Ngày 4/10, đại diện Phòng CSGT (PC08) Công an TP. HCM đã đưa ra cảnh báo về việc không chấp hành đèn tín hiệu giao thông dẫn đến nhiều vụ tai gây thiệt hại về tài sản và tính mạng đối với người tham gia giao thông.
Như vào ngày 21/9, anh N.V.T. (29 tuổi, quê Lâm Đồng) chạy xe đầu kéo trên quốc lộ 1, hướng từ đường Võ Thị Thừa về đường Vườn Lài. Khi đến giao lộ Vườn Lài (phường An Phú Đông, quận 12), anh T. đã vượt đèn vàng, tông vào xe máy do bà B.T.Y (60 tuổi, quận Bình Tân) điều khiển. Bà Y. được đưa đi cấp cứu, nhưng đã tử vong.
Trước đó, khoảng 4h30 ngày 15/3, Đ.T.V (quê Đồng Nai, sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TP. HCM) chạy xe máy chở N.L.C (19 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu) trên đường Đinh Tiên Hoàng, khi đến ngã tư giao với Nguyễn Đình Chiểu (phường Đa Kao, quận 1) thì vượt đèn đỏ, tông trực diện đầu ô tô khách 47 chỗ. Vụ va chạm khiến xe máy văng hàng chục mét vào lề đường, anh V. và chị C. tử vong tại chỗ...
Khuya ngày 20/1, anh V.V.H (37 tuổi, tài xế xe ôm công nghệ) chở khách lưu thông ở làn đường hỗn hợp trên đường Trường Chinh (quận 12). Khi tới giao lộ ngã ba Đông Quang - hẻm 222 Trường Chinh, anh H. vượt đèn đỏ, rẽ trái để quay đầu về hướng vòng xoay An Sương, dẫn đến tai nạn với một xe ô tô tải. Vụ tai nạn khiến vị khách ngồi sau xe anh H. tử vong tại chỗ.
Theo PC08, các vụ tai nạn này cho thấy, chỉ vì muốn tranh thủ vài giây cho bản thân, một số người vẫn bất chấp vượt đèn đỏ và đèn vàng. Chính sự thiếu ý thức này, cùng với việc chủ quan và không tập trung khi lái xe, đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, gây thương vong cho cả bản thân người lái xe và những người khác tham gia giao thông.
Phòng CSGT Công an TP.HCM cho biết, trong trường hợp không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông dẫn đến tai nạn gây chết người, thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên, hoặc gây thương tích cho một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên, người gây tai nạn sẽ bị khởi tố. Nếu có hai người trở lên bị thương, tổng tỷ lệ tổn thương của họ từ 61% đến 121%, thì cũng sẽ chịu trách nhiệm hình sự.
Đối với các chủ doanh nghiệp và chủ phương tiện, tùy thuộc vào mức độ vi phạm liên quan đến phương tiện gây tai nạn, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc phải bồi thường thiệt hại theo quy định. Hành động chủ động bồi thường thiệt hại về tài sản và sức khỏe cho nạn nhân không chỉ thể hiện tinh thần hối lỗi, mà còn là một yếu tố giảm nhẹ hình phạt.
Ngoài ra, để nâng cao an toàn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông, Phòng CSGT khuyến cáo người dân giảm tốc độ khi tiếp cận các giao lộ, chú ý quan sát và tuân thủ hiệu lệnh đèn tín hiệu. Khi đèn xanh còn 1-2 giây và sắp chuyển sang vàng hoặc đỏ, người điều khiển phương tiện cần giảm tốc và dừng lại trước vạch dừng, nhằm tránh tình trạng phanh gấp gây tai nạn.
Khi dừng chờ đèn vàng hoặc đỏ, người dân phải dừng đúng làn đường quy định để không cản trở dòng xe khác. Theo quy định, hành vi không tuân thủ hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt hành chính từ 4-6 triệu đồng, kèm theo việc tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng đối với người điều khiển ô tô.
Với xe mô tô và các phương tiện tương tự, mức phạt sẽ từ 800.000 đến 1 triệu đồng, cùng với hình phạt tước giấy phép lái xe 1-3 tháng. Người điều khiển máy kéo hoặc xe máy chuyên dụng có thể bị phạt từ 2-3 triệu đồng, còn đối với xe thô sơ khác, mức phạt sẽ từ 100.000 đến 200.000 đồng.
Vũ Dũng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/cong-an-canh-bao-ve-tinh-trang-tai-nan-nghiem-trong-do-vuot-den-giao-thong-7020.html