Ảnh hưởng thể chất và tinh thần
Ngày 4/10, Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế Công cộng (Trường Đại học Y Hà Nội) đã tổ chức hội thảo "Mạng xã hội và sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên tại Việt Nam". Tham dự hội thảo, các chuyên gia đều khẳng định mạng xã hội ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống cá nhân và xã hội, đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu niên.
Theo thống kê, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ người dùng internet và mạng xã hội. Nước ta hiện có hơn 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, chiếm 73% dân số.
Khảo sát của UNICEF năm 2022 cho thấy, 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12 - 13 sử dụng internet hàng ngày, còn ở lứa tuổi 14 - 15 là 93%. Còn theo thống kê từ Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, thời gian trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội là 5 - 7 giờ mỗi ngày. Con số này không chỉ thể hiện mức độ phụ thuộc vào công nghệ mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về các tác động tiêu cực đối với sức khỏe tâm thần và thể chất của trẻ.
Câu chuyện về Minh Anh (học sinh lớp 8, ở quận Đống Đa, Hà Nội) là ví dụ điển hình cho tình trạng này. Minh Anh sớm tiếp xúc với mạng xã hội thông qua điện thoại thông minh mà cha mẹ mua cho em từ năm 10 tuổi. Ban đầu, Minh Anh chỉ sử dụng để nhắn tin với bạn bè và xem những video giải trí trên YouTube.
Nhưng 2 năm gần đây, việc sử dụng mạng xã hội đã trở thành một thói quen không thể thiếu hàng ngày của Minh Anh. Cô bé chia sẻ, mỗi ngày em dành khoảng 5 - 6 tiếng để lướt TikTok, Instagram và Facebook. Đặc biệt, em thường xuyên thức khuya để đọc tin và tương tác với bạn bè, dẫn đến tình trạng mất ngủ kéo dài.
Ban đầu, bố mẹ cô bé cũng không phát hiện vấn đề cho tới khi kết quả học tập giảm sút rõ rệt, và em cũng thường xuyên cảm thấy lo lắng, căng thẳng mà không rõ lý do. Gia đình càng rất lo lắng hơn khi thấy Minh Anh không còn hứng thú với các hoạt động ngoại khóa hay thể thao như trước kia. Thay vào đó, em dành phần lớn thời gian để chìm đắm vào thế giới ảo.
Tình trạng của Minh Anh không phải là trường hợp hiếm. Các chuyên gia tại hội thảo "Mạng xã hội và sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên tại Việt Nam" cảnh báo, các nền tảng mạng xã hội hiện nay được thiết kế để gây nghiện, đặc biệt với thanh thiếu niên, dẫn đến hàng loạt vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu, và mất ngủ.
Một nghiên cứu của Tổ chức Z&Alpha cũng cho thấy, mạng xã hội sử dụng các thuật toán phức tạp nhằm tối đa hóa thời gian sử dụng khiến người dùng, nhất là trẻ em, dễ rơi vào vòng xoáy của sự tương tác liên tục và không thể thoát ra. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc học tập mà còn tác động sâu sắc đến sự phát triển não bộ của trẻ, đặc biệt trẻ dưới 13 tuổi - giai đoạn mà não bộ vẫn đang hoàn thiện.
Làm gì để bảo vệ trẻ trên không gian mạng
Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hương - Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế Công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội đánh giá, mạng xã hội giúp thanh thiếu niên tăng cường kết nối xã hội, tạo cơ hội thể hiện bản thân, tiếp cận thông tin và các nguồn lực hỗ trợ trong học tập và cuộc sống. Khoảng 81% học sinh được hỏi, đã cho biết mạng xã hội giúp các em cảm thấy gắn kết hơn với bạn bè và thế giới xung quanh.
Tuy nhiên, khi lạm dụng mạng xã hội, thanh thiếu niên có nguy cơ gặp các vấn đề như rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, cô lập xã hội, nghiện internet và trở thành nạn nhân của bắt nạt trên mạng. Ngoài ra, sự gia tăng của tội phạm mạng, áp lực từ bạn bè và tiếp xúc với nội dung độc hại cũng là những rủi ro tiềm ẩn, có thể dẫn đến hành vi tự hại, suy nghĩ tiêu cực và các vấn đề tâm lý nghiêm trọng khác.
Những kết quả này nhấn mạnh sự cần thiết của việc giám sát và giáo dục trẻ em về cách sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm và an toàn. Để bảo vệ trẻ em khỏi các tác động tiêu cực của mạng xã hội, nhiều chuyên gia khuyến nghị cần có sự giám sát chặt chẽ từ phụ huynh, nhà trường và cả xã hội.
PGS.TS Lê Minh Giang - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế Công cộng chia sẻ, sẽ có những chương trình nâng cao nhận thức, cung cấp hướng dẫn cho nhà trường, phụ huynh và cộng đồng để bảo vệ và nâng cao sức khỏe tinh thần cho thanh thiếu niên trong kỷ nguyên số.
Trang bị kỹ năng tự bảo vệ bản thân và duy trì kiểm soát khi sử dụng mạng xã hội là chìa khóa để thanh thiếu niên tận dụng những lợi ích mà không bị ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần.
Trong khi đó, tiến sĩ Trịnh Viết Then - Trưởng Bộ môn Tâm lý học, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho rằng, cha mẹ cần hỗ trợ trẻ lập kế hoạch cho các hoạt động trong từng giai đoạn và thời gian cụ thể, chẳng hạn như theo ngày, tuần, tháng, học kỳ hay năm học.
Bên cạnh đó, các gia đình nên cùng nhau tham gia các hoạt động một cách hợp lý, tạo điều kiện để quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau. Người lớn nên cùng trẻ tham gia các hoạt động thể thao và rèn luyện sức khỏe, giúp trẻ có không gian vui chơi theo lịch trình đã định và theo dõi sát sao các hoạt động của trẻ một cách hiệu quả.
Về vấn đề đối phó với các thông tin tiêu cực trên mạng xã hội, ông Then đề xuất cha mẹ nên kiểm soát các thiết bị thông minh theo lịch trình hoạt động của trẻ và quản lý internet. Họ có thể cài đặt phần mềm quản lý thiết bị và đặt mật khẩu để kiểm soát tốt hơn.
Tiến sĩ Then nhấn mạnh, người lớn cần dành thời gian quan tâm, theo sát và tham gia vào các hoạt động tích cực cùng trẻ, từ đó giúp hình thành những thói quen và hành vi tích cực, không chỉ trong đời sống gia đình mà cả trong quá trình học tập.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/he-luy-dang-lo-ngai-khi-tre-danh-toi-5-7-tieng-moi-ngay-trong-the-gioi-ao-7025.html