch, đây sẽ bị xem là hành vi cấm đối với cả hai bên.

Thực tế, dù việc mua hộ ngoại tệ gây ra nhiều hệ lụy cho thị trường ngoại hối, nhưng các giao dịch trên mạng và ngoài đời thực vẫn diễn ra sôi động. Do vậy, luật sư Trương Thanh Đức đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm có các biện pháp mạnh tay để ngăn chặn các giao dịch trục lợi, ổn định thị trường và tránh những biến động về tỷ giá ngoại tệ.

Tuệ Minh

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tp-hcm-siet-hoat-dong-thu-doi-ngoai-te-tai-cac-ngan-hang-6986.html