Thị trường bất động sản có dấu hiệu hồi phục nhưng sức khoẻ doanh nghiệp vẫn yếu

Các chuyên gia cho rằng, dù thị trường bất động sản đã có dấu hiệu tích cực nhưng các doanh nghiệp chỉ mới vượt qua cơn “sinh tử”, sức khỏe vẫn còn rất yếu.

Tại tọa đàm “Nhận diện thị trường bất động sản cuối năm 2024, đầu năm 2025”, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đã có những đánh giá về sức khỏe của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Mới chỉ vượt qua giai đoạn “sinh tử”

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), các doanh nghiệp bất động sản hiện nay vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, còn tồn tại đến thời điểm này đã là một điều đáng mừng. Bởi lẽ, trước đây nhiều doanh nghiệp phải trải qua tình trạng “bạo bệnh” nhưng hiện đã vượt qua được giai đoạn “sinh tử”.

Đồng tình, ông Ngô Hữu Trường – Phó Tổng Giám đốc Hưng Thịnh cho rằng, dù thị trường bất động sản đã có một số tín hiệu khả quan, nhưng doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Theo đó, thị trường bất động sản hiện vẫn đang chịu nhiều tác động tiêu cực khi khách hàng là đối tượng bị ảnh hưởng và chưa lấy lại được niềm tin. Về phía các chủ đầu tư, họ phải đối mặt với những khó khăn về pháp lý, lượng hàng tồn kho lớn và dòng tiền bị gián đoạn.

doanh-nghiep-bds-1728564547.jpg
Dù thị trường bất động sản đã có một số tín hiệu khả quan, nhưng doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn

Đồng thời, chi phí đầu vào cho việc triển khai các dự án mới đang gặp trở ngại, khiến định giá thị trường khó giảm trong thời gian ngắn. Cũng theo ông Trường, đến cuối năm nay hoặc đầu năm 2025, thị trường vẫn sẽ gặp nhiều thách thức, nhưng không phải là không có lối thoát.

Trong khi đó, ông Đỗ Quốc Anh - Giám đốc Vận hành Tập đoàn Khải Hưng, cũng cho biết các doanh nghiệp đang gặp phải các khó khăn liên quan đến thẩm định, quy hoạch và xây dựng, dù Luật Đất đai mới đã quy định cho phép sử dụng đất nông nghiệp để kinh doanh dịch vụ lưu trú giải trí.

Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường, đại diện Hưng Thịnh nhấn mạnh sự cần thiết của việc đẩy mạnh hợp tác, gia tăng các giao dịch mua bán, sáp nhập để thu hút nguồn vốn mới. Ciệc giải quyết các vướng mắc pháp lý một cách nhanh chóng và hiệu quả, cùng với việc tiết giảm chi phí là yếu tố quan trọng.

Tương tự, ông Lê Hoàng Châu cũng nhận định, các doanh nghiệp bất động sản nên "liệu cơm gắp mắm", cân nhắc kỹ năng lực đầu tư, tránh việc dàn trải và quản lý nguồn lực tài chính một cách hợp lý. Trước đó, vào năm 2018, HoREA đã khuyến cáo các doanh nghiệp cần đáp ứng tốt các yêu cầu pháp lý liên quan đến đầu tư và tín dụng, đảm bảo an toàn tài chính để duy trì sự ổn định nội bộ. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tăng thêm nguồn thu để duy trì hoạt động trong bối cảnh nhiều dự án chưa được triển khai.

Xuất hiện những "tay chơi" mới

Trước những vấn đề còn tồn đọng của doanh nghiệp, ông Phạm Lâm – Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) dự đoán, thị trường bất động sản sẽ "càng đi càng sáng". Hiện, đang có 5 động lực quan trọng đang thúc đẩy sự phát triển của thị trường.

Đầu tiên là chính sách khi các bộ, ngành và địa phương đã thực hiện các quy định pháp luật rõ ràng và minh bạch hơn, tuy nhiên, cần thêm thời gian để các quy định này đi vào thực tiễn, tạo ra những tín hiệu tích cực trong tương lai.

Thứ hai là cơ sở hạ tầng. Chính phủ đang đẩy mạnh triển khai các dự án hạ tầng, đặc biệt ở khu vực phía Bắc, giúp thúc đẩy thị trường bất động sản nhà ở và công nghiệp phát triển. Tình hình phía Nam cũng đang có những chuyển biến sáng sủa hơn.

thi-truong-bds-1728564627.jpg
Hiện, đang có 5 động lực quan trọng đang thúc đẩy sự phát triển của thị trường

Thứ ba là dòng vốn mới. Trong thời gian gần đây, nhiều "tay chơi mới" đã tham gia thị trường bất động sản, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư vào các dự án lớn tại TP.HCM và Bình Dương.

Thứ tư là tín dụng. Chính phủ đã nỗ lực ổn định tín dụng và lãi suất cho người mua nhà, tạo điều kiện cho thị trường phát triển. Một số ngân hàng thậm chí đã cung cấp lãi suất cố định 5% trong 3 năm, giúp người mua nhà tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.

Thứ năm là tính thanh khoản của thị trường bất động sản. Tính thanh khoản của các sản phẩm bất động sản thứ cấp vẫn đang rất tích cực, góp phần kích thích hoạt động mua bán.

Tương tự TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cũng cho biết, các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM có tiềm năng đầu tư hấp dẫn nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn về pháp lý và quỹ đất. Điều này khiến việc tiếp cận thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài trở nên khó khăn, trừ khi hợp tác với các doanh nghiệp trong nước.

Cũng theo ông Khương, khẩu vị đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện các giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam vẫn tập trung vào bất động sản nhà ở, nhưng số lượng giao dịch hạn chế.

Một số ít nhà đầu tư như từ Malaysia sở hữu một vài dự án, khiến khó có thể kỳ vọng vào nhiều thương vụ M&A mới từ nay đến cuối năm. Hiện, các nhà đầu tư nước ngoài đang chuyển hướng từ bất động sản nhà ở sang bất động sản hạ tầng và các tòa nhà văn phòng cho thuê.

Quang Đăng

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/suc-khoe-cac-doanh-nghiep-bat-dong-san-van-con-rat-yeu-7176.html