Trong thời gian gần đây, mạng xã hội đang bàn tán xôn xao về câu chuyện của một người thuộc thế hệ GenZ về việc dù làm việc rất chăm chỉ nhưng vẫn không dám mơ đến chuyện mua nhà ở Hà Nội với mức lương văn phòng. Theo bạn trẻ này, dù đã sống ở Hà Nội được và năm nhưng luôn có cảm giác “không phải là sinh sống mà là sinh tồn”.
Lương cao nhưng vẫn chật vật “sinh tồn”
Ngay sau khi câu chuyện được đăng tải đã thu hút sự đồng cảm và chia sẻ từ nhiều người, đặc biệt là các bạn cùng thế hệ. Nhiều người còn cho biết, đã từ bỏ ước mơ mua nhà từ lâu vì cảm thấy mệt mỏi trong cuộc hành trình theo đuổi bất động sản giữa bối cảnh giá nhà leo thang, còn thu nhập thì "dậm chân tại chỗ", hoặc tăng không đáng kể.
Theo bạn Ngọc Mai (28 tuổi, quê Thái Nguyên) đã sống và làm việc ở Hà Nội 6 năm, hiện 2 vợ chồng đang có mức thu nhập gần 30 triệu đồng/tháng nhưng vẫn duy trì thuê 1 căn nhà tập thể 3 năm nay với mức 5 triệu đồng/tháng. Hàng tháng sau khi trừ đi các chi phí như tiền thuê nhà, điện nước, tiền học cho con, 2 vợ chồng cũng chỉ tiết kiệm được khoảng 5 triệu đồng/tháng. Do đó, việc mua nhà tại Thủ đô là điều ngoài khả năng tài chính.
Tương tự, Thu Huyền (29 tuổi, quê Hải Phòng) hiện đang là nhân viên thiết kế của một công ty quảng cáo cho biết, dù thu nhập trung bình mỗi tháng là 20 triệu đồng và còn độc thân nhưng không dám nghĩ tới việc mua nhà.
Bởi sau khoảng 7 năm sống và làm việc tại Hà Nội, số tiền tiết kiệm mà bạn có được mới chỉ đủ để đóng tiền 30% căn hộ 1 phòng ngủ tại các dự án mới mở bán thời gian vừa qua. Nếu phải ngân hàng 70% giá trị còn lại của căn hộ sẽ là một khoản chi phí lớn mà bản thân bạn Huyền không chắc có thể “gánh” được hay không.
Cũng đang độc thân và có mức thu nhập đến 50 triệu đồng/tháng từ công việc kinh doanh online nhưng Hoàng Anh (24 tuổi) cho biết, không dám mua nhà. Cũng theo Hoàng Anh, bạn đã từng tìm hiểu một số căn hộ 2 phòng ngủ ở khu phía Tây Hà Nội nhưng đều có giá trên 3,2 tỉ đồng. Trong khi đó, bạn Thu cũng không quá tự tin sẽ duy trì được mức thu nhập hiện tại trong dài hạn, chi phí sinh hoạt tại Hà Nội lại quá cao.
Chị Phượng Nguyễn (30 tuổi, nhân viên truyền thông - marketing, quận 3, TP.HCM) chia sẻ, với thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng, việc tiết kiệm được 10 triệu/tháng là "lý tưởng". Sau gần 10 năm làm việc, chị chỉ tích góp được khoảng 400 triệu đồng. Mặc dù mong muốn mua nhà, nhưng giá chung cư tại TP.HCM, kể cả khu vực xa trung tâm đều đã trên 1,8 tỉ đồng.
Các căn hộ ở khu vực rìa như Dĩ An (Bình Dương) cũng dao động 38 – 40 triệu/m2. Nếu vay 1,2 tỉ với lãi suất 8,5%, mỗi tháng chị phải trả gần 12 triệu đồng thì vấn đề vay hay không vay trở thành trăn trở lớn, chưa kể hết thời gian ưu đãi sẽ phải chịu lãi suất thả nổi.
Gỡ tâm lý “ngại vay” cho người dân và thế hệ trẻ
Theo ông Trần Mạnh Chí – Phó Tổng giám đốc Công ty Đông Tây Property, giá căn hộ tại các đô thị, nhất là tại TP.HCM và Hà Nội, các tỉnh lân cận tăng đều qua các năm, thậm chí cùng một dự án nhưng đợt mở bán sau cao hơn đợt mở bán trước. Tại TP.HCM, các dự án gần trung tâm có giá trên 100 triệu đồng/m², thậm chí những dự án cách trung tâm 20km cũng đã đạt mức 80 triệu đồng/m².
Mặc dù thị trường bất động sản trầm lắng, giá vẫn tiếp tục tăng cao và rất khó giảm nếu không có sự cải thiện về nguồn cung. Với mức giá hiện tại, chỉ một số ít người có thu nhập và vốn ban đầu đủ lớn mới có thể vay ngân hàng để mua nhà trả góp.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), nhiều người trẻ GenZ dù thu nhập từ 25 – 50 triệu đồng/tháng vẫn lo lắng khi mua nhà do giá bất động sản liên tục biến động và thay đổi chính sách pháp luật. Mặc dù có thu nhập ổn định, họ vẫn lo ngại về các chi phí liên quan như phí trước bạ, đăng ký, lãi suất vay, và nguy cơ giá nhà giảm sau khi mua.
Cũng theo ông Châu, hiện vốn cho bất động sản giá rẻ hiện đang có gói tín dụng 120.000 tỉ đồng mới chỉ giải ngân được hơn 1% cho thấy nguy cơ “ế” rất cao. Gói tín dụng này có lợi ích hạn chế, với ưu đãi chỉ trong 5 năm đầu, sau đó lãi suất thả nổi, khiến người vay khó trả nợ. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp ngại vay vì vướng mắc pháp lý.
Do đó, ông Châu đề xuất cần đưa ra giải pháp cho người thu nhập thấp tiếp cận nguồn vốn vay dài hạn thay vì các khoản vay ngắn hạn hiện tại, vốn đã tạo ra tâm lý "ngại vay" .
TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia kinh tế, giá nhà khó có thể giảm nhưng nếu cân bằng được cung cầu sẽ giúp hạn chế tình trạng tăng giá đột biến như thời gian qua. Gần đây, UBND TP Hà Nội đã bổ sung 15 khu đất lớn để xây dựng nhà ở xã hội, trong đó có 2-3 khu dành cho công nhân gần khu công nghiệp, dự kiến xây dựng 30.000 căn hộ. Ngoài ra, Hà Nội cũng phê duyệt 4 dự án nhà ở xã hội độc lập với tổng diện tích sàn khoảng 1 triệu m2.
Đồng thời, ông Hiếu cũng khuyến khích GenZ nên chủ động tìm kiếm giải pháp, trang bị kiến thức tài chính, lập kế hoạch chi tiết và tận dụng các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước như gói vay ưu đãi và nhà ở xã hội để thực hiện giấc mơ sở hữu nhà.
Quang Đăng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/thu-nhap-30-50-trieu-dongthang-nhung-genz-van-ngai-vay-mua-nha-7067.html