Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân ở mức khá như bất động sản, hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm (12,7 triệu đồng/tháng, tăng 10,3%); công nghiệp chế biến, chế tạo là 8,3 triệu đồng, tăng 6,7%...
Thu nhập tốt nếu thị trường thuận lợi
Kể từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản bắt đầu có những tín hiệu tích cực, nhiều doanh nghiệp bất động sản liên tục thông báo tuyển dụng từ hàng chục đến hàng trăm nhân viên môi giới cùng với nhiều đãi ngộ như: lương cứng cao, hoa hồng tốt, hỗ trợ marketing…
Theo Giám đốc một công ty bất động sản tại TP.HCM, doanh nghiệp đang tuyển 150 nhân viên môi giới để triển khai bán dự án mới, đẩy hàng tồn kho. Để tuyển được đủ lượng nhân sự đặt ra, công ty đã đưa ra nhiều chế độ đãi ngộ như lương cứng 10 triệu đồng/tháng, 2 triệu tiền chạy marketing và 2 triệu tiền KPI. Ngoài ra, nhân viên môi giới còn được nhận hoa hồng theo sản phẩm, thanh toán ngay sau khi khách hàng ký hợp đồng.
Anh Nhân Đức – Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội cho biết, để đón đầu làn sóng mới, nhiều doanh nghiệp đã tung loạt chế độ đãi ngộ hấp dẫn để chiêu mộ nhân sự có kinh nghiệm gia nhập, quay trở lại với thị trường. Bởi trong giai đoạn khó khăn năm 2023, khoảng 70% số lượng nhân viên đã bỏ việc.
Cũng theo anh Đức, kể từ sau Tết Nguyên đán, đất nền tại nhiều khu vực ghi nhận lượng khách “săn” hàng, xuống tiền tăng đột biến so với thời gian trước, giúp các nhân viên kinh doanh liên tiếp “chốt” được giao dịch. Thậm chí, có người có thể đạt được từ 50 – 100 triệu đồng trong tháng. Trong khi đó, theo nhiều dự báo thị trường sẽ còn tiếp tục tích cực hơn nữa vào giai đoạn tới.
Chị Nguyễn Nhung – nhân viên kinh doanh bất động sản tại Đất Xanh Miền Bắc cho biết, 6 năm trước, sau khi bán hàng online kiếm được một khoản tiền kha khá, chị đã bàn với gia đình vay thêm để mua 1 mảnh đất với giá trị 2,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2021 chị đã bán được với giá gần 10 tỉ đồng, tương đương gấp khoảng 5 lần.
Sau thương vụ này, chị Nhung nhận thấy kênh bất động sản còn nhiều tiềm năng nên quyết định nghỉ việc bán hàng online và chuyển hẳn sang nghề môi giới. Chị Nhung cho biết, tổng thu nhập của một nhân viên kinh doanh bất động sản khoảng 20 – 30 triệu đồng mỗi tháng, không quá cao nhưng hấp dẫn.
“Nếu bán được 3 – 4 lô đất dự án mỗi năm với hoa hồng 100 triệu đồng/lô, thu nhập có thể đạt 300 – 400 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, thu nhập này không đồng đều, có người kiếm rất nhiều, có người rất ít”, chị Nhung chia sẻ.
Nhưng không màu hồng
Lâu nay, những câu chuyện người kinh doanh bất động sản kiếm được “lương” cao không phải hiếm, nhưng để đạt được mức thu nhập này không chỉ cần may mắn mà còn nhiều kinh nghiệm và kiến thức. Mặc dù không có số liệu cụ thể, nhưng mỗi dự án bất động sản có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn nhân viên và không phải ai cũng thành công. Có người giàu lên sau vài thương vụ, nhưng cũng có người mới vào nghề đã phải bỏ cuộc.
Theo chị Nhung, để trở thành một người kinh doanh, môi giới chuyên nghiệp và có hợp đồng trong tay không dễ, phải có nhiều mối quan hệ, kiến thức và cả một chút may mắn. Người mới vào nghề cần phải quyết tâm và kiên trì vì có thể phái mất từ 3 – 6 tháng không lương, không thu nhập.
Cũng theo chị Nhung, một số doanh nghiệp sẽ hỗ trợ nhân viên một khoản hỗ trợ bằng tiền nhưng chỉ nhỏ khoảng 3 – 4 triệu đồng/tháng. Chỉ khi có hợp đồng về thì mới được ký hợp đồng chính thức và nhận lương. Ngoài áp lực về doanh thu, nhân viên sale còn phải đối mặt với thu nhập bấp bênh và việc phải di chuyển nhiều.
Anh Nguyễn Văn Thành – một nhân viên kinh doanh chuyên dự án của một Tập đoàn lớn chia sẻ, “tai nạn nghề nghiệp” với những người mới vào nghề không phải là hiếm. Bản thân anh khi mới vào nghề vì muốn “lướt đất” kiếm lời, anh đã mua phải lô đất quy hoạch, mất trắng tiền tỉ.
Đặc biệt, sau khi Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8 quy định, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản sẽ không được hành nghề tự do, phải có chứng chỉ hành nghề và hoạt động trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch hoặc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản.
Tuy nhiên, đến nay sau hơn 2 tháng luật có hiệu lực, nhiều sàn giao dịch và môi giới vẫn gặp khó với các quy định mới này. Lãnh đạo một sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội chia sẻ, mặc dù chất lượng các môi giới của doanh nghiệp đều có năng lực chuyên môn, dày dạn kinh nghiệm, song chỉ 60% có chứng chỉ hành nghề.
Thời gian vừa qua, sàn đã nhanh chóng cử những nhân sự này tham gia các khoá đào tạo để kiện toàn bộ máy hoạt động. Tuy nhiên, thời gian chờ đợi các môi giới đạt chứng chỉ cũng khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng do thiếu hụt nhân sự đủ yêu cầu.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), lực lượng môi giới bất động sản đóng vai trò trung gian, kết nối và thực hiện hàng trăm nghìn giao dịch mỗi năm với giá trị lên đến hàng triệu tỷ đồng. Do đó, việc tăng cường kiểm soát hoạt động môi giới bất động sản, yêu cầu mọi cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới phải chuyên nghiệp hơn là rất quan trọng, đồng thời ngăn ngừa, giảm thiểu rủi ro do hoạt động môi giới gây ra.
Tuy nhiên, việc tổ chức đào tạo và thi sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề hiện còn nhiều hạn chế, cả về chất lượng đào tạo lẫn công tác tổ chức thi, khiến quá trình này trở nên phức tạp và chưa thực sự hiệu quả.
Quang Đăng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/thuoc-nhom-thu-nhap-cao-nhat-viet-nam-nghe-kinh-doanh-bat-dong-san-co-thuc-su-mau-hong-7088.html