Doanh nghiệp vàng ngày càng "vào khuôn khổ"

Theo thông tin từ cơ quan quản lý tiền tệ TP.HCM, gần đây số lượng doanh nghiệp đăng ký trong lĩnh vực sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ đã tăng nhanh sau khi các cơ quan, ban, ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM vừa có văn bản đề nghị các sở, ban, ngành của thành phố phối hợp phổ biến quy định pháp luật về điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Minh bạch hóa hoạt động kinh doanh vàng

Theo đó, NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải đáp ứng các yêu cầu về địa điểm, cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết cho hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.

Đặc biệt, doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định liên quan như nhãn mác, chất lượng sản phẩm, hóa đơn chứng từ, thuế, nguồn gốc sản phẩm, an toàn trật tự, phòng cháy chữa cháy, và bảo vệ môi trường. Các điều kiện pháp lý mà doanh nghiệp phải thực hiện bao gồm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký ngành nghề sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.

Việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ là thủ tục hành chính, do NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện.Những thủ tục này được niêm yết công khai để hướng dẫn doanh nghiệp. Doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ điều kiện, hồ sơ, thủ tục theo quy định sẽ được xem xét cấp giấy chứng nhận.

kinh-doanh-vang-1728370269.png
Số lượng doanh nghiệp đăng ký trong lĩnh vực sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ đã tăng nhanh sau khi các cơ quan, ban, ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra

Người dân và doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ có thể liên hệ trực tiếp với NHNN chi nhánh TP.HCM để được hướng dẫn. Nhà điều hành tiền tệ khuyến nghị người dân và doanh nghiệp không qua trung gian để tránh chi phí không cần thiết và đảm bảo chất lượng dịch vụ công.

Không chỉ tại TP.HCM, ngày 15/10 tới đây, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội sẽ kết thúc đợt kiểm tra 116 doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn. Nội dung kiểm tra bao gồm: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đủ điều kiện kinh doanh; thực hiện việc niêm yết giá, chấp hành quy định về sở hữu trí tuệ, nguồn gốc xuất sứ sản phẩm vàng, trang sức vàng.

Hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo yêu cầu cơ quan liên quan tập trung tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế. Đây là giải pháp quan trọng để kiểm soát thị trường vàng.

Theo Tổng cục Thuế, tính đến thời điểm hiện tại, 100% doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đã sử dụng hóa đơn điện tử. Việc kiểm soát xuất hóa đơn trong kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ đã được thực hiện. Sau hơn một năm triển khai, đã có 5.835 cơ sở kinh doanh vàng bạc áp dụng hóa đơn điện tử với hơn 1,065 triệu hóa đơn được khởi tạo, và được người dân và doanh nghiệp ủng hộ.

Vẫn còn nhiều vấn đề làm khó doanh nghiệp

Bà Đinh Xuân Ngân (Hà Nội) chia sẻ, hóa đơn điện tử giúp bảo vệ người tiêu dùng khi mua vàng, đảm bảo chất lượng và nguồn gốc rõ ràng. Đồng tình, ông Ngô Duy Hiếu - Chủ tiệm vàng trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) cũng cho rằng, việc lấy hóa đơn điện tử là cách đảm bảo quyền lợi khách hàng và đóng góp thuế đầy đủ cho Nhà nước, giúp quản lý doanh thu chính xác hơn.

Ở góc nhìn chuyên gia, ông Phan Phương Nam – Phó trưởng khoa Luật Thương mại (Trường Đại học Luật TP.HCM) nhận định, việc quản lý thị trường vàng qua hóa đơn điện tử tại đơn vị kinh doanh vàng đang phát huy hiệu quả, nhưng cần tuyên truyền thêm và có biện pháp xử lý đối với các cơ sở không tuân thủ.

Bên cạnh những thuận lợi, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như việc chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa đối với những sản phẩm cũ. Theo đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu, phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh vàng là doanh nghiệp tư nhân chuyển đổi từ các cửa hàng vàng bạc (hộ kinh doanh) theo quy định của Cục Quản lý Nhà nước nên tài sản hàng hóa, vốn kinh doanh còn chưa rõ ràng.

vang-trang-suc-1728370253.png
NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện

Chẳng hạn, số vàng của gia đình có khi từ nhiều đời để lại được đưa vào kinh doanh mà không ghi trong vốn, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp cũng không kê khai. Bên cạnh đó, việc thu mua vàng lẻ của người dân do thói quen “mua đâu bán đấy” nên không kê khai thông tin, mặt khác người dân cũng ngại không cung cấp thông tin cá nhân.

Đặc biệt, vàng mua từ nhiều người dân được doanh nghiệp nấu chung, phân kinh thành một cục chung nên khó xác định được rõ nguồn gốc. Trước khi các quy định mới được thực hiện đồng bộ, thị trường tồn tại một thực trạng là nhiều doanh nghiệp vẫn hoạt động theo thói quen hộ kinh doanh, chưa thực hiện đúng các chuẩn mực kế toán, gây khó khăn cho công tác kiểm tra và quản lý Nhà nước.

Liên quan đến đợt thanh tra liên ngành từ 23/5-10/9, CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã nhận quyết định xử lý vi phạm hành chính từ Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) với mức phạt 1,34 tỷ đồng do không đáp ứng đầy đủ các quy định phòng chống rửa tiền và một số sai sót khác trong báo cáo thông tin cho cơ quan quản lý.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ của PNJ, bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT đã khẳng định sự uy tín về hoạt động sản xuất, kinh doanh và nguồn cung vàng của công ty. “Cứ làm ăn uy tín, vàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì không ngại thanh kiểm tra”.

 

Tuệ Minh

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/doanh-nghiep-vang-ngay-cang-vao-khuon-kho-7105.html