Hà Nội: Tìm giải pháp bố trí lại dân cư vùng "rốn lũ" ngoại thành

Chương Mỹ nằm trong lưu vực sông Tích, sông Bùi, có rất nhiều vùng trũng so với mặt sông, dẫn đến cứ mưa là ngập úng. Để hạn chế tình trạng này, giải pháp trước mắt được thành phố thực hiện là cho kè hai bên bờ sông Tích trên khu vực huyện Ba Vì. Còn lâu dài, thành phố sẽ báo cáo Chính phủ để nghiên cứu việc sắp xếp lại cư dân khu vực này.

UBND thành phố Hà Nội đã có báo cáo về ảnh hưởng, thiệt hại sau cơn bão số 3. Theo đó, hoàn lưu siêu bão Yagi đã gây nên tình trạng ngập lụt tại nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội. Về thiệt hại tài sản, toàn thành phố có trên 100.000 cây bị gẫy, đổ (gồm cả cây đô thị và các loại cây khác); hàng chục nghìn hecta lúa bị ngập, đổ. Hơn 9.000 hecta cây ăn quả, 4.000 hecta thuỷ sản bị ảnh hưởng; trên 3.000 con gia súc và trên 600.000 con gia cầm bị chết, thất lạc… Bên cạnh đó, đã xảy ra 41 sự cố công trình đê điều và khoảng 150 sự cố công trình thủy lợi...

Ngay sau bão số 3, UBND TP. Hà Nội đã ban hành các quyết định bổ sung có mục tiêu cho các quận, huyện, sở ngành thực hiện công tác khắc phục thiệt hại trên địa bàn, số tiền 220,87 tỷ đồng.

to-chuc-lai-dan-cu-1-1728016545.jpg
Xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ trong đợt ngập lụt tháng 9 vừa qua (Ảnh: Trọng Phú/PLO)

Ngoài ra, tình trạng ngập úng còn khiến 78.000 người phải sơ tán, di dời đến nơi an toàn. Tính đến ngày 30/9, mới có gần 75.000 người được trở về nhà. Hiện vẫn còn hơn 3.000 người dân ở huyện Chương Mỹ đi sơ tán chưa thể về nhà. Đây là huyện có địa hình nhiều vùng trũng thấp nên hễ mưa to là ngập úng.

Tại cuộc họp báo do UBND TP. Hà Nội tổ chức chiều 3/10, ông Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trả lời về giải pháp khắc phục tình trạng ngập lụt kéo dài tại huyện Chương Mỹ.

Ông Nguyễn Đình Hoa cho biết, Chương Mỹ là một trong những địa phương nằm trong lưu vực sông Tích, sông Bùi, có rất nhiều vùng trũng so với mặt sông. Thậm chí, một số làng xã ven sông của huyện Chương Mỹ còn thấp hơn so với mặt sông tới 8m. Người dân định cư, sinh sống đã nhiều đời ở các khu vực này. Mỗi lần có lũ từ mạn Hoà Bình, Ba Vì về khiến nước sông dâng cao là gây ngập úng, ảnh hưởng đến đời sống bà con nhân dân, gây thiệt hại cho mùa màng, chăn nuôi…

Năm nay, nhiều xã ở huyện Chương Mỹ đã 2 lần chịu ngập lụt lớn. Lần gần đây nhất là do ảnh hưởng từ cơn bão số 3. Để hạn chế tình trạng ngập lụt ở đây, giải pháp trước mắt được thành phố thực hiện là cho kè hai bên bờ sông Tích trên khu vực huyện Ba Vì.

Về lâu dài, thành phố sẽ báo cáo Chính phủ để nghiên cứu việc tái bố trí dân cư và đầu tư nâng cấp hệ thống đê điều nhằm đáp ứng các tiêu chí quy hoạch. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng nghiên cứu các giải pháp khác bao gồm nạo vét, giải tỏa vật cản để đảm bảo thoát lũ, xây dựng hệ thống quan trắc cảnh báo lũ sớm và hợp tác với các tỉnh lân cận dọc sông Đáy, sông Bùi, sông Tích.

to-chuc-lai-dan-cu-1728016545.jpg
Ông Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội

Ông Nguyễn Đình Hoa nhấn mạnh, tất cả những khó khăn trên, thành phố đã cập nhật báo cáo với Chính phủ. Đây là một trong các quy hoạch phòng chống lụt bão TP. Hà Nội, được tích hợp trong quy hoạch vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn 2050; hoà trong quy hoạch Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn tới năm 2065. Khi Chính phủ phê duyệt, sẽ tích hợp với phòng chống lũ lụt trên các địa bàn, gồm cả huyện Chương Mỹ, từ đó quan tâm đầu tư, hạn chế tối đa nhất ảnh hưởng đời sống người dân khu vực lũ.

Ngoài Chương Mỹ, các huyện nằm trong lưu vực sông Tích, sông Bùi như Ba Vì, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sơn Tây, Mỹ Đức cũng có nhiều vùng trũng. Để giải quyết tình trạng ngập lụt ở các địa phương này, Hà Nội đang phải đưa ra một loạt các giải pháp. Hiện thành phố đã hoàn thành 2 bản quy hoạch lớn và chờ được phê duyệt. Ông Phạm Quốc Tuyến - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc cho hay, Hà Nội vẫn đang trình cấp có thẩm quyền về Quy hoạch Thủ đô, trong đó có phần tích hợp của phương án chi tiết phòng, chống lũ của các tuyến sông trên địa bàn để có cơ sở triển khai giai đoạn tới.

Du Vũ

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/ha-noi-tim-giai-phap-bo-tri-lai-dan-cu-vung-ron-lu-ngoai-thanh-7011.html