Google đứng trước nguy cơ bị chia tách sau phán quyết độc quyền

Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) cho biết, họ đang xem xét khả năng chia tách Google như một biện pháp chống độc quyền. Điều này có thể ngăn Google sử dụng các sản phẩm như Chrome, Google Play và Android để tạo lợi thế cho tìm kiếm của công ty.

Thông tin vừa được Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra, nêu bật tình hình kinh doanh công cụ tìm kiếm (Search) của Google. Bộ này cho biết, đang cân nhắc khả năng chia tách gã khổng lồ công nghệ này như một biện pháp chống độc quyền.

DOJ cho biết: Các biện pháp khắc phục cần thiết nhằm ngăn chặn và hạn chế việc duy trì thế độc quyền có thể bao gồm các yêu cầu và lệnh cấm hợp đồng, các yêu cầu về sản phẩm không phân biệt đối xử; các yêu cầu về dữ liệu và khả năng tương tác cũng như các yêu cầu về cấu trúc”.

google-1-1728529334.jpg
Google đang đứng trước nguy cơ bị phân tách.

Đặc biệt, DOJ cũng đang “Xem xét các biện pháp khắc phục về mặt hành vi và cấu trúc nhằm ngăn Google sử dụng các sản phẩm như Chrome, Play và Android để tạo lợi thế cho tìm kiếm của Google và các sản phẩm và tính năng liên quan đến tìm kiếm của công ty, bao gồm các điểm truy cập tìm kiếm mới nổi và các tính năng, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo so với các đối thủ cạnh tranh hoặc người mới tham gia”.

DOJ cũng đề xuất hạn chế hoặc cấm các thỏa thuận mặc định và “Các thỏa thuận chia sẻ doanh thu khác liên quan đến tìm kiếm và các sản phẩm liên quan đến tìm kiếm”. Điều này có nghĩa là Google sẽ không thể trả tiền cho cả Apple lẫn Samsung để biến Google Search trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị của họ. Điều này sẽ khiến công ty mất hàng tỷ USD mỗi năm.

Các khuyến nghị được đưa ra sau khi một thẩm phán của Mỹ đưa ra phán quyết rằng Google nắm giữ độc quyền trên thị trường tìm kiếm hồi tháng 8. Phán quyết đó được đưa ra sau khi chính phủ đệ đơn kiện mang tính bước ngoặt vào năm 2020, cáo buộc Google đã giữ được thị phần tìm kiếm chung của mình bằng cách tạo ra các rào cản đối với các đối thủ cạnh tranh. Google đã vi phạm Mục 2 của Đạo luật Sherman, trong đó cấm các hoạt động độc quyền. 

Kent Walker, Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Google, cho biết công ty có kế hoạch kháng cáo phán quyết.

Google chỉ trích đơn kiện của Bộ Tư pháp là "cực đoan" và cho rằng nó sẽ gây ra "hậu quả không mong muốn đáng kể đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp và khả năng cạnh tranh của Mỹ".

Lee-Anne Mulholland, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề pháp lý của Google đã viết trong một bài đăng trên blog các đề xuất của DOJ "vượt xa phạm vi pháp lý của quyết định của Tòa án về hợp đồng phân phối Tìm kiếm".

google-search-1728531241.webp
Việc áp dụng các biện pháp chống độc quyền, đặt Google Search vào thế có nguy cơ bị mất thị phần nghiêm trọng thời gian tới.

Các cơ quan giám sát của Liên minh châu Âu cũng đã chào mời phương án chia tách hoạt động kinh doanh của Google để xoa dịu những lo ngại về luật chống độc quyền vào năm ngoái. Trưởng phòng cạnh tranh của khối Margrethe Vestager cho biết, "tháo dỡ là cách duy nhất" để giải quyết những lo ngại về cách công ty ưu ái các dịch vụ của riêng mình gây bất lợi cho các đối thủ công nghệ quảng cáo, nhà quảng cáo và nhà xuất bản trực tuyến. Vụ kiện của EU đó - có thể đưa ra quyết định cuối cùng vào cuối năm nay - đánh dấu sự leo thang mới nhất trong một câu chuyện dài đã dẫn đến ba hình phạt của EU với tổng số tiền hơn 8 tỷ euro (8,8 tỷ USD) vì hành vi lạm dụng trên các dịch vụ khác của Google.

Một nhóm các tiểu bang Hoa Kỳ đã kiện Google về hành vi độc quyền tìm kiếm của mình ngoài Bộ Tư pháp cho biết, họ có thể yêu cầu gã khổng lồ công nghệ này trả tiền cho chiến dịch giáo dục công chúng về cách chuyển đổi công cụ tìm kiếm.

Gần đây nhất, một thẩm phán liên bang khác đã ra lệnh cho Google mở cửa hàng ứng dụng của mình trong ba năm tới để giải quyết một vụ kiện chống độc quyền riêng biệt do Epic Games Inc. đệ trình liên quan đến sự thống trị của công ty này trong việc phân phối ứng dụng trên điện thoại thông minh Android. Thẩm phán liên bang Mỹ James Donato đã ban hành lệnh có hiệu lực từ ngày 1/11, cấm Google trong ba năm không được trả tiền cho các nhà phát triển để sử dụng độc quyền cửa hàng ứng dụng của mình hoặc cấm họ nói với khách hàng về cách tải xuống trực tiếp ứng dụng. Google cũng không thể buộc các nhà phát triển sử dụng các tính năng thanh toán của mình trong thời gian đó. Công ty cũng có kế hoạch kháng cáo quyết định đó.

Trong quý 2, Google Search và các sản phẩm khác chiếm 48,5% tỷ USD doanh thu, tương đương 57% tổng doanh thu của Alphabet. Công ty nắm giữ 90% thị phần tìm kiếm.

Minh Châu

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/google-dung-truoc-nguy-co-bi-chia-tach-sau-phan-quyet-doc-quyen-7153.html