Vẫn còn 18 tuyến đường ngập, TP. HCM cần giải pháp tổng thể nào?

Để giải quyết vấn đề ngập nước tại TP. HCM, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, không chỉ cần chống ngập mà còn phải quản lý việc thoát nước một cách hợp lý, vừa giảm thiểu tác hại, vừa tận dụng tối đa lợi ích từ nước.

18 tuyến đường ngập

Tình trạng ngập úng ở TP.HCM vẫn là vấn đề cấp bách, đặc biệt là tại 13 tuyến đường thường xuyên ngập do mưa và 6 tuyến đường ngập do triều cường.

Theo Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TP. HCM, 13 tuyến đường bị ngập do mưa gồm: Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (trước đây là đường Cây Trâm), Đặng Thị Rành, Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh), Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, quốc lộ 1 (TP.Thủ Đức), Phan Anh, và Hồ Học Lãm (Q.Tân Phú).

ngap-ung-tp-hcm-1-1728177580.jpg
TP. HCM vẫn còn 18 tuyến đường bị ngập (Ảnh: Phạm Hữu)

Bên cạnh đó, có 6 tuyến đường trục chính bị ngập do triều cường gồm: Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (Q.7), Lê Văn Lương, Đào Sư Tích, Phạm Hữu Lầu (H.Nhà Bè) và quốc lộ 50 (H.Bình Chánh). Khi triều cường đạt đỉnh, những tuyến đường này thường bị ngập trong khoảng thời gian từ 30 phút đến 120 phút.

Nguyên nhân của tình trạng ngập úng chủ yếu xuất phát từ biến đổi khí hậu và sự gia tăng tần suất những cơn mưa lớn trong thời gian ngắn. Đồng thời, địa hình của TP. HCM khá thấp và thường xuyên bị ảnh hưởng bởi triều cường, đặc biệt là khu vực quận 7, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh.

Khu vực trung tâm thành phố với diện tích 106,4 km² cũng gặp vấn đề khi 40% diện tích có cao độ thấp (≤+1,6m), trong khi mức triều báo động III (+1,5m) xuất hiện thường xuyên, có lúc lên đến +1,71m.

Hệ thống thoát nước cũ kỹ, không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu hiện tại, cùng với tình trạng xả rác bừa bãi làm tắc nghẽn miệng cống là những nguyên nhân gia tăng tình trạng ngập. Tốc độ đô thị hóa nhanh cũng đã gây áp lực lên hạ tầng thoát nước, vốn chưa kịp nâng cấp để đáp ứng nhu cầu thực tế.

Tại các tuyến đường ngập do triều cường như Calmette, Nguyễn Thái Bình và Lê Thị Hồng Gấm, để đối phó, TP. HCM đã lắp đặt van ngăn triều và trạm bơm di động tại các cửa xả dọc kênh Tàu Hũ - Bến Nghé.

Về giải pháp dài hạn, TP. HCM đang triển khai dự án "Giải quyết ngập do triều có xét đến điều kiện biến đổi khí hậu" nhằm xử lý triệt để tình trạng ngập úng do triều cường. Đồng thời, thành phố cũng tập trung đẩy nhanh các dự án xây dựng và cải tạo hệ thống thoát nước tại các tuyến đường thường xuyên ngập úng.

Thay đổi tư duy chống ngập

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, giảng viên cao cấp Khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM cho rằng, tình trạng ngập úng kéo dài nhiều năm qua tại TP. HCM xuất phát từ việc thành phố chống ngập còn thiếu sự đồng bộ và chiến lược tổng thể. Các biện pháp hiện tại thường chỉ mang tính đối phó, xử lý cục bộ bằng cách nâng đường tại những khu vực ngập nước, nhưng không có kế hoạch dài hạn.

Theo ông Hòa, TP. HCM cần thay đổi tư duy chống ngập ngay từ bây giờ, bắt đầu bằng việc đầu tư nạo vét kỹ lưỡng toàn bộ hệ thống kênh rạch. Nếu thực hiện điều này, thành phố có thể giảm ngập khoảng 40% một cách nhanh chóng. Ông cũng chỉ ra rằng, trước năm 1990, TP. HCM ít bị ngập do nước mưa tự nhiên thấm xuống đất và thoát qua khu vực phía Nam thành phố, nơi từng đóng vai trò như "túi chứa nước". Tuy nhiên, khu vực này hiện đã xây dựng dày đặc, làm mất đi khả năng chứa nước.

ngap-ung-tp-hcm-1728177580.jpg
Tình trạng nâng đường hay nhà dân mỗi khi bị ngập chỉ khiến nước dồn sang các khu vực khác (Ảnh: Cao An Biên)

TP. HCM có địa hình thuận lợi cho việc thoát nước, với khu vực Tây Bắc cao và thấp dần về phía Nam. Tuy nhiên, sự phát triển đô thị quá mức cùng với việc nâng cấp nhiều con đường đã tạo ra những khu vực bị chia cắt, hình thành các "túi nước" gây ngập úng. Tình trạng nâng đường hay nhà dân mỗi khi bị ngập chỉ khiến nước dồn sang các khu vực khác, tạo ra một vòng luẩn quẩn không có hồi kết.

Ông Hòa gợi ý, TP. HCM có thể học hỏi mô hình chống ngập từ Nhật Bản, bằng cách xây dựng các hầm chứa nước tại những vùng đất trống, thu gom nước mưa và sử dụng không gian trên hầm làm khu vui chơi hoặc công viên. Bên cạnh đó, thay vì tiếp tục đầu tư vào các cống hộp, vốn nhỏ và dễ bị kẹt rác, TP. HCM nên xây dựng cống hở có nắp đậy, dễ dàng mở ra để nạo vét khi cần thiết.

Ông Hòa nhấn mạnh, hệ thống kênh rạch của TP.HCM có tiềm năng rất lớn trong việc chống ngập nếu được nạo vét. Trước đây, khi thành phố nâng cấp kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, các khu vực quận Tân Bình và Phú Nhuận đã hết ngập. Việc nạo vét kênh không chỉ giúp thoát nước tốt hơn, mà còn cải thiện môi trường sống, tạo mỹ quan đô thị và hình thành các khu dân cư ven kênh.

Trong khi đó, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, để giải quyết vấn đề ngập úng tại TP. HCM, cần phát triển đô thị với tinh thần "trả lại cho môi trường những gì của môi trường." Ông cảnh báo nếu không tính toán kỹ lưỡng, tình trạng ngập sẽ chỉ chuyển từ khu vực này sang khu vực khác mà không được giải quyết triệt để.

Ông Sơn cho biết, theo nghiên cứu, khi mưa xuống đất tự nhiên, khoảng 40% nước sẽ bốc hơi, 10% chảy trên bề mặt và 50% thấm vào đất. Tuy nhiên, trong đô thị có quy hoạch, lượng nước thấm vào đất giảm còn 15%, trong khi 55% nước chảy trên bề mặt qua hệ thống thoát nước.

Tại TP. HCM, do bê tông hóa quá cao, tỷ lệ nước thấm vào đất chỉ còn khoảng 5%, trong khi 65% nước thoát trên bề mặt, làm gia tăng nguy cơ ngập nếu không có hệ thống thoát nước phù hợp.

Theo ông Sơn, nếu chỉ tính toán cống thoát nước theo lượng mưa lớn nhất trong 100 năm thì vẫn không đủ, vì chưa tính đến các yếu tố khác như bê tông hóa, làm nước thoát nhanh từ các khu vực lân cận dồn về, khiến cống to đến đâu cũng vẫn có thể gây ngập.

Để giải quyết vấn đề ngập nước tại TP. HCM, ông Sơn cho rằng, không chỉ cần chống ngập mà còn phải quản lý việc thoát nước một cách hợp lý, vừa giảm thiểu tác hại, vừa tận dụng tối đa lợi ích từ nước. Thành phố cần có một chiến lược thoát nước tổng thể, giúp nước chảy dần vào hệ thống sông ngòi và thấm vào đất, tránh gây ngập úng cục bộ. Cần đánh giá toàn diện, nghiên cứu cả những khu vực ngập và không ngập vì chúng có sự liên quan chặt chẽ.

Ông Sơn cũng nhấn mạnh việc ngăn chặn lấp kênh rạch và xây cống hộp, vì kênh rạch chứa được nhiều nước hơn và giúp thấm vào đất tốt hơn so với cống. Ngoài ra, thành phố cần có cách tiếp cận đa ngành trong vấn đề thoát nước, phối hợp giữa quy hoạch đô thị và các lĩnh vực khác để đảm bảo phát triển bền vững, vừa không ngập, vừa mang lại lợi ích cho xã hội.

Vũ Dũng

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/van-con-18-tuyen-duong-ngap-tp-hcm-can-giai-phap-tong-the-nao-7053.html